Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

KBSV: POW kỳ vọng 80-90% sản lượng điện sẽ được bán cho EVN qua hợp đồng PPA

Theo KBSV, POW đang đàm phán với EVN về hợp đồng mua bán điện với kì vọng 80-90% sản lượng điện sẽ được bán cho EVN qua hợp đồng mua bán điện (PPA) với toàn bộ biến động giá khí LNG sẽ được chuyển qua giá bán cho EVN – tương tự như cơ chế mua bán điện cho các nhà máy điện khí và than hiện tại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo cập nhật đối với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí – PV Power (POW). Theo KBSV, theo KQKD sơ bộ nửa đầu năm 2022 do POW công bố, doanh thu hợp nhất của POW đạt 14,865 tỷ VND (giảm 7.7%), lợi nhuận sau thuế đạt 1,159 tỷ VND (giảm 19.0%). Sản lượng điện sản xuất nửa đầu năm 2022 của POW đạt 7,152 triệu kWh (giảm 24.5%). Sản lượng thấp kéo và giá khí tăng cao kéo theo sự sụt giảm về KQKD của POW.

Mặc dù các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2 cũng như cụm thuỷ điện có sản lượng điện sản xuất tích cực, tuy nhiên không bù đắp được sự sụt giảm từ 2 nhà máy lớn của POW là Cà Mau 1&2 và Vũng Áng 1 do tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện và máy móc gặp sự cố chưa được sửa chữa hoàn thiện. Chúng tôi nhận thấy đây là một rủi ro giảm giá mục tiêu do KQKD không như kì vọng, dù cần xem xét cụ thể hơn.

KBSV cho biết, theo như quan sát của KBSV trên thực địa và thông tin từ BLĐ, Nhơn Trạch 3&4 đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và bắt đầu công việc san lấp đất trong khi chờ quy hoạch nhà máy cụ thể được Bộ Công thương phê duyệt, Ban lãnh đạo kỳ vọng 2 nhà máy Nhơn Trạch 3&4 sẽ lần lượt đi vào vận hành thương mại trong quý 4/2024 và quý 2/2025.

Ban lãnh đạo cho biết POW đã thảo luận về hợp đồng mua bán khí LNG dài hạn với PV GAS qua kho LNG Thị Vải và kì vọng hợp đồng mua bán điện (PPA) và hợp đồng mua bán khí (GSA) sẽ được hoàn thành trong năm 2022. POW cũng cho biết đang đàm phán với EVN về hợp đồng mua bán điện với kì vọng 80-90% sản lượng điện sẽ được bán cho EVN qua hợp đồng mua bán điện (PPA) với toàn bộ biến động giá khí LNG sẽ được chuyển qua giá bán cho EVN – tương tự như cơ chế mua bán điện cho các nhà máy điện khí và than hiện tại.

Về tình hình giá LNG, Ban lãnh đạo POW cho rằng giá khí và giá LNG đang bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, dẫn tới giá LNG tăng mạnh, đạt 30 USD/MMBTU với giá LNG giao ngay và 15 USD/MMBTU với các hợp đồng dài hạn. Dựa trên dự báo giá LNG dài hạn của Wood Mackenzie, BLĐ cho rằng giá LNG trong dài hạn sẽ giảm và có thể cạnh tranh được với các loại hình nguồn điện khác. Hợp đồng cung cấp LNG giữa POW và PV GAS dự kiến sẽ có thời hạn 15 năm để đảm bảo mức giá cạnh tranh cho sản xuất và phát điện của POW.

Về vấn đề huy động vốn, POW cho biết công ty đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh dài hạn tới năm 2030 cùng với mức xếp hạng tín nhiệm BB với triển vọng tích cực từ Fitch sẽ giúp công ty tài trợ cho dự án bằng việc vay nợ ngân hàng với tổng gói vay trị giá khoảng 900 triệu USD và vốn chủ sở hữu 300 triệu USD. Công ty kì vọng mức lãi suất huy động được sẽ ở mức hấp dẫn trong mặt bằng môi trường lãi suất biến động như hiện nay.

Vũng Áng 1 sẽ đi vào hoạt động ổn định trong quý 1/2023 — Sau khi xảy ra sự cố tại Vũng Áng 1, POW đã gửi các turbine ra nước ngoài để sửa chữa. Công ty cũng đang làm việc với bên giám định để có thể nhận được phần đền bù từ bảo hiểm gián đoạn kinh doanh khoảng 300 tỷ đồng. Ban lãnh đạo dự kiến Vũng Áng 1 sẽ hoàn thành việc sửa chữa và hoạt động hồi phục hoàn toàn trong tháng 2/2023.

Theo Ban lãnh đạo, nguồn khí của Cà Mau 1&2 được lấy từ mỏ PM3-CAA do liên doanh PV GAS và Petronas điều hành. Tuy nhiên từ 2019, Cà Mau 1&2 đã xảy ra tình trạng thiếu khí và phải kí hợp đồng mua thêm từ Petronas. Trong tương lai, BLĐ kì vọng rằng việc đưa vào vận hành lô B và việc nhiệt điện Cà Mau 3 sử dụng khí LNG sẽ là 2 nguồn cung khí thay thế mới hiện hữu, giúp cho Cà Mau 1&2 tránh tình trạng thiếu nguồn cung khí như hiện nay.

Về nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Ban lãnh đạo cho biết nguồn cung khí cho khu vực Đông Nam Bộ chủ yếu cung cấp cho cụm nhiệt điện Nhơn Trạch và cụm nhiệt điện Phú Mỹ, trong đó Nhơn Trạch 1 là nhà máy ở cuối nguồn nên nguồn khí không được ưu tiên. Tuy nhiên trong năm 2023, khi 2 nhà máy nhiệt điện BOT là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 được trao trả lại cho EVN và phải tham gia thị trường điện thì lượng khí cho 2 nhà máy này sẽ không được ưu tiên như trước. Theo Ban lãnh đạo, đây là một cơ hội để Nhơn Trạch 1 có đủ nguồn khí vận hành và phục hồi tình hình kinh doanh như trước đây.

POW đã công bố kế hoạch kinh doanh cho nửa cuối năm 2022 như sau: (1) Sản lượng điện đạt từ 6.9 – 7.4 tỷ kWh, (2) Doanh thu đạt từ 14 – 16 nghìn tỷ đồng, (3) lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến nửa cuối năm 2022 sẽ thấp hơn nửa đầu năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 2022 sẽ vượt từ 10-30% kế hoạch năm.

POW sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung nguồn lực phát triển dự án Nhơn Trạch 3&4 thông qua lợi nhuận chưa phân phối. Công ty sẽ xem xét chi trả cổ tức bằng cổ phiếu vào thời điểm thích hợp trong tương lai.

Nhật Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: