Sự kiện hot
5 năm trước

Huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình: Gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng Nông thôn mới

Bằng cách làm sáng tạo, cùng nội lực sức dân được phát huy, huyện Mai Châu đang từng ngày khoác lên mình tấm áo mới. Cùng sự đổi thay diện mạo nông thôn, cuộc sống người dân cũng ngày một ấm no với thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt hơn 31 triệu đồng/năm.

Huyện Mai Châu là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình có diện tích tự nhiên là 569,82km², với 23 đơn vị hành chính (22 xã, 1 thị trấn), dân số trên 55.000 người, trong đó dân tộc Thái chiếm 57, 35 % và một số dân tộc khác như: Kinh, Mường, Thái, Dao,Tày. Là vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội đặc sắc, ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa các dân tộc, Mai Châu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong những năm qua, huyện Mai Châu đã có nhiều giải pháp để phát triển du lịch, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn mới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận cao của người dân, sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn của Mai Châu đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến tích cực.

Trong đó, kinh tế - xã hội của huyện đã có những bước phát triển toàn diện, nông thôn được quy hoạch phát triển theo hướng văn minh, hiện đại gắn với phát triển đô thị. Hiện, trên địa bàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM (Mai Hạ, Chiềng Châu, Tòng Đậu), 2 xã đạt 19 tiêu chí đang trình UBND tỉnh quyết định công nhận (Vạn Mai, Xăm Khòe), 1 xã đạt 19/19 tiêu chí đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định (Nà Phòn), 1 xã đạt 17 tiêu chí (Mai Hịch), các xã còn lại đạt từ 9 - 12 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Bình quân đạt 12,82 tiêu chí/xã, tăng 8,12 tiêu chí/xã so với năm 2011. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8,9 triệu đồng, năm 2019 tăng lên 31,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 28,56%, đến hết năm 2018 là 18,64%.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của huyện. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: chanh leo, dưa hấu, mướp đắng, bí đao.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiếp tục được duy trì tất cả các xã, số xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở tăng. Công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày một tăng. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh, trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng của người dân nên được huyện chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự thực hiện. Từ năm 2010 – 2020 tổng số km đường huyện, xã, trục xóm, đường nội đồng được xây dựng mới là 20,14km; được cải tạo nâng cấp 268,04km. Tổng số cầu được xây mới là 25 cầu; cải tạo sửa chữa 16 cầu. Tổng số cống, đường tràn trên đường huyện, đường xã, đường trục xóm, ngõ xóm, đường nội đồng được xây mới là 188 cống. Đặc biệt, đến nay, hầu hết các xã đều có điểm bưu điện văn hóa xã, phủ sóng Internet. Hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông.

Ngoài ra, từ các nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách - Xã hội, sự đầu tư hỗ trợ từ các Chương trình dự án trên địa bàn huyện, đến nay đề án sản xuất của các xã đều được xây dựng trên cơ sở xác định nhóm cây, con, ngành nghề lợi thế. Rà soát, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi - chuẩn bị điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiêu biểu là các xã Vạn Mai, Mai Hịch, Mai Hạ, Chiềng Châu, Tòng Đậu, Bao La. Nhiều mô hình thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được áp dụng tại các xã Mai Hạ, Vạn Mai, Xăm Khòe, Bao La, Cun Pheo. Các hoạt động nêu trên đã góp phần tăng thu nhập bình quân chung của cư dân nông thôn năm 2011 thu nhập đạt 8,933 triệu đồng, ước thực hiện đến hết năm 2019 đạt 31,838 triệu đồng tăng 3,56 lần so với năm 2011 và tăng 1,98 lần so với năm 2015 (thu nhập đạt 16,117 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 28, 56 %, năm 2015 là 24,11%, đến hết năm 2018 là 18, 64%.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được huyện quan tâm duy trì, đa dạng hóa và đẩy mạnh, có 183 đội văn nghệ quần chúng. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được đẩy mạnh. Sinh hoạt cộng đồng đã được quan tâm thực hiện và từng bước đi vào nề nếp. Trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới .

Đặc biệt, Mai Châu là vùng đất nổi tiếng về văn hóa dân gian, lễ hội đặc sắc, ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa các dân tộc. Đây là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đến nay, toàn huyện Mai Châu đã có 138 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 09 khách sạn, 26 nhà nghỉ và 103 nhà nghỉ cộng đồng, thu hút 1.200 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó 574 lao động trực tiếp, 555 buồng, phòng Số lượng du khách đến huyện Mai Châu năm 2018 đạt 332 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế trên 133 nghìn lượt, khách trong nước trên 199 ngàn lượt; tổng thu từ du lịch đạt 107 tỷ 568 triệu đồng. Đây đều là những tín hiệu vui cho thấy du lịch Mai Châu đang trên đà khởi sắc.

Phát huy thành tích đã đạt được, trong giai đoạn 2020-2025, huyện Mai Châu đề ra các mục tiêu cụ thể như:12 xã đạt chuẩn NTM; số xã còn lại phấn đấu đạt thêm từ 5 tiêu chí trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 49 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2%/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên từ 90% trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm từ 50% trở lên; tỷ lệ người dân tham gia BHYT từ 95% trở lên; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 98% trở lên...  Để đạt được các mục tiêu trên, huyện đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và bền vững; xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn kiểu mẫu,….

Với địa hình cách trở, Mai Châu là một trong các huyện còn nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH. Thế nhưng, nhờ có chủ trương đúng và sự chủ động, tích cực trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Mai Châu đã khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh, tạo sự bứt phá trên con đường đổi mới và phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.Tin rằng trong thời gian tới, huyện Mai Châu sẽ đạt được nhiều kết quả nổi bật hơn nữa trong Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.

Linh - Thiện
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: