Sự kiện hot
12 năm trước

Kinh tế Mỹ khủng hoảng vì sinh viên?

Cho sinh viên vay tiền đi học là đang "bẫy" hàng triệu người Mỹ trẻ tuổi rơi vào vòng xoáy nợ cao và cơ hội việc làm rất thấp mà một số người sẽ không bao giờ thoát ra được.

Cho sinh viên vay tiền đi học là đang "bẫy" hàng triệu người Mỹ trẻ tuổi rơi vào vòng xoáy nợ cao và cơ hội việc làm rất thấp mà một số người sẽ không bao giờ thoát ra được.

Theo thống kê mới nhất, hiện có khoảng 260.000 sinh viên Mỹ ra trường với hoá đơn nợ lên tới hơn 40.000 USD mỗi sinh viên, gấp 9 lần so với năm 1996.

Vậy thực hư việc vay nợ của sinh viên Mỹ nghiêm trọng đến đâu? Liệu có thể có một cuộc khủng hoảng như khủng hoảng thế chấp đã xảy ra trước đây?

Sống để trả nợ

Beth OConnell hiện sống cùng bạn trong một căn hộ chung cư cách trung tâm Boston hơn 20km, hằng tháng hai người chia sẻ tiền thuê nhà 900 USD. Hằng tháng Beth phải thanh toán tiền trả góp mua ôtô 250 USD/tháng, bảo hiểm ôtô 200 USD/tháng và các khoản chi phí khác. Nhưng khoản nợ đau đầu hơn là khoản nợ 20.000 USD tiền học phí Beth vay để học đại học tại ĐH Boston 3 năm trước cùng khoản nợ 6.000 USD trong thẻ tín dụng

Mỗi tháng, cô phải trả 175 USD tiền lãi của khoản 20.000 USD kia, trong vòng 20 năm. "Tôi vẫn còn phải trả 17 năm nữa", Beth thở dài.

 Cho sinh viên vay tiền đi học là đang "bẫy" hàng triệu người Mỹ trẻ tuổi rơi vào vòng
xoáy nợ cao và cơ hội việc làm rất thấp mà một số người sẽ không bao giờ
thoát ra được.

"Đôi khi chuyện này làm tôi cực kỳ khủng hoảng. Như một vòng tròn không bao giờ chấm dứt. Tôi sống theo từ hoá đơn này đến hoá đơn khác”, Beth tâm sự.

Giống như nhiều gia đình trung lưu khác, Cortney Munna và mẹ mình đã bắt đầu quá trình chọn trường ĐH với một quyết tâm ảm đạm. Họ muốn làm bất cứ việc gì để có thể vào được trường ĐH tốt nhất nhưng lại đối mặt với một tương lai mù mờ, không biết sự đầu tư của mình có đáng hay không. 

Đó là chuyện của 8 năm trước, giờ đây, cô Munna, 26 tuổi, tốt nghiệp ĐH New York nhưng lại phải đối mặt với khoản nợ 100.000 USD cho bốn năm học ĐH và việc trả nợ hàng tháng đối với cô quả là một thử thách. Kể từ khi tốt nghiệp năm 2005, Munna đã theo học thêm một khoá buổi tối, cho phép cô trì hoãn hạn trả nợ.

Không giống các dạng "hỗ trợ tài chính" (financial aid) như học bổng chính phủ hoặc học bổng của các tổ chức, cá nhân lớn, các khoản vay nợ để học đại học của sinh viên phải được thanh toán kèm lãi.

Các khoản vay nợ cho sinh viên đóng vai trò rất lớn trong nền giáo dục đại học Mỹ. Ở hầu hết các nước phát triển, giáo dục đại học gần như miễn phí, hoặc bao cấp phần lớn, thông qua doanh thu từ thuế. Tuy nhiên ở Mỹ, chi phí học đại học không được bao cấp hay hỗ trợ, sinh viên và gia đình họ phải tự trang trải. Nhiều khi học đại học ở Mỹ được xem như một cuộc đầu tư nhiều hơn là "quyền cơ bản của con người". Kết quả là, sinh viên Mỹ thường tốt nghiệp với một núi nợ.

Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp lâu dài bởi lãi suất vẫn tiếp tục chồng chất. “Tất cả những gì tôi có thể thấy là trường ĐH, một trường ĐH tốt và tôi sẽ rất tự hào về con gái mình. Tất cả những gì chúng tôi cần là vào được ĐH và xin được việc làm tốt. Mẹ tôi đã cố gắng rất nhiều và tôi không đổ lỗi cho bà vì điều này”, cô Munna cho biết.

Trong khi đó, nhiều trường đại học tuyển sinh viên vào học mà không yêu cầu chứng minh tài chính xem liệu sinh viên có thể trả được học phí hàng năm theo quy định hay không. Thay vào đó, những trường này lại giới thiệu sinh viên tới những nơi có thể vay mượn khác.

“Đã không có một ai nói với tôi rằng tương lai sẽ ảm đạm nếu tôi tiếp tục vay nợ. Lời nói có thể hơi phũ phàng nhưng đó là sự thật cần thiết đối với tôi. Khi văn phòng hỗ trợ tài chính của trường nói rằng tôi có thể vay thêm 2.000 USD, họ cũng nên cảnh tỉnh là tôi đã dấn khá sâu vào con đường nợ nần”, Munna chia sẻ.

Về phía các ĐH, tư vấn cho sinh viên dường như không phải là nhiệm vụ ưa thích của họ. Randall Deike, Phó chủ tịch ban quản lý đầu vào của ĐH New York, cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều này là hoàn toàn không thích hợp. Nhiều gia đình sẽ làm tất cả mọi thứ để cho con trai, con gái họ học ở trường tốt nhất. Tôi không chắc vay tiền học là một quyết định đúng đắn nhất nhưng về vấn đề này, họ phải tự quyết định lấy”.

Tình trạng này đã dẫn đến một xu hướng ngày càng gia tăng, đó là việc sinh viên trở nên thiếu tự tin và chọn những trường có mức học phí thấp hơn hoặc bỏ học giữa chừng. “Những thành viên phòng hỗ trợ sinh viên cũng muốn giữ công việc của mình. Nếu như ban lãnh đạo trường biết được rằng bạn đang khuyến khích sinh viên tìm một ngôi trường rẻ hơn chỉ vì bạn nghĩ rằng họ không thể giải quyết được khoản nợ học phí thì tôi cho rằng ban lãnh đạo sẽ không hài lòng”, Joan H. Crissman, Quyền chủ tịch Hiệp hội Quản lý Hỗ trợ Tài chính Sinh viên Quốc gia, khẳng định.

Thế chấp tương lai?

Nhiều ý kiến gay gắt cho rằng, ngay ở trên đất Mỹ, một thế hệ người trẻ đang phải thế chấp cả tương lai của mình để có được tấm bằng đại học. Cơ hội để họ có thể trả hết khoản vay đi học đai học ngày càng thu hẹp khi học phí ngày càng tăng, thị trường lao động eo hẹp và mức lương trung bình, đặc biệt đối với người trẻ mới ra trường có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, vay nợ có thể khiến cho người trẻ gặp khó khăn trong việc thiết lập cuộc sống, đặc biệt trong tình hình khó khăn như hiện nay. Tỷ lệ những người có bằng đại học thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 ở mức 8,1% trong tháng 2/2012, tăng 4,6% so với 4 năm trước đây. Nhiều sinh viên cho rằng họ không thiếu việc làm trầm trọng.
"Mắc nợ từ thời sinh viên có thể khiến cuộc sống của một người gặp nhiều khó khăn", Lauren Asher, chủ tịch Dự án Nợ sinh viên giải thích.

Chính vì thế đã từng có những ý kiến cho rằng, chính phủ Mỹ nên ngay lập tức giải quyết vấn đề nợ của sinh viên khi thấy chính quyền của TT Obama không coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Adam Levin, Chủ tịch và đồng sáng lập Credit.com và Indentity Theft 911cho rằng, có lẽ chương trình cho sinh viên vay tiền học của Chính phủ liên bang nên hạn chế hơn nữa khoản vay, thay vì cho sinh viên vay toàn bộ chi phí học đại học. Đó có thể là mức tối thiểu, mức trung bình, khoảng 15,000 USD. Theo đó, sinh viên có thể tìm những nguồn vay khác nếu họ chọn học những trường đại học đắt hơn.

Vay tiền học đại học liệu sẽ là một cuộc thế chấp tương lai hay đầu tư thông minh
với người Mỹ trẻ tuổi?

Hoặc có những người khác có ý kiến, thay vì dễ dàng cho sinh viên vay tiền đi học, chính phủ có thể có cách "trao đổi" hợp lý hơn. Thanh niên Mỹ sau khi học xong trung học, vào phục vụ trong quân đội một vài năm sẽ nhận được hỗ trợ hoặc cho vay đi học đại học. Đây không phải là ý tưởng mới nhưng cũng không phải là ý tưởng tồi.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, đạo luật G.I.Bill (với những ưu đãi dành riêng cho cựu binh sau chiến tranh) đã gửi hàng triệu cựu binh Mỹ đến các trường đại học và trường dạy nghề trên nước Mỹ. Một số người được vay tiền, một số người được chi trả một phần, một số khác còn được chi trả toàn bộ học phí tham dự những trường trong top Ivy League. Và kết quả là, một thế hệ những người trẻ, giàu kinh nghiệm được đào tào trong lĩnh vực kinh doanh, kỹ sư, khoa học đã đưa nước Mỹ phát triển bền vững trong một thời gian dài nhất mà thế giới từng chứng kiến.

Đầu tư thông minh?

Tổng số nợ của sinh viên Mỹ hiện đã lên mức 1 nghìn tỷ USD, nhưng nhiều người vẫn cho rằng, không có gì phải quá lo lắng. Các chuyên gia cho rằng, phần lớn sinh viên vay nợ đều có một khoản nợ ở mức hợp lý và tổng số dư nợ không thể phá hủy nền kinh tế giống như khủng hoảng thế chấp trước đây.

"Tôi không nghĩ đây là bong bóng", Mark Kantrowitz, nhà quản lý Finaid.org, một trang web chuyên tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho biết. "Hầu hết sinh viên tốt nghiệp đạo học đều có khả năng thanh toán nợ".

Điều này không có nghĩa là việc các khoản nợ của sinh viên (hiện đã vượt quá khoản nợ thẻ tín dụng và nợ tự động) không phải là vấn đề cần quan tâm. Sinh viên vẫn tiếp tục nợ, trung bình hơn 1/4 sinh viên vay nợ chậm trễ trong việc thay toán nợ. Và các khoản nợ lớn có thể trì hoãn việc mua nhà hoặc mở công ty riêng của các sinh viên đại học.

Nhưng nếu nói vấn đề vay nợ của sinh viên đang trở thành cuộc khủng hoảng, hoặc bong bóng, thì là đang nói quá.
Dư nợ trong sinh viên đang tăng nhanh, vượt cả xu hướng vay nợ tiêu dùng đã giảm dần từ sau Đại Suy Thoái. Trong năm 2007, tổng số vay nợ của sinh viên vào khoảng 600 triệu USD.

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết, kỳ học mùa thu năm 2010, có 22 triệu sinh viên đại học và cao học theo học tại các trường đại học tại Mỹ. Hai năm trước đó, con số này chỉ là 19 triệu.

"Số lượng tuyển sinh tăng nhanh, nên dĩ nhiên, nợ cũng tăng", Baum cho biết.

Nhiều sinh viên đại học vay tiền cho việc học tập tại trường đại học, đặc biệt khi học phí tăng chóng mặt. Có đến 82% sinh viên đại học chính quy lần đầu tiên vay nợ trong năm học 2009-2010, tăng 76% so với 2 năm trước đó.
Số lượng vay nợ của họ cũng tăng. Finaid.org cho biết, năm học 2010-2011, trung bình một sinh viên vay nợ 27.200 USD, tăng 54% so với một thập kỷ trước.

Nhưng con số này bị chênh lệch do có một nhóm sinh viên vay nợ cao hơn mức trung bình. Họ chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp đại học đã vay nợ để theo học đại học và chưa trả được nợ trong vài năm. Chỉ 10% sinh viên vay nợ vay nhiều hơn 45.000 USD. 90% sinh viên mới vay nợ từ chính phủ liên bang và sinh viên có thể vay nợ tối đa 31.000 USD.

Theo Sandy Baum, nhà nghiên cứu tai ĐH Sư phạm, thuộc ĐH Geogre Washington cho biết, ngày càng có nhiều người theo học đại học. Đây cũng một phần do suy thoái kinh tế: Khi nhiều người mất việc, nền kinh tế bị xáo trộn, nhiều người chọn cách quay trở lại việc học hành để học các kỹ năng mới và củng cố CV của mình. "So với hậu quả của suy thoái, vay nợ trong sinh viên không phải là vô lý".

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) cũng cho thấy, những người lao động có bằng đại học có thể kiếm được hơn 650.000 USD so với những người chỉ có bằng trung học.

"Đó là khoản đầu tư kinh tế", Sarah Turner, Giáo sư kinh tế và giáo dục ĐH Virginia nhận định. "Không phải ai cũng làm được vậy, nhưng nói chung, đó là khoản đầu tư có lãi lớn".

Kantrowitz cho rằng, nợ trong sinh viên sẽ vẫn còn tăng trong năm tới, trước khi giảm nhiệt. Đó là vì nền kinh tế đang từ từ được củng cố và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm dần. 

Bảo Linh
Theo Vietnamnet

Từ khóa: