Sự kiện hot
12 năm trước

Kim Các tự – thấy đền muốn đốt?

Biết Kim Các tự ở Kyoto, Nhật thực lâu nhưng rồi tôi mới nhìn thấy nó tận mắt vào một chiều đầu tháng 4, nắng vàng đục và ngôi đền soi bóng thật nhạt trên mặt Kính Triều trì, khiến người ta không thể cảm nhận suốt vẻ đẹp của nó.

Biết Kim Các tự ở Kyoto, Nhật thực lâu nhưng rồi tôi mới nhìn thấy nó tận mắt vào một chiều đầu tháng 4, nắng vàng đục và ngôi đền soi bóng thật nhạt trên mặt Kính Triều trì, khiến người ta không thể cảm nhận suốt vẻ đẹp của nó.

Cái đẹp

Con Phượng hoàng trên nóc nhà đang sãi cánh bay không phải trong không gian mà là trong thời gian mấy trăm năm.

Thuở mới lớn, tôi được một cô bạn cho mượn cuốn Kim Các tự của nhà văn mà nước Nhật coi là Samurai cuối cùng – Yukio Mishima (三島由紀夫 – Tam Đảo Do Kỉ Phu). Có lẽ tôi đọc vào thời gian khoảng năm năm sau khi Yukio tự sát theo nghi lễ hiệp sĩ đạo Harikiri, để phản đối Chính phủ Nhật vào ngày 25.11.1970.

Cuốn truyện lấy bối cảnh thời chiến tranh và không bao lâu sau khi nước Nhật đầu hàng. Nhân vật đốt chùa theo hư cấu của Yukio là tu sĩ Mizoguchi – một người mắc bệnh cà lăm, luôn luôn sống thụt vào bên trong sâu thẳm của mình để cho nỗi cô đơn của ông ngày càng béo phì như ngôn ngữ mà Yukio biểu đạt.

Tôi cảm nhận vẻ đẹp của Kim Các tự qua biểu đạt ba chiều của Yukio – hai chiều của không gian ngôi đền và một chiều theo tâm thức của tu sĩ Mizoguchi. Và cũng cảm nhận được lý do đốt Kim Các tự của ông.

Theo một tư liệu được Yukio dẫn về “nhân thân” của Kim Các tự (bản dịch của Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh, NXB An Tiêm): “Ashikaga Yoshimitsu (1358 – 1408) được gia đình Saionji nhượng lại Bắc sơn điện và biến nó thành một biệt thự rộng lớn. Những toà kiến trúc chủ yếu là Xá Lợi điện, Hộ Ma đường, Sám Pháp đường và Pháp Thuỷ viện xây dựng theo kiến trúc Phật giáo cùng Thần điện. Công Khanh gian Hội Sở, Thiên Kính các, Truyền điện và Khán Tuyết đính theo lối kiến trúc có quan hệ với các trú xá. Xá Lợi điện là kiến trúc được xây dựng cẩn thận nhất và về sau được gọi là Kim Các tự. Thực khó mà xác định nó đã mang cái tên này lần đầu tiên vào lúc nào, nhưng có vẻ sau cuộc biến loạn Ojin (1467 – 1477). Trong thời đại Bummei (1469 – 87) tên này được phổ biến và trở nên thông dụng.

“Kim Các tự là một kiến trúc ba tầng hình tháp nhìn xuống một uyển trì (Kính Triều trì). Có lẽ đã được hoàn tất vào khoảng năm thứ năm đời Oei (1389). Hai tầng dưới được xây theo kiểu tẩm điện với lối kiến trúc cổ truyền và có những cánh cửa chớp có thể xếp lại, nhưng tầng thứ ba là một căn phòng sáu thước vuông xây theo kiểu Thiền đường thuần tuý của nhà Phật ở giữa có sạn đường hộ, hai bên phải và trái có hoa đầu song. Mái lợp bằng vỏ cây trắc bách diệp dựng theo kiểu bảo bình, bên trái có một con chim phượng hoàng bằng đồng thau đứng cao chót vót. Điếu điện với cái mái nhấp nhô vươn ra ngoài đối diện cái ao làm cho các kiến trúc chung quanh bớt phần đơn điệu. Mái Kim Các tự làm bằng gỗ mịn thoai thoải dốc xuống. Đường nét kiến trúc vừa nhẹ nhàng vừa đẹp đẽ. Đó là một kiệt tác phẩm của lối kiến trúc đình viên, điều hoà hai lối trú xá và Phật đường. Như thế ngôi thần điện này đã biểu lộ thị hiếu của Ashikaga Yoshimitsu, con người từng hết lòng thâu nhập văn hoá Hoàng triều và diễn tả trung thực khí vị của đương thời.

“Sau khi Yoshimitsu qua đời, theo di mệnh của ông, Bắc Sơn điện được biến thành một Thiền sát và được gọi là Lộc Uyển tự. Sau đó, những kiến trúc này được chuyển đi nơi khác hoặc bị bỏ mặc cho hoang phế. May mắn là còn lại Kim Các tự…”

Cái ác

Tiểu thuyết Kim Các tự của Yukio tiên sinh dựa trên cái nền thời sự và các sự kiện thực xảy ra ở Nhật vào cuối những năm 40 và những năm 50 của thế kỷ trước. Kim Các tự, theo tài liệu để lại, bị đốt vào năm 1950 và phiên bản hiện nay là phiên bản xây dựng vào năm 1955.

Vào một ngày trốn ra khỏi đền đi lang thang về phía biển, nhân vật xưng tôi tên Mizoguchi đến ngồi ở một nơi yên ả. Những lúc như thế sự tàn ác trỗi dậy nơi con người.

Nhưng cái thiên nhiên hoang lạnh trước mắt tôi nay lại mơn trớn lòng tôi, xoắn xuýt thân mật với cuộc sống của tôi hơn bất cứ một bãi cỏ nào vào một buổi chiều xuân. Ở đây tôi có thể tự túc. Ở đây tôi không bị bất cứ cái gì uy hiếp hết cả”.

“[...] Và đây là cái tưởng niệm (tàn ác) đang bao trùm thân tôi: “Ta phải hoả thiêu Kim Các tự” Mizoguchi đã suy nghĩ: [...] Một mặt, có một ảo tưởng về sự bất tử thoát ra từ dáng vẻ khả diệt của nhân gian; mặt khác, vẻ đẹp dường như bất hoại của Kim Các tự lại làm cho nhân gian thấy được khả năng tiêu diệt chính ngôi chùa ấy. [...] Chẳng thể làm sao mà tuyệt trừ tận gốc những sinh vật có sống có chết như con người, nhưng những sự vật bất diệt như Kim Các tự thì lại có thể bị tiêu diệt. Tại sao chưa ai nhận ra điều này nhỉ? Không ai có thể nghi ngờ tính chất độc sáng trong kết luận của tôi cả”.

Và: [...] Ngày ấy đã đến. Mồng một tháng bảy năm Chiêu Hoà thứ 25 (1950). Như tôi đã nói trước đây không có một dấu hiệu nào cho thấy bộ máy báo cháy sẽ được sửa chữa suốt ngày hôm ấy [...] (chương 10)”.

Ngôi đền bị đốt. Mizoguchi bỏ chạy vì khói ngộp sau khi tông cửa lên tầng ba thất bại. Lúc đó ông muốn sống: “Tôi muốn sống”.

Ngữ Yên
Theo SGTT

Từ khóa: