Sự kiện hot
11 năm trước

Khẩn trương đưa phương tiện vào bờ, tránh áp thấp nhiệt đới

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết vào chiều 22-2, đơn vị đã kêu gọi trên 400 phương tiện tàu thuyền với hơn 3.400 lao động đang hoạt động trên các vùng biển khẩn trương đưa phương tiện vào bờ, neo đậu an toàn; đồng thời thông báo cho gần 7.300 tàu cá với 32.679 lao động hành nghề, biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) để chủ động phòng tránh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết vào chiều 22-2, đơn vị đã kêu gọi trên 400 phương tiện tàu thuyền với hơn 3.400 lao động đang hoạt động trên các vùng biển khẩn trương đưa phương tiện vào bờ, neo đậu an toàn; đồng thời thông báo cho gần 7.300 tàu cá với 32.679 lao động hành nghề, biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) để chủ động phòng tránh.

Tính đến thời điểm này, các chủ phương tiện đang neo đậu tại những bến, cảng cá ở địa phương đã nhận được thông tin về ATNĐ và có phương án chủ động phòng tránh.


Tàu thuyền ở Phú Yên vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới

Cũng theo đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện 160 cán bộ chiến sĩ, 5 ô tô, 5 tàu, 5 ca nô của các đồn biên phòng, hải đội và cơ quan thường trực của Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn túc trực, sẵn sàng cơ động xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Đơn vị cũng đã cảnh báo ngư dân không được ra khơi đánh bắt trong tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão; các phương tiện đang đánh bắt phải khẩn trương đưa phương tiện vào bờ tránh trú, an toàn để hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu ATNĐ đổ bộ vào đất liền.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo, đôn đốc đơn vị trực thuộc theo dõi sát tình hình diễn biến của ATNĐ, nắm chắc tình hình tàu thuyền, ngư dân trên địa bàn; đồng thời sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị và phối hợp với các gia đình chủ tàu và chính quyền địa phương các xã, phường ven biển thông báo về vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để các phương tiện chủ động phòng tránh an toàn.

Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào lúc 13 giờ ngày 22-2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 5,4 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Huyền Trân (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 320km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Nam Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 13 giờ ngày 23/02, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 3,8 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách đảo Huyền Trân (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 510km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió đông bắc mạnh nên vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

theo CAO

Từ khóa: