Sự kiện hot
5 năm trước

Khai thác cát ngày đêm ở Hà Nam - Thái Bình: Dân khóc than, chính quyền không xử lý nổi?

Mặc cho người dân khóc than nhưng tình trạng "cát tặc" vẫn diễn ra công khai ở sông Hồng đoạn qua địa phận xã Phú Phúc (Lý Nhân, Hà Nam) và xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình)

 “Cát tặc” oanh tạc ngày đêm!

4h sáng, khi người dân đang chìm trong giấc ngủ, hàng loạt chiếc tàu lũ lượt thay nhau ra giữa sông Hồng đoạn giáp ranh xã Phú Phúc (Lý Nhân, Hà Nam) và Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình) “oanh tạc”.

Với người dân, đây thực sự là nỗi ám ảnh, buộc lòng kìm nén và không ít người đã phải khóc than nhưng không tìm ra cách xử lý. Bởi khi “cát tặc” hoành hành, họ chỉ biết kêu cứu lên chính quyền nhưng rồi nỗi lo lắng, uất ức không thể giải quyết được.

Một đoạn video ngắn về tình trạng khai thác cát đang diễn ra công khai ở sông Hồng đoạn giáp ranh xã Phú Phúc (Lý Nhân, Hà Nam) và xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình).

9
Cận cảnh tình trạng khai thác cát diễn ra. Ảnh cắt video

Dẫn đường cho chúng tôi là người đàn ông ngoài 60 tuổi, da đen sạm. Đứng ngay giữa bãi màu, ông chỉ thẳng tay ra sông Hồng nơi những chiếc tàu đang thi nhau hút cát nói trong tiếng nghẹn: “Người đân xã Phú Phúc đều sống trong lo sợ. Bởi hệ luỵ từ vấn nạn khai thác cát là hết sức nặng nề. Mỗi lần có tàu cát, dân gọi điện lên chính quyền những rồi chờ đợi sự vào cuộc xử lý đều trở nên vô vọng”.

Vừa dứt lời, giọng người đàn ông này bỗng chùng xuống. Ông nói tiếp: Giờ chỉ có 5 tàu. Khi hút đầy, những chiếc tàu này đi vào và những chiếc tàu đang neo đậu lại ra thế chỗ.

“Vừa rồi, dịp trước tết Nguyên Đán các tàu hoạt động đông lắm. Những chiếc tàu đua nhau hút cát bất chấp sự phản đối của người dân...”- Người đàn ông này bày tỏ.

8
Cận cảnh tình trạng khai thác cát diễn ra. Ảnh cắt video

Đúng 8h30, khi chúng tôi có mặt tại đây, mặt trời đã chói chang. Chính quyền địa phương cũng đã đến hội sở. Nhưng điều lạ lùng, “cát tặc” vẫn khai thác một cách vô tư như chốn không người.

Ông T., (xin được giấu tên) thôn Phú Cốc (xã Phú Phúc) cho biết: Trước kia, khi chưa có doanh nghiệp nào khai thác cát, bà con thoải mái canh tác trên bãi bồi. Bây giờ nhiều nơi đã bị sạt lở.

“Chúng tôi biết khai thác cát trái phép và phản đối nhưng chẳng biết làm gì để đuổi được. Giờ họ còn hoạt động công khai, thậm chí đe dọa, thách thức người dân. Dân phản ánh nhưng chính quyền rất ít khi có mặt. Chính quyền địa phương coi việc khai thác cát trái phép như không phải việc của mình nên không ngăn chặn, xử lý...”- Ông T nói. 

Chính quyền thừa nhận khai thác trái phép nhưng kêu khó xử lý?

Đem theo những bức xúc của người dân, chúng tôi tìm đến xã Phú Phúc. Khi nghe chúng tôi bảy tỏ nỗi niềm của người dân, đại diện lãnh đạo xã Phú Phúc thẳng thắn thừa nhận thực trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra.

“Hiện tượng khai thác cát là có. Người dân phản ánh là đúng. Trong quá trình phối hợp với công an đường sông, các cơ quan chức năng liên quan thì người ta khai thác cát ở giữa sông. Mà vòi thì không biết ở bên Hà Nam hay bên Thái Bình. Khi có thông tin, chúng tôi có báo cáo lên chủ tịch Uỷ ban huyện và các cơ quan chức năng dần dần người ta cũng đi”- Lãnh đạo xã Phú Phúc  nói.

Đại diện chính quyền xã Phú Phúc cho biết thêm, trên địa bàn xã không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát.

Empty
Cận cảnh tình trạng khai thác cát diễn ra. Ảnh cắt video

Tàu cát vô tư hút giữa ban ngày. Ảnh cắt video

“Mới đây bà con phản ánh có vài tàu vào gần bờ, tôi có điều công an viên ra kiểm tra thì nó ở giữa sông. Trong năm tôi có kiến nghị lên phòng cảnh sát giao thông tỉnh Hà Nam, cũng làm công văn báo cáo uỷ ban huyện và kiến nghị bên Thái Bình để phối hợp yêu cầu đơn vị khai thác phải đặt phao. Lúc đó xác định được ranh giới thì mới dễ quản lý”- Đại diện chính quyền xã Phú Phúc nói. 

Cũng theo như đại diện của xã Phú Phúc, đơn vị đang khai thác được chính quyền tỉnh Thái Bình cấp phép.

Empty
Cận cảnh tình trạng khai thác cát diễn ra. Ảnh cắt video

Trong khi chính quyền địa phương dường như "ngồi im". Ảnh cắt video

Để làm sáng tỏ vấn đề cấp phép, chúng tôi tiếp tục đến xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình). Tại đây ông Phan Doãn Chủng, Bí thư xã và ông Trần Xuân Huynh, Phó Bí Thư xã Hồng Lý cũng bày tỏ nỗi bức xúc trước vấn nạn khai thác cát đang diễn ra.

Trao đổi với phóng viên, hai vị lãnh đạo cũng thừa nhận việc khai thác cát trên là “tặc” và gây sạt lở.

“Bây giờ đuổi, đưa lực lượng công an ra họ lại đi sang bên kia (phía Hà Nam - PV). Khi không có người thì họ lại trôi về. Đây là tình trạng khai thác cát trộm. Chúng tôi không có văn bản nói cho đơn vị nào khai thác cả”- Lãnh đạo xã Hồng Lý khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo xã Hồng Lý, trước đây có đơn vị làm theo kế hoạch của tỉnh nhưng 2 năm nay công ty này không hợp đồng ở địa bàn này nữa. Giờ khai thác là “tặc”.

“Người dân phản ánh nhiều, ngay cả khi họp hội đồng nhân dân huyện, hội đồng nhân dân tỉnh cử tri có phản ánh và đặc biệt mới đây hội đồng nhân dân xã, cử tri vẫn ý kiến đề xuất”- Lãnh đạo xã Hồng Lý cho hay.

Với những gì diễn ra, có thể thấy rằng, tình trạng khai thác cát trái phép nói trên đang diễn ra một cách công khai. Thế nhưng điều đáng buồn, dù người dân có cầu cứu thế nào đi nữa thì chính quyền địa phương dường như vẫn “nằm im”, không thế quyết liệt “xoá” đi vấn nạn đang diễn ra.

Câu hỏi nhức nhối lúc này đặt ra, lẽ nào tình trạng "cát tặc" diễn ra công khai như vậy nhưng chính quyền tỉnh Thái Bình và Hà Nam lại đành chịu “bó tay”, mặc cho dân đang ngày đêm kêu cứu?

Theo Gia đình Việt Nam

Từ khóa: