Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam cho biết, kim ngạch cá tra cả năm sẽ giảm 15% so với năm 2022, đạt 2,0 tỉ USD.
Tại Hội nghị “An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra” được tổ chức tại TP Cần Thơ, Ông Lê Bá Anh, Cục phó Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết sản phẩm cá tra Việt Nam được xuất khẩu (94%) sang hơn 140 thị trường trên thế giới, các thị trường chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin, ASEAN.
Kim ngạch năm 2022 đạt 2,44 tỉ USD tăng 51,5% so với năm 2021. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu chỉ đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Số lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo trong 7 tháng đầu năm đã giảm 89% so với cùng kỳ, chỉ có 7 lô hàng bị cảnh báo (ở Brazin và Nga) về chỉ tiêu chất lượng (nhiệt độ bảo quản, nhãn), vi sinh (TPC, Coliform).
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - Tô Tường Lan, dựa vào tình hình 7 tháng của năm 2023, chưa có dấu hiệu phục hồi nào rõ ràng cho thị trường xuất khẩu cá tra những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, đại diện VASEP cũng đánh giá, chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho sự phục hồi trong những tháng tiếp theo khi đơn đặt hàng vẫn còn rất chậm tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm là Mỹ và Trung Quốc; chưa có dấu hiệu để kỳ vọng sự bật dậy của thị trường trong quý 3 và quý 4 năm nay.
Về giá xuất khẩu, mặc dù đã có tín hiệu cho thấy xuất khẩu cá tra của Việt Nam được cải thiện trong quý II so với quý I, nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn đi ngang hoặc có chiều hướng giảm.
Cụ thể, trong tháng 6, giá cá tra trung bình sang thị trường Mỹ chỉ đạt 3,5 USD/kg, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 4% so với tháng 5. Tương tự, giá cá tra trung bình tại thị trường Trung Quốc đạt 2,2 USD/kg, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 5% so với tháng 5/2023.
Bên cạnh tình hình xuất khẩu sụt giảm, vấn đề an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến cá tra cũng đáng lo ngại. Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số cơ sở nuôi còn phát hiện sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong trong nuôi cá tra và không được xử lý triệt để; một số cơ sở duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa tốt.
Tình trạng lạm dụng phụ gia, mạ băng dẫn đến giảm uy tín sản phẩm tại một số thị trường nhập khẩu (Brazil, EU); số cơ sở chế biến tự xây dựng chuỗi sản xuất, vận chuyển, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm chưa nhiều.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm ngành hàng cá tra nên tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng; xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Đồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh rà soát, khắc phục lỗi trong đảm bảo an toàn thực phẩm cần được tập trung thực hiện để chuẩn bị cho Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sang kiểm tra vào ngày 7/8.
Bên cạnh đó, đối với địa phương cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, phân phối thuốc thú y thủy sản cấm sử dụng; liên tục cập nhật, phổ biến về quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi.
Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Nam, các doanh nghiệp nên tăng cường thị trường Nam Mỹ, chuẩn bị nguồn hàng vào các thị trường đã cạn nguồn dự trữ, xây dựng chuỗi cung cung ứng đã đứt gãy do nguồn cầu thấp.
Tiến Hoàng/KTDU