Sự kiện hot
10 năm trước

Hải Phòng: Cần xử lý nghiêm ô nhiễm ở Nhà máy Gang thép Vạn Lợi

Thời gian qua, những người dân sinh sống ở 2 thôn Phạm Dùng và Khánh Thịnh của xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng liên tục mất ăn, mất ngủ để đấu tranh, yêu cầu Nhà máy Gang thép Vạn Lợi chuyển đi nơi khác hoặc đóng cửa vì ô nhiễm.


Mỗi khi nhà máy Gang Vạn Lợi hoạt động, khói lại mù mịt.

Theo người dân cho biết: kể từ khi đưa lò nung vào hoạt động, nhà máy nấu gang của Cty CP Gang thép Vạn Lợi đã xả thải mù mịt ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con. Còn các ngành chức năng và chính quyền địa phương dường như “vô cảm”…

Dân kêu thấu trời

Khi trao đổi với rất nhiều người dân, hầu hết mọi người đều khẳng định: Nhà máy đã xả khói mù mịt, có mùi khét, tiếng ồn lớn… gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Nhiều người dân ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang để chống bụi.

Trong thôn cũng có nhiều người chết vì bệnh ung thư. Bởi vậy dân làng phải đoàn kết. Mọi người cũng khẳng định, chỉ đến khi nào người dân thấy môi trường được đảm bảo, lúc đó, chẳng cần ai can thiệp, người dân sẽ ủng hộ nhà máy.

Còn hiện tại, mỗi khi Nhà máy Gang Vạn Lợi này hoạt động thì khí độc, khói bụi bẩn túa ra môi trường, đặc biệt là vào khoảng 2-3 giờ sáng, khi người dân chìm sâu vào trong giấc ngủ. Chưa kể có lần đưa phế liệu vào nấu đã phát ra tiếng nổ lớn, cột khói bốc lên có màu rất lạ, mùi khó chịu… Sáng ra nhà nào nhà nấy quét nhà, quét sân gom lại cả đống bụi lạ.

Trả lời phóng viên, Bà Ngô Thị Thanh Miện, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Khánh Thịnh - bức xúc cho biết: Trước khi phong tỏa Nhà máy, người dân báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng, nhưng không được giải quyết nên mới thực hiện việc phong tỏa.

Bà Biện cũng tố cáo: Việc ông Nguyễn Cao Bằng, Chủ tịch HĐQT - người đại diện Cty Vạn Lợi đã vi phạm các cam kết với người dân nhiều lần bằng nhiều lời hứa nhưng kết quả thì người dân “lĩnh đủ” bởi những ô nhiễm từ môi trường như: Tiếng ồn chưa được cải thiện; khí thải xả ra ngoài mùi tanh, hôi; khói bụi mù mịt xả ra môi trường.

Bên cạnh đó, xe tải chạy liên tục làm ảnh hưởng đến những người dân sống ở hai bên đường... Tuy trước đó, Cty đã cam kết với người dân sẽ sớm khắc phục nhưng thực chất chỉ mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, cực chẳng đã, người dân mới phản ứng.

Còn ông Lâm Hồng Diễn, Trưởng thôn Phạm Dùng thì nguyên nhân dẫn đến việc người dân phong tỏa nhà máy sản xuất gang thép của Cty CP gang Vạn Lợi là do nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đó, từ tháng 01/2014, Nhà máy gang Vạn Lợi hoạt động trở lại.

Yếu kém trong công tác quản lý

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã An Hồng cho biết: UBND xã và hàng chục người dân đại diện cho nhân dân 2 thôn đã làm việc với ông Trần Hữu Trung, Phó giám đốc Cty CP Gang thép Vạn Lợi.

Ông Trung đã thừa nhận việc Cty xả thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Cty đã dừng lò và đang tiến hành khắc phục sự cố như: Rửa đường, dọn vệ sinh xung quanh nhà máy, khắc phục sự cố gây chấn động, cải tạo lại hệ thống lọc bụi… Cũng theo ông Trung, do Cty mới tái sản xuất lại, các thiết bị máy móc do đã để lâu ngày không hoạt động sản xuất nên gây ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường…

Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra tình hình thực tế sản xuất của Cty CP gang thép Vạn Lợi, đại diện UBND xã An Hồng đề nghị Cty này hoàn thiện lại hệ thống lò cao, trồng cây xanh, phun nước, nạo vét hệ thống thoát nước, bụi bẩn, hệ thống chống rung… đến hết tháng 02/2014 phải hoàn thành. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng đến quan trắc đánh giá tác động môi trường của Cty.

Song lời nói không đi đôi với việc làm, tranh chấp lại đẩy lên đỉnh điểm. Nhân dân địa phương lại viết đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng của Hải Phòng, nhưng không thấy cơ quan nào về xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Vì thế, người dân 2 thôn đã kéo ra dựng lều, cấm đường, không cho doanh nghiêp này vận chuyển nguyên vật liệu ra vào nhà máy để hoạt động sản xuất.


Người dân bao vây Nhà máy.

Đến ngày 18/4 vừa qua, ông Khương Thanh Giang, Phó giám đốc phụ trách sản xuất đã đại diện doanh nghiệp ra xin lỗi người dân vì đã gây ô nhiễm môi trường cũng như gây xáo trộn cuộc sống của bà con 2 thôn và xin hứa sẽ khắc phục xong những sự cố về môi trường.

Nhưng lời hứa chưa thực hiện xong, theo phản ánh của người dân, Cty lại một lần nữa không tôn trọng ý kiến của họ và tiếp tục xả khói bụi ồ ạt trong các ngày 25, 26, 27, 28/4 vào ban đêm... Cực chẳng đã, người dân lại bao vây.

Sau đó, UBND xã An Hồng đã tổ chức cuộc họp để yêu cầu Cty khẩn trương khắc phục tình trạng gây ô nhiễm. Đến ngày 4/5, Cty lần nữa dừng hoạt động để khắc phục sửa chữa các hạng mục bảo vệ môi trường.

Theo ông Trương Văn Hải (47 tuổi, trú tại thôn Phạm Dùng) kể lại: Ông là một trong những người được phân công “canh gác”, lúc đó khoảng 11h10 đêm 8/5, gần 100 người lạ mặt xuất hiện tại chốt, đe dọa chúng tôi phải ngồi im để họ cho xe ủi vào xúc lều bạt, gạch đá dùng để chốt chặn. Nhóm thanh niên này chỉ rời hiện trường khi lực lượng công an có mặt.

Chiếc xe ủi đã được đưa về trụ sở UBND xã An Hồng để cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ việc ai thuê nhóm thanh niên đến “giải quyết” vụ việc. Để tránh manh động, Công an huyện An Dương lại phải tăng cường, đề phòng chuyện xấu xảy ra.

Trước đó, ngày 4/5, UBND huyện An Dương có buổi làm việc với xã và Cty Vạn Lợi, trong đó yêu cầu Cty dừng hoạt động, khẩn trương khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, đề nghị nhân dân tháo dỡ vật cản. Đến 15h cùng ngày, Cty dừng hoạt động.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết: Quan điểm của huyện là tiếp tục yêu cầu Cty Vạn Lợi phải thực hiện cam kết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thời gian này.

Từ đầu tháng 5 đến nay, lãnh đạo huyện và Sở TN&MT do ông Phạm Quốc Ka, Phó giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng - làm đại diện đã phải tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vụ việc. Ông Ka đã công bố kết quả quan trắc đánh giá tác động môi trường của Cty Vạn Lợi, tuy nhiên, đại diện người dân đã không đồng ý với kết quả này vì cho rằng kết quả đó không phản ánh đúng mức độ ô nhiễm, mẫu dùng để quan trắc được lấy khi nhà máy hoạt động chưa hết công suất...

Bởi vậy, để dứt điểm tình trạng bao vây nhà máy cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, đã đến lúc các ngành cần quyết liệt hơn nữa để đôi bên cùng đảm bảo quyền lợi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Đức Hải
theo Xây Dựng

Từ khóa: