Sự kiện hot
13 năm trước

Khi teen là "kỳ phùng địch thủ"

Dantin - Luôn có những trận chiến âm thầm có, công khai có giữa các "đối thủ" ngang ngửa này đấy!

Dantin - Luôn có những trận chiến âm thầm có, công khai có giữa các "đối thủ" ngang ngửa này đấy!

Những “cuộc chiến ngầm”...

Mai Phương và Ngọc Linh (17 tuổi, Hà Nội) đều là thành viên nổi trội nhất trong lớp. Cả hai cùng học giỏi, là cán bộ lớp, năng nổ tham gia các hoạt động của trường. Bề ngoài hai bạn luôn đối xử với nhau bình thường như những bạn bè khác, nhưng thực ra giữa hai cô bạn luôn có sự cạnh tranh “âm thầm”.

Linh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Sinh của quận để đi thi thành phố, Phương cũng cố gắng để chen chân vào đội tuyển học sinh giỏi Lý. Lớp có một suất đi dự Đại hội thành phố, Linh “nhỉnh” hơn Phương chút xíu về thành tích học tập, nhưng Phương lại có lợi thế là xinh xắn hơn, giỏi văn nghệ nên cuối cùng Phương là người được chọn. Linh ấm ức ra mặt và lại quyết tâm “tu luyện” để thi học kỳ có kết quả cao hơn Phương.

Teen thấy đấy, nếu trong lớp có một vài “member” cùng nổi trội, cùng xuất sắc tương đương nhau thì việc trở thành "kỳ phùng địch thủ" chẳng có gì là lạ. Nhất là ở độ tuổi của teen, sự hiếu thắng kèm theo chút nông nổi trẻ con còn khá lớn. Giữa các bạn ấy luôn diễn ra những “cuộc chiến” không công khai nhưng không kém phần “khốc liệt” không chỉ về thành tích học tập mà còn về vị trí trong lớp, trong trường, thậm chí là giành thiện cảm của thầy cô.

Phía sau những “cuộc chiến”...

Là đối thủ nên mối quan hệ của các mem này lúc nào  cũng “căng như dây đàn”, và sự mệt mỏi vì cạnh tranh là điều tất yếu. “Ý nghĩ “mình phải là người dẫn đầu”, “mình sắp bị  vượt qua”,  mình sắp bị đuổi kịp rồi” khiến tớ lúc nào cũng lo lắng, học hành đã dần dần chẳng còn là niềm vui, mà chỉ là cuộc ganh đua nhiều mệt mỏi” - H. Tùng (16 tuổi) nói.

Sự cạnh tranh với “đối thủ” trong lớp không chỉ khiến teen mệt mỏi, lo lắng, thậm chí stress nặng nề mà còn khiến tình bạn của teen “sứt mẻ”. Đó là khi các bạn đã đặt sự hiếu thắng, đặt “vinh quang” của bản thân lớn hơn cả tình bạn.

M. Lan (sinh viên năm nhất trường ĐH Ngoại thương) nhớ lại: “Ngày học cấp III, mình chơi thân với một bạn trong lớp. Khi trường có một suất học bổng duy nhất để hỗ trợ du học ở Anh, cả hai đứa mình đều có cơ hội, đều khao khát giành được thì hai đứa chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh nhau. Từ đó, giữa mình và bạn ấy có khoảng cách vô hình và bỗng trở nên xa lạ vô cùng. Những mâu thuẫn, những hiểu lầm, những “va chạm” không đáng có nảy sinh. Ngày bạn ấy lên máy bay đi du học cũng là lúc mình biết tình bạn thân thiết ngày xưa đã “đội nón ra đi”.

Để biến đối thủ thành động lực?

Sự cạnh tranh đối với bất kỳ ai và trong bất kỳ môi trường nào cũng rất dễ xảy ra. Trong môi trường học đường của teen mình cũng thế! Tuy nhiên, teen cần biết cách điều hòa mối quan hệ “tương đối nhạy cảm” này sao cho ổn thỏa nhất. Điều đầu tiên mà teen nên làm  là giữ cho sự cạnh tranh luôn ở mức độ... lành mạnh nhất. Đừng vì áp lực thắng – thua mà sử dụng những “biện pháp” hạ thấp chính con người mình teen nhé.

Tâm lý của người trong cuộc là điều cực kỳ quan trọng. Nếu như teen xác định rằng quyền lợi, thành tích chỉ là những thứ trước mắt, còn tình bạn mới là thứ quý giá hơn cả, thì chắc chắn teen sẽ tự hóa giải được áp lực về đối thủ. Thay vì cứ “âm thầm” với “cuộc chiến” ganh đua đầy mệt mỏi thì tại sao bạn không biến ganh đua thành thi đua, biến đối thủ thành động lực để trở thành “đôi bạn cùng tiến” nhỉ? Khi đó, thành tích học tập luôn được giữ vững mà tình bạn cũng thêm bền chặt!

Đừng quan trọng hóa việc thắng thua nếu như bạn đang có một hoặc một vài đối thủ trong lớp nhé! Hãy mỉm cười và nói rằng: “Tớ với ấy cùng cố gắng nha” với đối thủ của mình thôi nào.

Linh Anh

Từ khóa: