Sự kiện hot
5 năm trước

Hơn 144.000 tỉ đồng nợ xấu VAMC phân bổ ra sao tại các ngân hàng?

Số dư trái phiếu VAMC tại các ngân hàng đang có xu hướng sụt giảm, đặc biệt giảm mạnh tại một số ngân hàng như Agribank, VPBank, TPBank. Ngân hàng hiện có nhiều trái phiếu VAMC nhất là Sacombank.

viber_image_2019-08-30_12-08-45
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: medium.com; Edit: Alex)

Nợ xấu tại VAMC đồng loạt giảm

Bức tranh nợ xấu các ngân hàng nửa đầu năm 2019 ghi nhận nhiều điểm đáng mừng nhờ sự nỗ lực không ngừng trong quá trình quản trị rủi ro và xử lí nợ xấu. 

Điểm sáng đầu tiên kể đến là mặc dù số tuyệt đối nợ xấu ở các ngân hàng hầu hết đều tăng nhưng tỉ lệ nợ xấu ở quá nửa nhóm ngân hàng khảo sát lại giảm. Điều này hàm ý rằng tốc độ tăng cho vay khách hàng đang cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nợ xấu.

Một điểm không thể không nhắc tới là sự sụt giảm mạnh mẽ của trái phiếu VAMC. Trong số 25 ngân hàng khảo sát, có tới 17 ngân hàng ghi nhận giá trị nợ xấu tại VAMC giảm, chỉ có duy nhất một ngân hàng tăng và còn lại là không đổi.

Tổng số nợ xấu tại VAMC của các ngân hàng ước đạt gần 144.500 tỉ đồng, giảm 4,1% so với cuối năm 2018. Trong đó, đã trích lập dự phòng 31.376 tỉ đồng, giảm 4,6%.

Những ngân hàng có số dư trái phiếu VAMC giảm mạnh nhất là Agribank (giảm 87%); VPBank (giảm 53%); TPBank (giảm 43,6%); Saigonbank (giảm 18%);...

Screen Shot 2019-08-30 at 12
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: medium.com; Edit: Alex)

Xét về con số tuyệt đối, Sacombank tiếp tục là ngân hàng có nhiều trái phiếu VAMC nhất với 38.568 tỉ đồng. Tiếp đó là SCB  với 34.721 tỉ đồng; SHB với hơn 24.000 tỉ đồng. 

Hai "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước VietinBank và BIDV có số trái phiếu VAMC chỉ bằng một nửa so với những Top 3 ngân hàng trên với hơn 13.800 tỉ đồng và 12.800 tỉ đồng. Agribank có số dư trái phiếu cực thấp với hơn 1.000 tỉ đồng.

Ngân hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng nợ xấu tại VAMC trong nửa đầu năm là SCB, tăng hơn 30% so với cuối năm 2018. Trong đó, số đã được trích lập dự phòng là 4.889 tỉ đồng, tăng 170%.

Tại SCB, không chỉ nợ xấu VAMC tăng mà số dư nợ xấu nội bảng (nợ nhóm 3 - nhóm 5) cũng tăng trưởng mạnh gần 138% với 3.013 tỉ đồng trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng ở mức khiêm tốn chưa đầy 6%. Tỉ lệ nợ xấu của SCB vào cuối tháng 6 tăng lên 0,94%.

Như vậy, nhiều khả năng nợ xấu phát sinh mới của SCB sẽ đến từ các khoản nợ cũ của ngân hàng. Điều này sẽ góp phần làm giảm thu nhập từ lãi của các khoản vay. Trên thực tế, thu nhập lãi thuần trong 6 tháng đầu năm của SCB đã giảm hơn 90% so với cùng kì năm trước.

Screen Shot 2019-08-30 at 11
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: medium.com; Edit: Alex)

6 ngân hàng xoá sạch nợ xấu VAMC

Tính đến hết tháng 6/2019, Nam A Bank đã xử lí hết gần 168 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC (vào cuối năm 2018) đưa số dư trái phiếu VAMC về 0. Với động thái này, Nam A Bank đã nâng số ngân hàng sạch nợ VAMC lên 6 ngân hàng với những cái tên khác như Vietcombank, Techcombank, MBBank, VIB, OCB. 

Đáng chú ý, Agribank ngân hàng từng được xếp vào danh sách những ngân hàng có nhiều nợ xấu VAMC nhất đã tạo bất ngờ khi cắt giảm tới gần 87% giá trị trái phiếu đặc biệt chỉ còn 1.013 tỉ đồng, trong đó đã thực hiện trích lập dự phòng 1.012 tỉ đồng. Với mức trích lập này Agribank đã có thể xoá sạch nợ xấu tại VAMC một cách dễ dàng.

Giống như Agribank, ACB cũng ở tình trạng tương tự khi số dư trái phiếu VAMC tại ngân hàng ở mức rất thấp, thấp nhất trong số 25 ngân hàng khảo sát với 40 tỉ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 23 tỉ đồng.

Chạy đua xử lí nợ xấu

Khi Basel II đang tới gần, các ngân hàng tiếp tục chạy đua để xử lí nợ xấu, đảm bảo chất lượng tài sản phù hợp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng đặt mục tiêu xử lí nợ xấu là mục tiêu trọng tâm.

Những kết quả khả quan từ bức tranh nợ xấu các ngân hàng trong nửa đầu năm 2019 là một khẳng định cho sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng. Tiêu biểu như những gương mặt khá "cứng" như: VietinBank xử lí được một lượng lớn lãi dự thu, Agribank thanh lí được gần 90% nợ xấu tại VAMC,...

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống đã xử lí được 937.500 tỉ đồng nợ xấu. Riêng trong năm 2018, hệ thống đã xử lí được 163.140 tỉ đồng nợ xấu đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng cuối tháng 6/2019 về 1,91%.

Từ khi thành lập đến hết năm 2018, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với tổng dư nợ gốc nội bảng là 338.849 tỉ đồng, giá mua là 307.567 tỉ đồng.

Riêng năm 2018, VAMC đã mua 761 khoản nợ của 13 TCTD với tổng số dư nợ gốc nội bảng là 30.917 tỉ đồng, giá mua nợ là 29.812 tỉ đồng, đạt 93,2% so với khối lượng trái phiếu đặc biệt được NHNN phê duyệt.

Diệp Bình

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: