Sự kiện hot
10 năm trước

Khởi sắc và “khôn ngoan” hơn

Thị trường BĐS đang ấm dần lên trông thấy. Các giao dịch thành công không chỉ còn ở phân khúc nhà diện tích nhỏ, giá phải chăng mà bắt đầu lan sang các phân khúc khác.


Thị trường BĐS đang ấm dần lên. (Ảnh minh họa)

Ấy là kết quả cộng hưởng của nhiều yếu tố có tính tất yếu của một thị trường vốn rất hấp dẫn nhưng khá đỏng đảnh này.

Ở tầng vĩ mô, ngoài sự hỗ trợ bằng “tiền tươi thóc thật” từ gói 30 nghìn tỷ đồng, Nhà nước đã có hàng loạt chính sách tích cực nhằm dọn dẹp bớt những ngáng trở trên con đường Tiền - Hàng - Tiền trên thị trường.

Mới đây, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã có văn bản chỉ định 8 ngân hàng (gồm BIDV, Agribank, Vietinbank, VNCB, VCB, SHB, Lienviet Post Bank và MHB) thực hiện thí điểm sản phẩm liên kết 4 nhà với mục đích đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho BĐS và VLXD.

Với chương trình này, các DN có nợ quá hạn có thể vay vốn, giúp các dự án dở dang tiếp tục được triển khai, hoàn thành tiến độ, tạo ra 5 yên tâm trong xây dựng cơ bản: Yên tâm cấp tín dụng, yên tâm đầu tư, yên tâm thi công, yên tâm cung ứng vật liệu và góp vốn.

Cùng với đó, NHNN cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01, hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, nhà ở xã hội cũng được thế chấp nếu thuộc dự án đầu tư xây dựng được cấp giấy chứng nhận hoặc đã có quyết định giao đất…

“Đói đầu gối phải bò”. Vì bản năng sinh tồn mà các DN trên thị trường BĐS cũng đã có những cuộc “giải phẫu” chính mình, cấu trúc lại chiến lược kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giảm giá bán và có những bước đột phá hầu như chưa có tiền lệ. Ví dụ vừa rồi, Tập đoàn sản xuất VLXD Thiên Thanh đã liên kết cùng Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đưa ra sáng kiến tạo “gói” tín dụng 10 nghìn tỷ đồng cho người dân TP.HCM vay xây, sửa chữa nhà với lãi suất không quá 9% trong năm đầu tiên…

Cứ mỗi người mỗi chân mỗi tay, thị trường ấm dần lên là điều dễ hiểu.

Có ý kiến cho rằng sự khởi sắc của thị trường BĐS lần này đang nằm trong một chiến lược phát triển tổng thể khôn ngoan hơn, từ tầng vĩ mô đến vi mô.

Các chính sách liên quan được soạn thảo ngày càng chặt chẽ hơn nhưng sát với cuộc sống hơn, dễ thực thi hơn; có thí điểm, có triển khai đại trà.

Các nhà đầu tư và người có nhu cầu thực về nhà ở cũng “tỉnh” dần sau những bài học quý báu phải trả giá.

Âu cũng là điều đáng mừng và có thể tự an ủi rằng “trong cái mất có cái được”.

Nguyễn Hoàng Linh
theo Xây Dựng

Từ khóa: