Sự kiện hot
5 năm trước

Hiệu quả quyết định năng lực cạnh tranh

Tổng cục Thuế vừa công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2018, trong đó nằm trong top 10 có 3 ngân hàng là Vietcombank; Techcombank và BIDV; còn trong top 50 có tới 14 ngân hàng.

Điều đó đã phần nào cho thấy hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng Việt, nhất là khi nhiều ngân hàng trong số này quy mô tài sản không bằng so với các tập đoàn kinh tế lớn khác. Kết quả này khá tương đồng với bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực năm 2019 vừa được Tạp chí Asian Banker công bố mới đây.

Ảnh minh họa

Trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp của Vietcombank. Mặc dù chỉ đứng thứ 166 trong số 500 ngân hàng lớn nhất khu vực về quy mô tài sản, nhưng Vietcombank lại đứng thứ 17 trong số các ngân hàng mạnh nhất khu vực, tăng 12 bậc so với năm 2018.

Với thứ hạng này, Vietcombank không chỉ tiếp tục dẫn đầu trong số các ngân hàng Việt nằm trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực mà còn xếp trên nhiều ngân hàng lớn khác trong khu vực. Theo The Asian Banker, Vietcombank lọt top mạnh nhất nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng - thể hiện thông qua tăng trưởng về lợi nhuận, hệ số thu nhập trên tài sản, chất lượng tài sản và huy động vốn.

Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực được tiến hành kể từ năm 2007 nhằm bình chọn ra các ngân hàng mạnh nhất trong khu vực dựa trên bảng cân đối tài chính. Đây là bảng xếp hạng đầu tiên và uy tín trên thế giới căn cứ quá trình bình chọn chi tiết, minh bạch nhằm ghi nhận thành tích của các ngân hàng thương mại trên các tiêu chí gồm quy mô phát triển, tăng trưởng bảng cân đối kế toán, rủi ro, chất lượng hoạt động và thanh khoản.

Trong bảng xếp hạng này, bên cạnh Vietcombank, Việt Nam còn có thêm 9 ngân hàng khác là:  MB, Techcombank, SCB, BIDV, Agribank, ACB, TPBank, HDBank và VietinBank. Không chỉ vậy, cũng giống như Vietcombank, nhiều ngân hàng có thứ bậc trong bảng xếp hạng ngân hàng mạnh cao hơn nhiều so với bảng xếp hạng ngân hàng lớn. Đơn cử MB chỉ đứng thứ 348 trong số 500 ngân hàng lớn nhất khu vực, song lại được xếp thứ 111 trong số các ngân hàng mạnh nhất khu vực. Hay như Techcombank được xếp thứ 160 trong số 500 ngân hàng mạnh nhất cho dù chỉ đứng thứ 373 trong số 500 ngân hàng lớn nhất về quy mô tài sản…

Những kết quả này một lần nữa chứng minh rằng hiệu quả kinh doanh và qua đó là năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp không hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Trên thực tế, cũng bởi hiệu quả kinh doanh cải thiện tích cực, nợ xấu giảm mạnh nên các ngân hàng Việt liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu nâng xếp hạng tín nhiệm.

Không chỉ vậy, sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt còn là một điểm tự vững chắc cho nền kinh tế chống lại những tác động bất lợi từ thị trường tài chính và rộng hơn là kinh tế toàn cầu. Đó chính là cơ sở để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu liên tục nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng Việt trên sân chơi khu vực và thế giới; mà còn góp phần tích cực cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Bằng chứng là Việt Nam đã tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 lên vị trí thứ 67 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Đặc biệt, mức độ cải thiện về năng lực cạnh tranh của Việt Nam là lớn nhất trên thế giới với điểm số chung tăng 3,5 điểm lên 61,5 điểm. Nó càng có ý nghĩa hơn khi mà nhiều nền kinh tế trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia… đều bị tụt hạng.

Tuy nhiên, chưa thể chủ quan khi mà trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất năm 2019 Việt Nam chỉ còn có 10 đại diện thay vì 14 như bảng xếp hạng năm ngoái. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng bị tụt hạng khá nhiều. Điều đó cho thấy mức độ cải thiện của hệ thống ngân hàng trong nước vẫn khá chậm so với khu vực chứ chưa nói gì tới trên thế giới.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm có có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á; đến cuối năm 2025 có ít nhất 2-3 ngân hàng nằm trong top này. Thời gian không còn nhiều và để có thể hiện thực hóa được các mục tiêu này, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là từ bản thân các ngân hàng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: