Sự kiện hot
11 năm trước

Hoàng Cầm: Những bản thảo không cháy!

Dantin - Thơ Hoàng Cầm viết trong ánh nhìn của “mắt thời gian”. Con mắt thơ của ông nhìn xuyên thời gian, xuyên các tầng các lớp văn hóa của một miền quê quan họ, của một vùng đất thấm đẫm những huyền sử huyền tích huyền tình.

Dantin - Thơ Hoàng Cầm viết trong ánh nhìn của “mắt thời gian”. Con mắt thơ của ông nhìn xuyên thời gian, xuyên các tầng các lớp văn hóa của một miền quê quan họ, của một vùng đất thấm đẫm những huyền sử huyền tích huyền tình. Quê hương đã sinh ra nhà thơ và nhà thơ đã sinh lại quê hương bằng những câu chữ buông bắt, đung đưa, luyến láy, bằng những vần thơ thiết tha, nồng nàn, buồn dài vui ngắn, nhiều thương lắm nhớ.

Không ai trên đời sống mãi

Tất cả đều qua đi

Riêng đôi mắt còn lại

Mấy câu thơ mở đầu bài “Mắt thời gian” Hoàng Cầm viết năm 1979.

Mắt thời gian em ơi nhìn đâu

để chiều nay tơ trắng ngang đầu

Để chiều mai đương xuân

Ai òa mưa mau

Thơ Hoàng Cầm viết trong ánh nhìn của “mắt thời gian”. Con mắt thơ của ông nhìn xuyên thời gian, xuyên các tầng các lớp văn hóa của một miền quê quan họ, của một vùng đất thấm đẫm những huyền sử huyền tích huyền tình. Quê hương đã sinh ra nhà thơ và nhà thơ đã sinh lại quê hương bằng những câu chữ buông bắt, đung đưa, luyến láy, bằng những vần thơ thiết tha, nồng nàn, buồn dài vui ngắn, nhiều thương lắm nhớ. Trên hết, có một mạch nguồn cảm xúc tâm tư dạt dào, lai láng, không bao giờ vơi cạn chảy từ lòng đất lòng người Kinh Bắc tưới nhuần thơ Hoàng Cầm. Và đến lượt thơ ông lại khơi mạnh hơn, nhiều hơn nguồn mạch ấy cho người đọc được ngập mình trong một dòng chảy văn hóa lung linh, biến ảo. Bài thơ “Bên kia sông Đuống” nổi tiếng chính ở sự làm bùng lên được nỗi xót thương, căm phẫn trước cái đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời của một vùng quê Bắc Bộ bị kẻ thù tàn phá. Tội ác lớn nhất của kẻ thù là hủy diệt văn hóa của một dân tộc. “Mẹ con đàn lợn âm dương/Chia lìa đôi ngả/Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/Bây giờ tan tác về đâu”.

Mắt thời gian của Hoàng Cầm hướng về Người Nữ với chữ viết hoa từ ngàn xưa đến ngàn sau trong tâm thức tình cảm thi nhân là nguồn sự sống, nguồn tình yêu. “Tôi theo dòng mẫu hệ/Cứ mê man lạc đường”. Thi nhân đi theo tiếng gọi của tình nhân. “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, thơ Hoàng Cầm ở trong cõi ấy. Cõi tình yêu, cõi người nữ, cõi tính nữ. Người Nữ trước hết là Mẹ để khi lâm hoạn nạn “cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc” là con trở về mẹ, trở về quê hương bản quán, trở về cội nguồn văn hóa bền vững ngàn đời, cho con lấy lại niềm tin yêu, lòng quyết sống, “chỉ còn ta đạp lùi tinh tú”.

Người Nữ là Chị trong một mối tình tuyệt vọng, xót xa, đau đớn, nhưng là một mối tình thiên niên vạn đại, “em đừng lớn nữa chị đừng đi”, tạo nên một cặp đôi bất ngờ, mới mẻ, trái khoáy, đa chiều của thơ Việt thế kỷ XX. Cặp đôi Chị - Em mang dấu ấn bản quyền bản sắc Hoàng Cầm. Mẹ là cái đã kết tinh, lắng đọng, là niềm an ủi, vỗ về. Chị là sự theo đuổi, mê đắm, tỉnh thức, nghi ngờ, dằn vặt, hoang mang, níu kéo. Đó là cái Đẹp, còn hơn cả cái Đẹp. Đó là cái Đau, còn hơn cả cái Đau. Chị, như vậy, là một chấn thương tình cảm và là một vết thương tinh thần của Hoàng Cầm, của nhà thơ. Chiếc lá Diêu Bông không có thực nhưng là có thật trong thơ Hoàng Cầm và từ thơ ông lá ấy che mặt người cho bao người, điều đó là có thực.

Người Nữ là Em người tình, người yêu, người vợ. “Cánh lá buồn riêng em/anh ngậm/Lá ly thân em/Lá ly tâm em/lá bất ly đời em đã trao anh cầm”. Cho người nữ là em này, thi nhân có rất nhiều tình cảm, nhiều buồn vui, nhiều tiếc nuối. Trong đời, Hoàng Cầm là người thơ đa tình, dễ rung động, có những cuộc yêu đột ngột, những gắn kết bất ngờ. Thơ ông chứng thực cho tình ông, và còn hơn thế, cho ông sống được nhiều thêm dồi dào thêm đa dạng thêm các cung bậc yêu và tình yêu. Bởi xét cho cùng, ông cũng như bao kiếp tình nhân trên đời, “ta cũng nòi tình thương người đồng điệu”, yêu bao nhiêu cũng không đủ, yêu đến mấy cũng không thỏa, và luôn là cô đơn, ngay cả khi hai người, ngay cả trong hạnh phúc. “Lắm loài súng sính sinh đôi/Nòi tình thua suốt cả đời MỘT KHÔNG”.

Hoàng Cầm đời và thơ trọn một kiếp người chín phần mười thế kỷ làm một chứng nhân và một nạn nhân của lịch sử đã nhìn và được nhìn bằng “mắt thời gian càng miên man xanh”. Ông, và bạn bè hoạn nạn của ông, không né tránh cái sự bị nhìn tưởng có thể găm chết họ dưới một nhãn quan khác. Bởi ông có mắt thời gian để nhìn theo cách của mình. Thơ ông đã nhìn xuyên thời gian. Và thời gian lại có con mắt để nhìn lại ông và thơ ông, cũng xuyên thời gian, để thấy ra những phù phiếm, nhất thời và những đích thực, lâu dài.

Riêng đôi mắt còn lại

Đôi mắt Hoàng Cầm, mắt thơ Hoàng Cầm còn lại nhìn ta cho ta thấy gì nữa từ thơ ông? Ngày ông mất (6/5/2010) tôi đang lênh đênh trên biển Đông đi thăm quần đảo Trường Sa, mãi hơn một tuần sau khi về gần bờ có sóng điện thoại tôi mới được biết tin. Ai ra Trường Sa đều thấm thía cụ thể lòng yêu nước là yêu từng mảnh đất của đất nước, dẫu nhỏ nhoi xa vời giữa trùng khơi, là yêu những người dân sống bình dị khó khăn thường ngày, nhưng họ sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình cho sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia. “Dân là dân nước, nước là nước dân” (Phan Bội Châu). Thơ Hoàng Cầm vẻ như rất ít tính thời sự, ít cập nhật các vấn đề xã hội. Tìm ở thơ ông một tiếng nói chia sẻ những vấn đề thời cuộc đương thời là khó vì đó không phải là hướng thơ ông chọn. Ở chỗ này ông rất khác với Phùng Quán, và khác với cả Lê Đạt ở thời kỳ đầu. Có lẽ do lâm hoàn cảnh trong một thời gian dài nên ông tránh hiện tại mà tìm về quá khứ, hay nói cách khác ông tìm cách “hiện tại hóa quá khứ” và “quá khứ hóa hiện tại”. Nhưng đọc kịch thơ Kiều Loan ông viết năm 1942 tôi tìm được cho mình một Hoàng Cầm khác, quyết liệt và dũng cảm, với những câu thơ đồng vọng tâm trạng tôi khi từ Trường Sa trở về.

    Cái bền lâu là dân nước đó thôi

    Đế bá công hầu ngựa xe rầm rập

    Lúc đi ngược lòng dân là chết rấp

    Làm lợi cho dân thì hương khói phụng thờ

    Làm mất nhân tâm thì miếu lớn tượng to

    Dân đạp gí xuống bùn là hết chuyện

Tôi đã tưởng niệm muộn cái chết của nhà thơ Hoàng Cầm bằng cách đọc lại thơ ông, trong đó có đoạn thơ trên.

Kịch thơ Kiều Loan công diễn lần đầu năm 1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, và mãi hơn sáu mươi năm sau (2005) nó mới lại được lên sàn diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ trong niềm vui sướng vô cùng của Hoàng Cầm và bao độc giả, khán giả. Trong khoảng thời gian giữa hai lần diễn, người viết lên những câu thơ mạnh mẽ trên đã có lúc ngã lòng suy sụp đến mức chán nản, không thiết làm thơ đọc thơ nữa. Chứng kiến cảnh này, nhà thơ Phùng Quán, người bạn, người em, đã ứng tác một bài thơ và dùng than viết lên một mảnh bao xi măng ngay trong căn bếp nhà Hoàng Cầm. Bài thơ có đoạn:

Viết tặng thi sĩ Hoàng Cầm trong giây phút anh ngã lòng suy sụp

    Tôi tin núi tàn

    Tôi tin sông lấp

     Nhưng không thể nào tin

     Một nhà thơ như anh

     Lại ngã lòng suy sụp

     Anh, nhà thơ đã viết

     Cách đây ba mươi năm

      Những vần thơ lẫm liệt:

     Tiểu đội anh những ai còn ai mất?

      Không ai còn ai mất

      Chỉ chết cả mà thôi!

      Người sau kẻ trước lao vào giặc

      Giữ vững ngàn thu một giống nòi...

Có lẽ, Hoàng Cầm đã được tiếp thêm niềm tin và nghị lực để biết vịn câu thơ mà đứng dậy những lúc ngã lòng nhờ các bạn thơ, người yêu thơ luôn ở bên ông và thơ ông như vậy. Ông và các bạn đã sống cho đất nước, dân tộc bằng thơ. Thơ đã là bản lý lịch tâm hồn của các ông chứng thực với nhân dân. Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 trao cho Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt và Phùng Quán chứng thực cho một định luật nhân văn: Những bản thảo không cháy!

Phạm Xuân Nguyên

Từ khóa: