Hoà chung không khí phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng, kỷ niệm 78 ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 75 năm ngày truyền thống Thuỷ Nguyên quật khởi. Được sự đồng ý của Huyện uỷ, UBND huyện, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Gia Đức long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập xã, nhằm ôn lại lịch sử và truyền thống tốt đẹp của vùng đất và con người Gia Đức.
Đây cũng là dịp để đánh giá, ghi nhận những thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương của nhân dân và cán bộ xã nhà qua các thời kỳ. Từ đó khơi dậy niềm tự hào lớn lao của Đảng bộ và Nhân dân xã Gia Đức; khẳng định quyết tâm tiếp tục phấn đấu vươn lên mạnh mẽ trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bốn mươi năm là một chặng đường lịch sử không quá dài, nhưng cũng có thể nói không phải là ngắn. Bốn mươi năm về trước, xã Gia Đức là vùng đất hoang sơ, ngập mặn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là những nguời đi xây dựng vùng kinh tế mới, đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai để xây dựng cuộc sống mới, dù điều kiện mọi mặt còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Để ổn định và quản lý tốt địa bàn dân cư, theo đề nghị của thành phố, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 78, ngày 15/7/1983, về việc “Thành lập hai xã mới của huyện Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng”. Theo đó, thành lập ở vùng kinh tế Gia Minh của huyện Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng hai xã mới lấy tên là Gia Minh và Gia Đức. Ngày 25/8/1983, Quyết định số 78 được công bố và như vậy, xã Gia Đức chính thức được thành lập, với diện tích tự nhiên là 1.013,17ha và 3.200 nhân khẩu; địa giới phía Bắc giáp sông Đá Bạc, phía Nam giáp thị trấn Minh Đức, phía Đông giáp sông Bạch Đằng và phía Tây giáp xã Gia Minh.
Tuy mới được thành lập, nhưng Gia Đức đã có bề dày lịch sử và văn hoá lâu đời của làng Gia Đước, tổng Dưỡng Động xưa, với những người con tràn đầy nhiệt huyết, cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu vì Tổ quốc linh thiêng, có những người con đã gửi hồn vào đất, hoà quyện cùng tinh hoa của đất trời; qua các cuộc kháng chiến chống đế quốc và chiến đấu bảo vệ biên giới, toàn xã hiện có 30 anh hùng liệt sỹ, 21 thương bệnh bình, 02 bà mẹ được vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong vòng 40 năm, từ một địa bàn vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt, từ một làng quê nghèo trong vùng kinh tế mới đầy rẫy khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn của buổi đầu thành lập; nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, sự giúp đỡ của các phòng, ban ngành, đoàn thể huyện và các xã bạn, sự đồng tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã nhà, Gia Đức đã có bước phát triển “thần kỳ” so với những ngày đầu gian khó, trở thành một địa phương có nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bộ mặt làng quê ngày càng thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn mới khang trang. Mọi người đã có thể tự hào về quê hương mà trong đó thấm bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu của mình.
Những ngày đầu thành lập, cùng với tình hình chung của huyện, thành phố và đất nước, xã Gia Đức còn nhiều mặt khó khăn, yếu kém. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, năng lực, hiệu quả sản xuất thấp; cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý vừa thiếu, vừa yếu. Đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các lĩnh vực y tế, giáo dục không đáp ứng kịp yêu cầu... Trước tình hình đó, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Huyện, cán bộ và nhân dân Gia Đức đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, ổn định sản xuất, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, từng bước ổn định và phát triển. Trong quá trình xây dựng và phát triển, qua mỗi thời kỳ, giai đọan lịch sử khác nhau, Đảng bộ và nhân xã Gia Đức đã bám sát sự lãnh đạo của Huyện ủy, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị.
Giai đoạn đầu mới thành lập, trong điều kiện “vùng sâu, vùng xa” và các hộ dân đến “sinh cơ lập nghiệp” đã gặp vô vàn khó khăn về nhà ở, về giao thông, đất canh tác, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất,... Thực hiện nhiệm vụ tiếp tục xây dựng vùng kinh tế mới theo hướng định canh, định cư lâu dài và tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền xã Gia Đức đã chủ trương tổ chức sản xuất nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã và kiến thiết cơ sở hạ tầng, tiếp tục củng cố hệ thống giáo dục, y tế, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vận động xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, đảm bảoQuốc phòng- An ninh, từng bước ổn định kinh tế - xã hội; những ngày đầu thành lập trên địa bàn xã có 02 hợp tác xã nông nghiệp làm nhiệm vụ quản lý và làm dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Bước vào thời kỳ 1990 - 1995, tình hình quốc tế cũng như trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô tan rã, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường chiến dịch “diễn biến hòa bình”, ráo riết thực hiện âm mưu gây “bạo loạn, lật đổ” hòng xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam. Trong những ngày tháng gian nan đó, nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Gia Đức vẫn giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên trung đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhân dân trong xã vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục thực hiện chủ trương, giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực; tập trung chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tháo gỡ những khó khăn để tiếp tục phát triển Kinh tế-Xã hội, từng bước ổn định địa phương.
Sang giai đoạn 1995 - 2000, sau gần 20 năm xây dựng, tình hình kinh tế- xã hội có nhiều bước phát triển, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đời sống nhân dân trong xã đã được ổn định và ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, Gia Đức vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách: đó là kinh tế phát triển chậm chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, giao thông chủ yếu là đường đất lầy lội, nhà ở của nhiều người dân còn đơn sơ, tạm bợ. Để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương đẩy mạnh lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; trên cơ sở đó, đã tập trung củng cố, xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế gia trại hộ gia đình; thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Đồng chí Bùi Khắc Hưng, Chủ tịch UBND xã Gia Đức trình bày diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập xã Gia Đức (25/8/1983-25/8/2023)
Giai đoạn 2000 - 2010, trước những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn của địa phương, đất nước, xác định nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và là thế mạnh của địa phương, Đảng bộ và Nhân dân toàn xã đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, phát huy mọi nguồn lực, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; trọng tâm là phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn, kết hợp chặt chẽ nông nghiệp - thuỷ sản, phát triển cân đối giữa trồng trọt với chăn nuôi, sản xuất và chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo Quốc phòng - An ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; thực hiện tốt chính sách xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Như vậy, trong gần 20 năm kể từ ngày thành lập, Gia Đức đã có những phát triển mới. Từ một khu kinh tế nghèo nàn, người nông dân cần cù sáng tạo, một nắng hai sương, tuy có nhiều hạn chế nhưng cũng đã tạo ra sức sống mới, làng quê được ngói hoá, giao thông thuận tiện, đời sống nhân dân ổn định, được cải thiện, văn hoá – xã hội phát triển, trật tự trị an được đảm bảo.
Giai đoạn 2010 - 2020, với tinh thần phát huy dân chủ, đổi mới, huy động mọi nguồn lực, xây dựng Gia Đức phát triển toàn diện và bền vững, Đảng bộ và chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, trọng tâm là Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, đóng góp tiền, ngày công, hiến đất và nhiều phương tiện khác để xây dựng, sửa chữa công trình công cộng trên địa bàn xã làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, khang trang sạch đẹp. Cụ thể, trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, tổng nguồn lực đầu là 36,17 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động; trong xây dựng NTM kiểu mẫu vừa qua, có 981 hộ dân tham gia hiến đất, với tổng diện tích 14.062m2, gồm 10.384m2 đất ở và 3.678m2 đất nông nghiệp (số hộ hiến từ 60m2 trở lên là 50 hộ, trong đó hộ hiến đất nhiều nhất là 200m2), giá trị đất nếu tính theo giá thị trường khoảng 48,70 tỷ đồng; nếu căn cứ theo đơn giá đền bù theo quy định, giá trị đất nhân dân hiến tặng để xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu đã tiết kiệm cho ngân sách trên 20 tỷ đồng, so với các công trình đầu tư xây dựng thông thường.
Trong vòng 40 năm, từ một địa bàn vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt, từ một làng quê nghèo trong vùng kinh tế mới đầy rẫy khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn của buổi đầu thành lập, đến nay, xã Gia Đức đã có bước phát triển mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thuỷ Nguyên, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể trong huyện, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Gia Đức đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo khắc phục mọi khó khăn, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực thực hiện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nên sự phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và có chiều sâu.
Về lĩnh vực kinh tế, trước năm 2010, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã, thu nhập bình quân đầu người thấp thì trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế xã đã chuyển dịch mạnh sang thương mại - dịch vụ. Cụ thể năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành ước đạt 410 tỷ đồng; nông nghiệp và thủy sản đạt 103 tỷ đồng = 25,1% tỷ trọng cơ cấu ngành; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 127,8 tỷ đồng = 31,2% tỷ trọng cơ cấu ngành; thương mại, dịch vụ và thu nhập khác đạt 179,2 tỷ đồng = 43,7% tỷ trọng cơ cấu ngành; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 70,7 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 10 lần so với năm 2003.
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm; Y tế, giáo dục liên tục phát triển, phục vụ nhân dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (trường THCS năm 2015; trườngTiểu học năm 2016 và trường Mầm non năm 2020). Xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục ở cả 3 bậc học.
Đối với lĩnh vực Quốc phòng, an ninh, công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng địa phương được giữ vững. Từ năm 2001 đến nay, mặc dù các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá ta, kích động gây chia rẽ, kích động thù hằn dân tộc nhưng trên địa bàn xã không xảy ra biểu tình hay kích động bạo loạn, không có người vượt biên trái phép, số người mắc tệ nạn xã hội tiêm chích, hút hít ma túy giảm dần qua từng năm. Các năm gần đây đều hoàn thành chỉ tiêu giao quân.
Cùng với những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị của xã không ngừng được củng cố và phát triển. Ngày đầu thành lập, xã có 01 chi bộ, với 18 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có 10 chi bộ 148 đảng viên. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên. Công tác cải cách hành chính được triển khai và có nhiều tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, sát dân, sát cơ sở hơn, qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thi đua phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà. Với những thành tích đã đạt được trong 40 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân xã Gia Đức vinh dự được tăng nhiều bằng khen, giấy khen của thành phố và huyện; xã Gia Đức được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019, đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020, đến năm 2022 được công nhận xã đạt NTM kiểu mẫu. Đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và Nhân dân xã Gia Đức trong quá trình xây dựng và trưởng thành.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, Gia Đức cũng còn những tồn tại và thách thức như: Kinh tế phát triển chưa mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn cao trong cơ cấu nền kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội về giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân ý thức chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế, chưa có tinh thần đoàn kết trong xây dựng quê hương.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi to lớn, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX xác định “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Để phát huy những thành tựu đã đạt được trong 40 năm qua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã kêu gọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã nhà phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và sức sáng tạo, quyết tâm phát huy tối đa mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng xã Gia Đức phát triển nhanh về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.
Có thể nói, sau 40 năm xây dựng và trưởng thành, xã Gia Đức đã có bước phát triển cơ bản trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Gia Đức hôm nay tiếp tục bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị vật chất và tinh thần đã đạt được, đoàn kết chung tay xây dựng quê hương. Cùng với sự nỗ lực của con em Gia Đức, đã có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trên địa bàn xã đã góp phần đáng kế trong quá trình phát triển xã nhà. Đó là thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, là kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện; sự quan tâm của các phòng, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể của huyện Thuỷ Nguyên; sự sẻ chia, giúp đỡ của Đảng bộ và Nhân dân các xã, thị trấn trong huyện. Đó là sự kết tinh thành quả lao động, sự phấn đấu không ngừng của Nhân dân và nhiều thế hệ cán bộ trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển xã Gia Đức.
Ngô Quảng
Theo Kinh tế và đồ uống