Sự kiện hot
3 năm trước

Hapaco báo lãi quý II đạt 7,6 tỷ đồng tăng 13%

Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận quý II tăng nhờ duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và tối giản các chi phí. Ngoài ra, Hapaco thu lợi nhuận của công ty con và tạm thu lợi nhuận công ty liên kết.

Tập đoàn Hapaco (HoSE: HAP) công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần tăng 84% lên 121,8 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng 137% đạt 18,7 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, ở mức 4,1 tỷ đồng. Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết là hơn 3 tỷ đồng, giảm 39%. Sau khi trừ các chi phí, lãi sau thuế hơn 7,6 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ năm 2020.

Lý giải doanh nghiệp, lợi nhuận quý II tăng nhờ duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và tối giản các chi phí. Ngoài ra, Hapaco thu lợi nhuận của công ty con và tạm thu lợi nhuận công ty liên kết.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu tăng 33% lên gần 210 tỷ đồng, giá vốn hàng bán tăng ít hơn nên lợi nhuận gộp tăng 56%, đạt 31 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 156%, ở mức 4,6 tỷ đồng. Trong đó, gần 1,6 tỷ đồng phát sinh trong kỳ từ cổ tức được chia, phần còn lại là lãi tiền gửi, cho vay và chênh lệch tỷ giá đã thực hiện. Lợi nhuận trước thuế tăng 61% lên 16 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 13,1 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu ở mức 470 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 80 tỷ đồng, tăng 91%. Như vậy, sau hai quý đầu năm, Hapaco hoàn thành 45% chỉ tiêu doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến 30/6, Hapaco có 5 công ty con hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy và một công ty liên kết kinh doanh dịch vụ bệnh viện là CTCP Bệnh viện Quốc tế Green. Tài sản ngắn hạn của Hapaco gần 447,8 tỷ đồng, tăng 4% so với giá trị đầu năm.

Khoản đầu tư nắm giữ đến đáo hạn tăng 36% lên 51,1 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng cũng tăng từ 70,7 tỷ lên 78,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền mặt của doanh nghiệp giảm 80% về mức 11,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do dòng tiền âm gần 43 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, bên cạnh việc cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác cũng ở mức 51,5 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ngắn hạn tăng 14% lên gần 27 tỷ đồng, doanh nghiệp không có nợ vay dài hạn.  

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: