Sự kiện hot
7 năm trước

Khó cạnh tranh với Grab-Uber, taxi truyền thống xin gia tăng niên hạn

Taxi truyền thống ở Hà Nội "than" khó cạnh tranh với Grab-Uber và xin gia tăng niên hạn xe thêm 1 năm.

Taxi truyền thống ở Hà Nội xin gia tăng niên hạn xe thêm 1 năm. Ảnh minh họa: VnExpress

Theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ, xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, TP HCM) và không quá 12 năm tại các địa phương khác.

Đáng chú ý là tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP đang được Bộ GTVT xây dựng thì niên hạn taxi được đề xuất quy định đồng nhất là không quá 12 năm, không phân biệt ở đô thị nào.

Trao đổi với chúng tôi về đề xuất nêu trên, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Thiên Phong - Taxi Thành Công, ông Nguyễn Khương Duy cho biết nếu theo quy định thì đến cuối năm nay đơn vị đơn vị này sẽ có một số lượng lớn xe taxi phải ngừng hoạt động do niên hạn sử dụng đến 8 năm.

"Trong khi đó, số lượng ô tô chạy thí điểm hợp đồng điện tử (Grab, Uber) gia tăng nhanh. Nếu phải thay mới ngay phương tiện thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn", ông Duy cho biết.

Cũng về vấn đề niên hạn taxi, theo đại diện của Taxi Hương Lúa, đơn vị này đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Taxi Hà Nội, kiến nghị việc xin gia hạn niên hạn xe thêm 12 tháng để "đảm bảo quyền lợi trong hoạt động kinh doanh taxi".

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình cho biết đơn vị này đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị xin gia hạn niên hạn xe của các hãng taxi ở Thủ đô.

"Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Bộ GTVT và Hà Nội về việc gia hạn niên hạn xe thêm 12 tháng trong thời gian tạm thời chờ Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 cùa Chính phủ được sửa đổi và ban hành", ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Đỗ Quốc Bình, hiện các doanh nghiệp taxi ở Hà Nội có số lượng lớn xe taxi sản xuất từ năm 2010 không tính thời điểm sản xuất là đầu năm hay cuối năm và chỉ được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu hoạt động taxi đến hết ngày 31/12/2017.

"Những xe taxi sản xuất đầu năm 2010 có niên hạn sử dụng là 8 năm nhưng những xe sản xuất cuối năm 2010 chỉ có niên hạn sử dụng là 7 năm.

Điều này đồng nghĩa với việc theo quy định thì hàng ngàn chiếc xe taxi của các doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động để chờ đâu tư mới thay thế các xe hết niên hạn và hàng ngàn lái xe taxi sẽ bị mất việc", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói.

Theo ông Bình, hiện các doanh nghiệp taxi truyền thống ở Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các loại hình xe hợp đồng điện tử như Grab, Uber. Chiếu theo quy định, cuối năm 2017, các đơn vị taxi truyền thống sẽ khó khăn hơn nếu 20-30 % xe hết niên hạn chưa có điều kiện thay mới.

"Ở nước ngoài không có quy định năm sử dụng với xe ô tô dưới 9 chỗ mà niên hạn liên quan đến phụ tùng xe.

Theo tôi, nếu có quy định thì nên tính toán dựa trên số km xe chạy. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ tự đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng trong kinh doanh để phục vụ và thu hút khách", ông Bình nhấn mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết Quyết định 24 (Thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) có quy định về niên hạn xe đối với Uber, Grab và 8 đơn vị tham gia thí điểm.

"Xe tham gia thí điểm theo Quyết định 24 có niên hạn không quá 8 năm. Về kiến nghị của các đơn vị taxi, chúng tôi mới nhận được và đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan", ông Thủy cho biết.

Di Linh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: