Sự kiện hot
12 năm trước

Hàng ngàn DN xây dựng, BĐS "tử nạn" vì địa ốc đóng băng

Sau sáu tháng đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành xây dựng và thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, giao dịch ảm đạm, hàng tồn kho nhiều, nợ xấu tăng.

Sau sáu tháng đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành xây dựng và thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, giao dịch ảm đạm, hàng tồn kho nhiều, nợ xấu tăng.

Tổng kết các hoạt động của Bộ Xây dựng sau sáu tháng đầu năm 2012 cho thấy, thị trường bất động sản nhìn chung còn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Không chỉ giá nhà liên tục sụt giảm mạnh ở tất cả các phân khúc, mà lượng giao dịch cũng giảm đi đáng kể, thậm chí nhiều dự án không hề có giao dịch.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, từ khi lãi suất cho vay giảm, tín dụng đối với bất động sản thông thoáng hơn đã tác động tích cực đến thị trường. Người có nhu cầu thực đã quan tâm đến mảng nhà ở, nhưng trên thực tế giao dịch thành công lại không nhiều. Người dân vẫn còn tâm lý giá nhà đất còn hạ nên tiếp tục chờ đợi.

Thị trường BĐS đang tồn tại nghịch lý: Doanh nghiệp muốn bán hàng để thu hồi vốn,
còn người dân lại không đủ tiền mua

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đối mặt với muôn vàn khó khăn, số DN ngành xây dựng thành lập mới tính đến hết tháng 4 chỉ là 3.798, doanh nghiệp bất động sản lập mới là 212, giảm lần lượt 23,9% và 54,8% so với cùng thời điểm 2011.

Bên cạnh đó số doanh nghiệp dừng hoạt động, hoặc giải thể cũng tăng đột biến với trên 3 nghìn doanh nghiệp xây dựng, và 247 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng, mặc dù nền kinh tế trong nước cũng như thị trường bất động sản, xây dựng đã tốt hơn, song lượng giao dịch còn quá ít khiến doanh nghiệp và thị trường bất động sản còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Giao dịch ảm đạm, hàng tồn kho nhiều, tình trạng nợ xấu ngày một gia tăng. Bên cạnh đó vấn đề nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên vẫn còn phát triển yếu và chưa được như kỳ vọng.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, chồng chéo. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra cũng phải kể đến trách nhiệm của chủ thể trong đầu tư xây dựng. Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng hấp thụ vốn, hoặc nợ xấu nhiều nên không thể vay vốn thêm được nữa

Mặc dù nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản đã bắt đầu khởi sắc, nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong thời gian tới thị trường bất động sản trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể sôi động ngay được.

Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ là đối tượng đầu tiên phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn về sản xuất, tiêu thụ, tài chính. Doanh nghiệp không trả được nợ vay và duy trì sản xuất có thể dẫn đến phá sản. Việc thiếu vốn và nợ đọng của chủ đầu tư không những loàm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống của người lao động.

Một khó khăn không nhỏ khác mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt là vấn đề lãi suất và nguồn vốn vay. Theo phân tích của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, lãi suất vay tuy đã bắt đầu giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Từ đó dẫn đến thực trạng dư nợ tín dụng giảm, ngược lại nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng lên.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất kiến nghị với Chính phủ cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn nộp thuế VAT. Đồng thời cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ, hoặc khoanh nợ. Ngoài ra Bộ Xây dựng cũng kiến nghị thực hiện lộ trình giảm lãi suất vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay...

Mặt khác Bộ Xây dựng còn tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật, xây dựng hàng loạt các luật như luật kiến trúc sư, luật đô thị, luật nhà ở, luật thị trường bất động sản… Đồng thời tiếp tục có sự điều chỉnh vùng thủ đô Hà Nội, TP HCM và các vùng đô thị khác.

“Trong sáu tháng đầu năm, kinh tế trong nước đã đạt được những kết quả tích cực. Trong những tháng còn lại sẽ phải tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng tuyệt đối không để lạm phát quay lại. Thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đi đôi với kiềm chế lạm phát” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Dũng
Theo Infonet

Từ khóa: