Sự kiện hot
6 năm trước

“Hàng giả, hàng nhái” - vấn nạn nan giải chưa có hồi kết?

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn là vấn đề nhức nhối, nóng hổi của xã hội. Hệ lụy mà nó mang lại cũng không hề nhỏ. Vậy, thực trạng về nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay như thế nào?

Hàng giả, hàng nhái hiện diện mọi nơi

Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Xuất hiện với những biểu hiện đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả, phong phú về chủng loại. Sự xuất hiện của các mặt hàng này trên thị trường mang một mối nguy hiểm không hề nhỏ. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính“khổ chủ”.

Xét về góc độ khác, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp sản xuất như làm mất uy tín của doanh nghiệp khiến người tiêu dùng hiểu lầm về chất lượng sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng không bán được làm suy giảm doanh thu của doanh nghiệp.

Đi dạo một vòng tại chợ đêm Lĩnh Nam, chợ sinh viên,.. các loại đồng hồ, mỹ phẩm, nước hoa được bày bán tràn lan đặt trong các vỏ hộp sang trọng, trên các kệ hàng, đồng hồ đeo tay được treo trên móc, bọc trong túi nilon…với mức giá nào cũng có từ vài chục cho đến vài trăm nghìn. Nhiều người bán còn không ngại ngần thừa nhận sản phẩm của mình là hàng nhái fake 1, fake 2 của các thương hiệu cao cấp có tiếng trên thị trường.

Trong vai khách mua, phóng viên ghé vào một cửa hàng bày bán mỹ phẩm tại chợ đêm Lĩnh Nam. Cửa hàng hầu hết bán các loại son, kem BB, kem che khuyết điểm, phấn mắt, nước hoa....trên mỗi sản phẩm gắn đủ các loại thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Dior, Chanel, Mac, Thayer, Maybelline,…

Khi hỏi nhân viên bán hàng: “Các sản phẩm này có chính hãng không chị?” thì được trả lời dứt khoát: “Có em, đây đều là hàng xách tay” Thế nhưng hầu hết các sản phẩm này giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Đơn cử như dòng son Dior tại đây rao bán chỉ có giá 380.000 đồng 1 thỏi, trong khi giá thỏi son bán trên web chính hãng lại có giá xấp xỉ 1.000.000 đồng, tức là rẻ rất nhiều lần so với giá chính hãng. Mẫu đồng hồ Rolex với mức giá vài trăm triệu cho đến hơn một tỉ đồng, đồng hồ Dior giá bán chính hãng khi về tới Việt Nam cộng cả thuế và các chi phí khác có giá giao động từ 10 triệu đến hơn 1 tỉ đồng thế nhưng khách hàng có thể dễ dàng tìm mua được những chiếc đồng hồ mang thương hiệu này tại đây chỉ với giá vài trăm nghìn đồng.

Dành ra vài phút để tìm kiếm trên facebook, rất nhiều các page son giá rẻ hiện ra như“sỉ son giá rẻ”, “ mỹ phẩm fake”...tại đó, khách hàng cũng có thể dễ dàng tìm được cho mình rất nhiều những mặt hàng thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ bất ngờ. Một thỏi son với giá vài chục nghìn khồng hề khó tìm tại các trang này...

Mặt khác, kích vào trang bán hàng của các trang điện thử có tiếng như Lazada, Shopee,Chiaki,..giá của những mặt hàng thương hiệu trên cũng bị giảm xuống bất ngờ.

Thậm trí, dù là các trang điện tử bán hàng có tiếng nhưng rất nhiều những sản phẩm tại đây không hề ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác hay nơi sản xuất cụ thể.

Vấn nạn chưa hồi kết

Lý giải về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay có khá nhiều ý kiến trái chiều.

Có người cho rằng vấn nạn này phải kể đến trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền. Lâu nay, hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường bị xem nhẹ, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm. Chính vì vậy, hiệu quả ngăn chặn không cao và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng.

Ý kiến khác phải kể đến chính là người tiêu dùng. Họ là nhân tố quan trong việc quyết định sự cung cầu của hàng hóa. Mặt khác, người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Nhìn theo một khía cạnh khác, bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Khi bình luận về vấn đề này, anh Đặng Anh Đức Hiếu (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, “Có những sản phẩm kể cả biết nó là hàng giả nhưng tôi vẫn mua vì hàng thật mua gấp mấy lần hàng giả, pháp luật lại không cấm đoán việc bán hàng giả này nên mua hàng giả dùng chứ cần gì phải mua hàng thật” Với cách nghĩ như vậy, nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ mặt hàng này.

Trước đó, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng, dự báo nạn hàng giả sẽ diễn biến phức tạp, mang yếu tố nước ngoài, đòi hỏi lực lượng chức năng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Phó Thủ tướng, lực lượng quản lý thị trường không chỉ kiểm soát kênh bán hàng truyền thống mà phải giám sát kênh thương mại điện tử. Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra hàng hóa tại khu vực biên giới, ngăn chặn nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ.

Tại các địa bàn dân cư, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm cơ sở sản xuất kinh doanh, phân phối, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, xâm hại quyền sơ hữu trí tuệ.

Mai Quỳnh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: