Sự kiện hot
12 năm trước

Khi cổ đông “tố” nhầm doanh nghiệp

Khi cổ đông bày tỏ quan điểm không đồng tình với ban lãnh đạo DN một cách vô thức, được xem là hành vi “tố” nhầm lãnh đạo DN.

Khi cổ đông bày tỏ quan điểm không đồng tình với ban lãnh đạo DN một cách vô thức, được xem là hành vi “tố” nhầm lãnh đạo DN.

“Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật cũng như vì sự minh bạch của thị trường, cổ đông chúng tôi đề nghị UBCK tiến hành thanh tra xử phạt hành chính các vi phạm về công bố thông tin của DN này”. Đó là nội dung có trong đơn thư ký tên nhà đầu tư Hoàng Thị B. H. và Hoàng T. được gửi đến Báo ĐTCK, “tố” CTCP Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu (VungtauTourist).

Cổ đông nhỏ làm lớn chuyện

Sau khi tìm hiểu sự việc, ĐTCK nhận thấy có khá nhiều điểm “chênh” giữa lời “tố” của cổ đông với những gì đang diễn ra tại VungtauTourist.

Theo đơn thư của nhà đầu tư thì VungtauTourist có vốn điều lệ 198 tỷ đồng và có gần 300 cổ đông, nhưng vẫn chưa tiến hành đăng ký công ty đại chúng và không công bố thông tin theo luật định; website Công ty không đăng tải các báo cáo kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, khi ĐTCK truy cập vào website của VungtauTourist tại địa chỉ www.vungtautourist.com.vn thì thấy, Công ty đã thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, đồng nghĩa với việc đã đăng ký công ty đại chúng. Ngoài ra, báo cáo tài chính các năm gần nhất (2011, 2010) cũng đã được đăng tải cùng các thông tin cổ đông khác.

Trước sự nhìn nhận sai lệch của cổ đông, đại diện VungtauTourist cho biết, Công ty cảm thấy khá hẫng với kiểu “đặt điều” của cổ đông. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên cổ đông tố sai sự thật theo kiểu này.

VungtauTourist - đối tượng của một vụ “tố” nhầm

Theo tìm hiểu của ĐTCK, tại một DN khác cũng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, cổ đông còn đâm đơn đến tòa án kiện ban lãnh đạo DN chỉ với lý do là DN trả cổ tức thấp (chỉ 3%/năm bằng tiền mặt trong 4 năm). Trong khi đó, nghị quyết ĐHCĐ thường niên trước đó đã ấn định tỷ lệ trả cổ tức trên và lợi nhuận của DN cũng chỉ đủ trang trải cho số cổ tức đó.

Khi cổ đông bày tỏ quan điểm không đồng tình với ban lãnh đạo DN một cách vô thức, được xem là hành vi “tố” nhầm lãnh đạo DN. Điển hình là chỉ trích của cổ đông Thu Thủy năm ngoái, với địa chỉ email: thuthuy011978@yahoo.com: “Tôi rất bức xúc việc giá cổ phiếu SBA chỉ còn 6.000 đồng/CP. Tại sao vậy? Giá cả thì tăng, còn thị giá cổ phiếu chỉ còn phân nửa vậy? Tại sao tăng giá điện mà cổ phiếu lại vẫn giảm? Không lẽ lại biện minh là do theo diễn biến của thị trường như những lần trước? Điều này làm chúng tôi nghi ngờ vào năng lực điều hành của DN…”, hay đưa ra những công kích theo kiểu vụn vặt: “Tôi không hiểu sao SBA đăng ký mua 400.000 cổ phiếu quỹ nhưng lại đi mua từng ngày vài trăm cổ phiếu”.

Theo lãnh đạo SBA, cổ đông bức xúc trong bối cảnh TTCK trồi sụt, NĐT thua lỗ, nhưng những từ ngữ thiếu logic, không ăn nhập đã gây áp lực cho công tác điều hành DN, ảnh hưởng đến việc tập trung cho sản xuất - kinh doanh.

Một nhóm cổ đông CTCP Xi măng La Hiên từng “rêu rao” rằng, hàng năm họ không nhận được thư mời họp ĐHCĐ. Thực tế, nhóm cổ đông này đứng tên một người mua cổ phiếu, thư mời họp được gửi tới người này, nhưng những người khác lại cho rằng, thư mời phải gửi tới từng người.

Tố “sai” có thể bị phạt

Theo một số luật sư, việc cổ đông cung cấp thông tin để từ đó báo chí, cơ quan điều tra, cơ quan quản lý vào cuộc tìm hiểu những sai phạm tại DN cần được khuyến khích. Tuy nhiên, đó phải là những thông tin xác thực và nhà đầu tư phải đưa ra cam kết về điều đó. Còn nếu đó là thông tin mang tính phỏng đoán thì cũng cần nói rõ, tránh gây hiểu nhầm. Thực tế, những đơn thư khiếu kiện vụn vặt, không chính danh, tố sai sự thật, thậm chí chỉ là phỏng đoán, không chứng cứ khá phổ biến.

“Có cổ đông còn khẳng định DN A đang đem tiền của cổ đông, của Nhà nước đi đầu tư chứng khoán, nhưng lại không đưa ra được chứng cứ hợp lý. Thậm chí, có cổ đông cứ khăng khăng rằng việc đầu tư của ban lãnh đạo DN là bất hợp pháp”, luật sư Công ty Luật hợp danh Luật Việt nói.

Theo luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn luật sư Hà Nội, trường hợp cổ đông/thành viên góp vốn “tố” sai sự thật đối với DN, người quản lý, người điều hành DN thì tùy tính chất, mức độ mà căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu việc tố cáo sai sự thật mà gây thiệt hại cho DN, người quản lý, người điều hành DN thì cổ đông tố cáo sai sự thật phải bồi thường thiệt hại.

Diệu Minh
Theo DTCK


Từ khóa: