Sự kiện hot
12 năm trước

Kết quả từ sự cần mẫn

Sau 7 năm gắn bó với nghề, thợ hàn Nguyễn Long Phước đã đạt danh hiệu Bàn tay vàng.

Sau 7 năm gắn bó với nghề, thợ hàn Nguyễn Long Phước đã đạt danh hiệu Bàn tay vàng.

Nguyễn Long Phước - Ảnh: K.D

Phước là công nhân của Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn. Được Ban giám đốc nhà máy cử đi tham gia hội thi Bàn tay vàng nghề hàn, nhưng Phước không hề nghĩ rằng mình đi thi nhằm lấy giải. “Vì tuổi mình còn trẻ, năng động và nhạy bén trong việc tiếp thu kiến thức nên được chọn đi thi chỉ để học hỏi thêm, chứ xét về tay nghề thì trong nhà máy còn nhiều đàn anh giỏi hơn mình nhiều”, Phước nói. Với tiêu chí đó, trước khi thi, Long Phước xác định rõ mục đích chính là tận dụng cơ hội này để học hỏi, tìm hiểu cách thức, quy trình làm việc của những thợ khác, hy vọng khi về làm việc sẽ nâng cao hơn nữa tay nghề chứ không đặt nặng áp lực giải thưởng.

Vượt qua bài kiểm tra vòng loại, Phước cùng 39 thí sinh khác bước vào phần thi chính thức. Nội dung thi là hàn hai mẫu phôi 3G và 6G theo bản vẽ. Phước kể: “Vốn quen với việc hàn mỗi ngày, vậy mà lúc nhận đề thi mình vẫn rất run. Đề không quá phức tạp, nhưng khó khăn là ở nhà máy Phước thường hàn Mig mag, nhưng khi thi lại phải hàn que nên không quen tay. Cuối cùng mình vẫn hoàn thành xong cả hai mẫu trước thời gian quy định”.

“Trước lúc thi không nghĩ đến giải thưởng nhưng khi hoàn thành xong phần thi, nhìn sản phẩm của mình khá chỉn chu nên mình thấy hài lòng và tự tin. Lúc nộp sản phẩm, thấy mẫu của mình có phần đẹp hơn nhiều mẫu khác, Phước mới nghĩ rằng có khi mình lại được giải thưởng nào đó. Và giải Bàn tay vàng là một phần thưởng ý nghĩa mà Phước may mắn có được, giúp mình có động lực hoàn thiện tay nghề hơn nữa”, Phước vui vẻ nói.

19 tuổi Phước bắt đầu làm quen với nghề hàn. Những ngày đầu chưa quen việc, nhiều lần làm sai thao tác, tay Phước bị thương rớm máu mà sản phẩm vẫn không đạt chất lượng, anh không nản chí. Ngược lại, Phước càng tích cực rèn luyện và học tập các thợ đàn anh. Sau một thời gian, Phước bắt đầu thành thạo. Càng làm các chi tiết khó hơn, đòi hỏi tính kỹ thuật cao hơn Phước càng hứng thú với nó. Hai năm sau anh đăng ký thi lên bậc thợ thành công. Từ đó suốt nhiều năm liền Phước liên tục được tăng bậc và được đồng nghiệp yêu mến, tín nhiệm bình bầu thợ loại A.

“Phước có tinh thần cầu tiến và rất có trách nhiệm trong công việc. Mỗi lần nhà máy có sản phẩm nào cần phải hoàn thành gấp, dù thời gian ngắn nhưng đã giao việc cho Phước sẽ an tâm, vì Phước luôn làm rất chu đáo chứ không qua loa đại khái”, Nguyễn Phi Hùng, cán bộ quản lý của nhà máy chia sẻ.

“Hoàn cảnh cuộc sống khó khăn rèn giũa cho Phước tính tự lập, kiên nhẫn và chịu khó. Phước nghĩ rằng tính cách ấy góp phần tạo cho mình thành công trong công việc. Vì theo Phước, đó là những đức tính mà người thợ cần có khi theo nghề”, Phước tâm sự. Bản thân Phước luôn đề cao sự học hỏi trong công việc. Với anh, con đường để trở thành thợ giỏi không chỉ xuất phát từ tính cần mẫn chịu khó, mà còn từ việc biết học hỏi, biết quý những người đi trước và trân trọng sự chỉ dạy của họ. Người thợ rất cần sáng tạo, bởi thế Phước luôn tìm tòi những cách hàn sao cho khéo, đảm bảo thời gian nhanh mà mối hàn vẫn đẹp và đạt chất lượng.

Dự định trước mắt của Phước là tranh thủ thời gian buổi tối để đăng ký học thêm các khóa học về hàn. Phước muốn tìm hiểu kiến thức chuyên môn của nghề một cách bài bản để làm việc tốt hơn.

“Phước yêu công việc của một người thợ vì nó đem đến cho Phước niềm vui được học hỏi, được làm việc bằng chính đôi tay của mình để chăm lo cho gia đình. Với Phước, không gì hạnh phúc bằng việc được nhìn thấy những chiếc tàu có phần đóng góp từ đôi tay mình hoàn thành và vươn ra biển lớn”, Phước nói.

Kỳ Dương
Theo Thanhnien

Từ khóa: