Sự kiện hot
8 năm trước

Kinh doanh sách cũ: Thị trường rộng nhưng đầy mạo hiểm

ĐS&TD - Ở những cửa hiệu sách cũ, người mua có thể tìm cho mình những cuốn sách, báo, truyện tranh, tạp chí nghiên cứu… từ cổ chí kim đến vừa mới xuất bản cách đó chưa đầy một tuần lễ với giá rẻ. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao có rất nhiều người tìm đến hàng sách cũ…

Phố Đinh Lễ nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội từ lâu đã được coi là “thiên đường” của văn hóa đọc Hà Nội, là mảnh đất vàng cho các nhà xuất bản.

Trên đoạn đường dài chưa đầy 1km mà có đến hơn chục hiệu sách cũ thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, người lớn, kể cả các nhà nghiên cứu khi có nhu cầu tìm tai liệu cũ.

Và nét văn hóa được thể hiện ngay trong việc trao đổi, tìm mua sách mà cụ thể ở đây là giữa người bán với khách hàng cần mua. Hầu hết những người trực tiếp đứng bán sách cũ tại đây đều là những người rất “sành” về sách. Họ có thể liệt kê vanh vách những cuốn sách, gợi ý cho khách hàng tham khảo tùy theo mục đích và nhu cầu mỗi người. Có lẽ vì thế mà người mua đỡ tốn nhiều thời gian lật tung từng cuốn sách chỉ để tìm mỗi cuôn mình cần.

Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã quen thuộc với hình ảnh của những hàng sách cũ nằm tập trung ở các cung đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3), Trần Nhân Tông (Quận 5), Trần Huy Liệu (Quận Phú Nhuận),… hay rải rác khắp các hang cùng ngõ hẻm. Cô Kim- chủ hiệu sách cũ Kim Oanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Phố sách cũ này có cách đây gần 20 năm, riêng tôi là thế hệ thứ hai trong gia đình bán sách cũ hiện này”.

Có thể nói, đây chính là nét văn hóa của thành phố mà không phải tỉnh thành nào cũng có.

Nguồn cung kinh tế

Bà Đào Quế Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alphabooks) cho biết: "Sách cũ có nhiều dạng gồm sách cổ, sách xưa, sách đã xuất bản cách đây hàng chục năm nhưng chưa tái bản, và có cả những cuốn sách mới qua vòng đời 3 – 6 tháng nhưng đã được nhà xuất bản đưa vào diện sách cũ để tiếp tục chào đón sự ra đời của những cuốn sách mới khác...

Nhu cầu tìm mua sách cũ trên thị trường hiện nay khá cao. Có người tìm mua sách để phục vụ công việc, có người tìm mua sách chỉ để sưu tầm. Nếu không có thị trường sách cũ thì họ rất khó tìm được những cuốn sách đáp ứng nhu cầu của mình, đặc biệt là dạng sách khoa học kỹ thuật, sách chuyên ngành có số lượng bản in thấp, giờ trở thành hàng hiếm trên thị trường”.

Thời buổi kinh tế thị trường, vật chất leo thang, người tiêu dùng ngày càng trở nên thông minh trong việc sử dụng đồng tiền. Một thực tế dễ thấy là vào khoảng tháng 8, tháng 9 Dương lịch khi mùa khai giảng sắp bắt đầu thì hàng sách cũ bỗng trở nên nhộn nhịp hơn khi có những vị phụ huynh dẫn con em mình đi tìm sách cũ để mua. Thay vì tốn khoảng 300.000 đồng để mua bộ sách giáo khoa mới, người tiêu dùng có thể chỉ phải bỏ ra khoảng 100.000-200.000 đồng thì có thể mua một bộ sách giáo khoa còn mới dù đã qua sử dụng ở các cửa hàng sách cũ.

Đối với học sinh, sinh viên, các cửa hàng sách cũ chính là nguồn cung cấp chủ yếu cho nhu cầu đọc và nghiên cứu sách.

Thanh Tú - sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân, là khách hàng thường xuyên của những cửa hàng sách cũ- nói: “Năm ngoái luyện thi nên em thường mua sách hướng dẫn, sách ôn ở các hiệu sách cũ gần trường. Tuy sách có hơi cũ một chút nhưng kiến thức trong đó rất cần thiết. Đâu phải ai cũng có khả năng mua sách mới, nhất là sinh viên, học sinh ở tỉnh như tụi em”.

Bên cạnh sách thì những tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện tranh cũng được các bạn học sinh, sinh viên và các em thiếu nhi ưu ái. Truyện tranh thì thu hút phần lớn trẻ em.

Những bộ truyện tranh như Conan, Doremon, Nữ hoàng Ai Cập, Vua phép thuật… đầy rẫy trong các cửa hiệu mà giá thành so với sách mới chỉ bằng một nửa. Ngọc Anh, sinh viên ngành Biên dịch bày tỏ: “Tụi mình học biên dịch nên nhu cầu đọc rất lớn, nhất là các tiểu thuyết nước ngoài được dịch lại bằng Tiếng việt để học hỏi cách viết, bổ sung cách thức, phương thức dịch. Mà đâu phải ai cũng có khả năng mua hết tất cả các đầu sách? Do đó thay vì bỏ ra 300.000 đồng để mua một quyển tiểu thuyết mới, mình thường mua lại ở hiệu sách cũ với giá chỉ bằng một nửa”.

Ngành kinh doanh đầy rủi ro

Theo bà Đào Quế Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sách Alpha (Alphabooks), cho biết: “Hầu hết các nhà cung cấp sách cũ đều hoạt động theo kiểu “tay ngang”. Mục đích bán sách của họ là muốn tạo cơ hội vàc cầu nối cho những cuốn sách tốt gặp được những người cần sách, yêu sách”.

Những người kinh doanh sách cũ đa phần hoạt động tay ngang, xuất phát từ đam mê và lòng yêu sách. Ban đầu, họ chỉ là những cá nhân say mê sách, từng bỏ rất nhiều tâm sức để tìm kiếm những cuốn sách cũ cho mình, rồi sau đó thấy tiềm tàng khả năng kinh doanh thì đứng ra lập những cửa hàng sách cũ lưu động nhỏ trên mạng hoặc cửa hàng bán trực tiếp cho những người có nhu cầu. Hoạt động kinh doanh sách cũ đa phần có tính bột phát, không đứng dưới sự quản lý của một doanh nghiệp hoặc cơ quan chủ quản nào.


Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà tại một cửa hàng sách cũ ở TP HCM. Ảnh: Dân trí

Việc kinh doanh sách cũ không chỉ đòi hỏi niềm đam mê sách mà còn yêu cầu những người chấp nhận cuộc chơi phải có nhiều thông tin và phải dám chịu rủi ro.

Điều đầu tiên khi quyết định kinh doanh sách cũ là phải có một nguồn cung cấp sách phong phú, đa dạng và ổn định. Do đó, khi dấn thân vào con đường kinh doanh này, điều cần thiết với những người buôn sách cũ là phải thạo tin để biết được nơi nào chuẩn bị thanh lý sách, bán sách cũ.

Theo đó, nguồn cung lớn nhất cho các hàng sách cũ là những người thu gom ve chai rải khắp các khu phố từ trung tâm ra đến các huyện thị. Theo lời một người chủ cửa hàng sách cũ thì lực lượng này cung cấp cho các cửa hàng sách cũ khoảng 60% số lượng sách, báo. Ngoài ra, những hàng sách báo cũ còn được mua trực tiếp từ các thư viện thanh lý hoặc do người bán mang đến. Chị Tâm- một người thu mua ve chai tại quận Hoàng mai cho biết:” Thường thì chúng tôi mua sách báo cũ từ các gia đình. Sách báo được cân ký, sau đó, phân loại ra bán lại cho các tiệm sách báo cũ để kiếm lời”. Cái “lời” mà chị nói thường không ổn định, chị bộc bạch:” Nếu may, gặp những cuốn sách quý thì mình bán được giá cao một chút. Tuy nhiên, những hàng sách, báo cũ họ cũng thường hay ép giá”.

Sách thanh lý của thư viện là nguồn cung thứ hai của hàng sách cũ. Những người kinh doanh sách cũ phải ôm cả gói hàng thanh lý của thư viện gồm hàng chục tấn sách, dù giá bán tương đương với giá bán ve chai, nhưng tính tổng tiền đầu tư cũng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu. Sau đó, phải ngồi lọc từ hàng chục tấn sách đó để tìm ra những cuốn sách có thể quay vòng, số còn lại thì tiếp tục bán lại cho những người buôn phế liệu, đồng nát.

Sau khi có được nguồn sách, người kinh doanh sách cũ lại phải chấp nhận “đọng vốn” để chờ người đến mua những cuốn sách cũ đó. Tuy nhiên, việc đầu tư này khá mạo hiểm vì sách, báo là loại vật liệu dễ cháy hoặc dễ hỏng khi ẩm mốc, đặc biệt là với những bản sách xưa, đã có tuổi đời hàng chục, thậm chí trăm năm. Giấy cũ ố màu, mất chữ.... là những chuyện thường xuyên gặp phải đối với sách cũ.

Nhìn chung, công việc kinh doanh sách cũ khá vất vả và mất nhiều công sức. Nếu không có niềm đam mê sách thì khó có thể làm được.

Linh Thùy

Từ khóa: