Sự kiện hot
4 năm trước

Huyện Vĩnh Tường, Tỉnh Vĩnh Phúc: “Quả ngọt” sau nhiều năm xây dựng Nông thôn mới

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Vĩnh Tường ngày càng được khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Đến nay, toàn huyện đã có 26/26 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, huyện đang phấn đấu hoàn thiện 1 tiêu chí còn lại để trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Vĩnh Tường là địa phương có số xã tham gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) nhiều nhất tỉnh Vĩnh Phúc (26/112 xã chiếm 23,2% toàn tỉnh), khi thực hiện xây dựng NTM hầu hết các xã đều có xuất phát điểm thấp, xã cao nhất mới đạt 8/19 tiêu chí (xã Cao Đại, Vũ Di...), cá biệt có xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí NTM (xã Kim Xá) theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM (xã Kim Xá). Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán. Thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống của người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn…

  Nông thôn mới ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Nông thôn mới ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và nhân dân, diện mạo nông thôn của Vĩnh Tường ngày càng khởi sắc với 26/26 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Kinh tế huyện Vĩnh Tường đang trên đà phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp phát triển theo quy mô tập trung, hàng hóa đem lại lợi nhuận cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.

Kết quả này đạt được nhờ trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới, huyện Vĩnh Tường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Đặc biệt, với hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, nội đồng, xây dựng bãi rác thải; chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cơ chế về đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã đăng ký đạt chuẩn Nông thôn mới và cơ chế chính sách đối với xã điểm của tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành động lực và nguồn lực to lớn khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân huyện Vĩnh Tường triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới theo quy định.

Theo đó, tổng nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng NTM của huyện Vĩnh Tường là trên 6.560 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 4.760 tỷ đồng. Về phát triển sản xuất, trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã quan tâm thực hiện; sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: vùng bưởi tại xã Vĩnh Ninh, Phú Đa, Vĩnh Thịnh… (diện tích gần 100 ha); vùng rau, củ tại các xã Đại Đồng, Thổ Tang, Chấn Hưng, Bình Dương... (diện tích 349,64 ha); vùng quả (bầu, bí, mướp) tại các xã Yên Lập, Cao Đại, Vũ Di, Tân Cương... (diện tích 427,4 ha); Vùng chăn nuôi bò sữa tại các xã vũng bãi như: Vĩnh Ninh, Vĩnh Thịnh, An Tường… với quy mô 10.749 con bò sữa (chiếm gần 90% tổng đàn bò sữa toàn tỉnh); sản lượng sữa tươi ước đạt 31.000 tấn/năm…

Giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã tập trung đầu tư để 100% các tuyến đường trục huyện, trục xã được bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 100% trường học, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,75 triệu đồng/người/năm thì đến hết năm 2018 đạt 41,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 ở mức 6,42%, đến hết năm 2018 giảm còn 2,03%.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường được huyện quan tâm đầu tư đúng mức. Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố (điện, đường, trường, trạm...) đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhu cầu đời sống của nhân dân. Cụ thể, 100% các tuyến đường trục huyện, trục xã đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; các công trình thủy lợi được cứng hóa đảm bảo tưới, tiêu nước hợp lý trong toàn hệ thống; 100% số xã có hệ thống điện được đầu tư theo đúng quy hoạch, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 22 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). Nhờ vậy, diện mạo nông thôn Vĩnh Tường có nhiều đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.

Tính đến ngày 30/9/2019, toàn huyện có 26/26 xã (đạt 100%) số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Huyện đã đạt 08/09 tiêu chí huyện Nông thôn mới (bao gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, Y tế - văn hóa - giáo dục, Sản xuất, an ninh trật tự, chỉ đạo xây dựng NTM), tiêu chí Môi trường đang tiếp tục được quan tâm đầu tư để đạt chuẩn theo quy định. Đáng chú ý, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng Nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình xây dựng Nông thôn mới ở Vĩnh Tường còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc phát huy tinh thần tự chủ, tự lực và trách nhiệm, tính sáng tạo trong xây dựng Nông thôn mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa cao; công tác tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực cho chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh tế tuy đã phát triển song chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún,...

Để đạt mục tiêu tổng quát đến năm 2025 có 50% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2030, thời gian tới, huyện Vĩnh Tường sẽ gắn việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới với thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các xã rà soát, triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện xây dựng Nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 sát với tình hình thực tế; tiếp tục kiên trì chỉ đạo dồn thửa đổi ruộng, từng bước tập trung tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn để từng bước áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với rà soát, nghiên cứu và đề xuất ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

Với kết quả đã đạt được trong gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới cùng những mục tiêu, giải pháp được nêu cụ thể, có thể tin tưởng rằng, huyện Vĩnh Tường sẽ sớm cán đích trở thành huyện Nông thôn mới và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tiếp theo.

Đinh Thiện
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: