Sự kiện hot
2 năm trước

Khoa Phát thanh và Truyền hình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đào tạo hơn 15.000 nhà báo chuyên ngành phát thanh, truyền hình

Vừa qua, ngày 6/9, Khoa Phát thanh và Truyền hình đã tổ chức Hội thảo “Khoa Phát thanh và Truyền hình - Dấu ấn đỏ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ cho nền báo chí cách mạng Việt Nam”. Tính riêng về cử nhân, Khoa đã đào tạo hơn 15.000 nhà báo chuyên ngành phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử.

Hội thảo “Khoa Phát thanh và Truyền hình - Dấu ấn đỏ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ cho nền báo chí cách mạng Việt Nam”.

Hướng đến Kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng thời tổng kết chặng đường vừa qua và tiếp tục đề ra chiến lược, định hướng phát triển trong thời gian tới. Tại Hội thảo, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng Khoa Phát thanh và Truyền hình đã chia sẻ về chặng đường hình thành và phát triển của Khoa.

Năm 1979, Khoa chính thức được thành lập, phát triển từ Tổ Phát thanh - Truyền hình thuộc Khoa Báo chí đã được thành lập năm 1962. Theo đó, Khoa là cơ sở đầu tiên đào tạo đại học chính quy 2 chuyên ngành phát thanh và truyền hình trong cả nước. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, năm 2003, Khoa đã mở thêm chuyên ngành báo mạng điện tử.

Không chỉ đào tạo các chuyên ngành phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, quay phim theo hướng vừa chuyên sâu vừa tích hợp kĩ năng để đảm bảo thích ứng rộng, Khoa đã phát triển 2 chuyên ngành báo chí chất lượng cao là truyền hình chất lượng cao và báo mạng điện tử chất lượng cao.

Tính riêng về cử nhân, Khoa Phát thanh và Truyền hình đã đào tạo hơn 15.000 nhà báo chuyên ngành phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Bên cạnh đó, Khoa còn tổ chức đào tạo 2 chuyên ngành cao học thuộc ngành Báo chí học là: Cao học Phát thanh, truyền hình và Cao học Quản lý phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử.

Đại biểu và sinh viên tham dự Hội thảo “Khoa Phát thanh và Truyền hình - Dấu ấn đỏ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ cho nền báo chí cách mạng Việt Nam”.

Trưởng Khoa Phát thanh và Truyền hình chia sẻ: “Học viên tốt nghiệp từ Khoa có đủ năng lực để đáp ứng được công việc ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác nhau như cán bộ nghiên cứu, giảng dạy báo chí - truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu; phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim truyền hình, người dẫn chương trình… trong các cơ quan báo chí”.

Khoa Phát thanh và Truyền hình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi ươm mầm nguồn nhân lực cho nền báo chí nước nhà.

Đặc biệt, nhiều cựu sinh viên Khoa Phát thanh và Truyền hình đã trở thành những nhà lãnh đạo uy tín trong các cơ quan báo chí - truyền thông từ trung ương đến địa phương; nhiều người trở thành những giảng viên ưu tú, nhà nghiên cứu báo chí; những nhà báo có tâm, có tầm... với những giải thưởng báo chí danh giá trong nước và quốc tế.

Hiện nay, Khoa đã áp dụng và tiếp tục phát triển chương trình đào tạo tích hợp, bổ sung những môn học, cập nhật tri thức, kĩ năng mới. Trước sự thay đổi của báo chí dưới tác động của công nghệ và môi trường truyền thông số, Khoa Phát thanh và Truyền hình đã có những điều chỉnh để thích ứng với thực tiễn; đồng thời xây dựng và triển khai các môn học mới như: Môn báo chí dữ liệu, báo chí trên điện thoại di động, tổ chức sản xuất siêu tác phẩm báo chí, báo chí và truyền thông xã hội…

Chương trình đào tạo cũng được đổi mới theo hướng trang bị cho sinh viên những kiến thức vừa đủ rộng vừa chuyên sâu, đáp ứng được môi trường báo chí - truyền thông thay đổi liên tục. Với việc học lý thuyết gắn liền với rèn luyện kĩ năng tác nghiệp trên nền tảng số, sinh viên đã được thỏa sức sáng tạo trong mô hình các Câu lạc bộ nghề nghiệp hoạt động như những mô hình tòa soạn thu nhỏ./.

Sơn Thủy/KTĐU

Từ khóa: