Những năm qua, việc ứng dụng khoa học, công nghệ sản xuất, chế biến luôn được tỉnh Phú Thọ, các địa phương và các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) quan tâm, chú trọng. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè.

Sản phẩm chè của HTX chè Cẩm Mỹ - Thanh Sơn đạt OCOP 4 sao.
Ông Phan Thanh Trương - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Sơn, cho biết: Bên cạnh đó, việc hỗ trợ làm mô hình bón phân hữu cơ đối với diện tích đã được đón nhận chứng nhận VietGAP, chúng tôi luôn quan tâm các chính sách của tỉnh cũng như huyện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX hỗ trợ các thiết bị máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu sản xuất chè.
Cây chè là cây trồng trọng điểm trong phát triển kinh tế của huyện Thanh Sơn cùng với các loại cây lâm nghiệp khác. Tính đến nay, tổng diện tích chè của toàn huyện đã đạt trên 2.500ha, trong đó diện tích chè trong dân chiếm gần 1.500ha, còn lại là diện tích trồng của các doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến chè; năng suất bình quân đạt115tạ/ha/năm, sản lượng đạt 25.998 tấn, doanh thu 46 triệu đồng/ha/năm.
Trước đây, các vườn chè trên địa bàn huyện chủ yếu là chè hạt, già cỗi, cây không đồng đều, năng suất và chất lượng kém. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của trung ương và của tỉnh, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo trồng thay thế toàn bộ diện tích chè cằn xấu, giống cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; công tác cải tạo, phát triển chè, cơ cấu giống chè trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ các giống chè mới (LDP1, LDP2, PH1) đạt 65% tổng diện tích chè của huyện từ đó góp phần đưa giá trị sản phẩm chè ổn định, tạo niềm tin cho nông dân đầu tư vào sản xuất và chế biến chè thương phẩm.



Trong nhiều năm qua, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, thay thế dần các giống chè cũ, những diện tích chè cằn xấu bằng các giống chè mới.
Sản xuất chè huyện Thanh Sơn trong năm 2025 theo hướng duy trì, nâng cao chất lượng; trong đó, chú trọng chế biến chè xanh truyền thống, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu chè Thanh Sơn. Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm chè Oolong từ 4 sao lên 5 sao; xây dựng mới 2 sản phẩm chè từ 3 sao trở lên. Định hướng vùng sản xuất chè tập trung, gồm các xã: Sơn Hùng, Địch Quả, Thục Luyện, Võ Miếu, Văn Miếu, Yên Sơn…
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chè mới chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè: Tiếp tục áp dụng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây chè đặc biệt tăng cường bón phân hữu cơ... xây dựng các mô hình Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng cách).
Chế biến, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất chè xanh chất lượng cao, gắn với vùng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến gắn với bảo quản sản phẩm. Chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cao đối với nhóm sản phẩm chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến sâu, chế biến ứng dụng công nghệ cao.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chú trọng quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến chè quy mô hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ.

Sản phẩm chè sạch HTX chè Cẩm Mỹ xã Tất Thắng đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Sản phẩm chè của HTX chè Thành Nam.
Hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm: Định kỳ tham gia các hội chợ chè; các chương trình xúc tiến thương mại về chè ở trong và ngoài tỉnh; Đẩy mạnh thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, làng nghề sản xuất kinh doanh chè, khuyến khích thành lập các chuỗi hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.
Chị Đinh Thị Diện - Thành viên HTX Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn chia sẻ, chúng tôi đã áp dụng khoa học - công nghệ và đã được nghiên cứu từ khâu trồng trọt đến khâu chăm sóc, thu hoạch chế biến từ đó kiểm soát được chất lượng chè, từ đó cup cấp nguồn nguyên liệu chè đảm bảo cho Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ. Từ đó đời sống của chúng tôi được nâng cao.
ĐỨC THỌ
Theo Kinh tế và Đồ uống