Sự kiện hot
10 năm trước

Lạ kỳ chiếc chuông xua đuổi kẻ xấu và những vận may khó tin của người dân trước “thần chết”

iều giai thoại Hà Giang bỗng “tự lớn” khiến kẻ xấu không thể thực hiện được tà tâm. Người dân làng có ngôi chùa này luôn được thần chết “né” một cách kỳ lạ và khó có thể giải thích được bằng các kiến thức khoa học.

Những may mắn khó tin, “thần chết” sượt qua

Thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, Vị Xuyên, Hà Giang được mệnh danh là vùng đất kỳ bí; hàng trăm trai làng ra đi phục vụ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc nhưng không ai phải nằm lại ở chiến trường.

Không cần là người có kiến thức, biết phong thủy nhưng khi đặt chân tới ngôi làng đặc biệt này người ta đều có những cảm nhận rất khó lý giải về những “xung đột từ trường”. Mùa hạ, nếu là người lạ, bước chân vào cổng làng sẽ cảm thấy sởn da gà còn mùa đông thì đột nhiên thấy ấm áp.


Trưởng thôn Làng Nùng nói về những may mắn kỳ lạ của làng mình

Làng Nùng dựa lưng vào núi Nùng, trước mắt là suối và cánh đồng rộng lớn, là nơi sinh sống của 154 hộ người dân tộc Tày.

Trưởng thôn Làng Nùng, ông Nguyễn Văn Khai cười khoe rằng: “Ngàn đời nay rồi, nhất là trong ba cuộc chiến gần đây là chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới nhưng chưa bao giờ làng tôi có người hy sinh ở chiến trường cả, mà chỉ có hai thương binh”.

Mỗi khi đất nước có chiến sự, cần chiến binh là thanh niên Làng Nùng nô nức lên đường. Họ đi vì đất nước và đi với một niềm tin là súng đạn sẽ loại trừ mình. Mà thực sự đã là như vậy. Ngay cuộc chiến tranh biên giới gần đây thôi, xã Đạo Đức, trong đó có Làng Nùng vốn nằm ở nơi bỏng rát của chiến sự. Thanh niên làng lên đường, vào tuyến lửa, trở về vẫn lành lặn và không có bất kì một chiếc giấy báo tử nào chuyển về làng, trong khi đó các ngôi làng lân cận thì liệt sỹ rất nhiều. Điều này đã được Phòng Lao động, Thương bình và Xã hội huyện Vị Xuyên xác nhận.

Anh Nguyễn Văn Thành, một chiến binh từ thời kháng chiến chống Mỹ, tái nhập ngũ những năm 1970 để sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia hào hứng  kể lại những lần thoát chết ngoạm mục ngoài chiến trường một cách khó lý giải. Anh Thành kể rằng sau gần 8 tháng dòng đơn vị của anh vận động đến gần sào huyệt cuối cùng của quân Pôn Pốt thì gặp sự chống cự ác liệt của đối phương. Vào giữa tháng 7 năm ấy, đang mải miết hành quân với đơn vị thì anh được giấy triệu tập quay về trong nước để đi học thông tin.

Anh Thành cho biết, lúc này đơn vị đang đồn trạm, theo giấy thì còn cả 20 ngày nữa anh mới có mặt và thừa sức để quay trở về. Vì nghĩa tình đồng đội, anh không lỡ chia tay anh em mà nán ở thêm một vài ngày nữa.


Chùa Sùng Khánh được coi là ngôi chùa thiêng bảo về dân Làng Nùng, đem lại những điều an lành

Nhưng sang ngày thứ 3, tự nhiên có cái gì đó nôn nóng, thôi thúc, nằm ngoài tầm kiểm soát và bắt anh phải chia tay cùng đồng đội và khoác ba lô lên đường về nước. Anh đi được 2 ngày, sang ngày thứ 3 anh rụng rời chân tay khi nghe thông tin cả đại đội anh đã bị sát hại. Do bất cẩn, Pôn Pốt đã đào hầm ngầm xung quanh nơi trú chân của đại đội. Sau đó chúng bật nắp hầm, dùng hỏa lực mạnh đánh úp và đã xóa sổ cả đơn vị của anh. Anh là người duy nhất của đại đội may mắn sống sót.

Theo cựu binh Nguyễn Văn Ho kể thì ngày chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Vị Xuyên là vùng đất phên dậu nên hầu hết nam thanh niên trong đó có anh cũng nô nức tòng quân, cầm súng bảo vệ quê hương. Anh Ho kể là chiến tranh biên giới khốc liệt, 6 tháng tấn công Hà Giang đã có 1.700 liệt sĩ các vùng miền trong đó có Hà Giang và các nơi kế cận Làng Nùng ngã xuống. Nhưng lạ thay, thanh niên Làng Nùng cũng không hề hấn một ai trong đó có cả anh.

Anh Ho nhớ nhất là đợt mình thoát chết trên đồi Cô Ích. So với chốt 1.509, Thác gọi hồn, Làng Pinh, Làng Lò thì đồi Cô Ích cũng là một điểm chốt bỏng rát của khu vực Thanh Thủy, Hà Giang. Hồi ấy, công binh dùng những thanh bê tông đã đúc sẵn, ban đêm khuân lên lắp thành hầm chữ A để từng tổ lính chốt lại.

Đêm ấy, pháo bên biên giới ít bắn sang hơn so với thường lệ. Vốn là người dân tộc, nghiện thuốc lào từ nhỏ, thuốc lào hết nên anh Ho rất thèm. Rồi cơn nghiện như có ai xúi bẩy dồn lên, bất chấp sự can ngăn của đồng đội cùng hầm, anh đã bò sang hầm bên cạnh để xin thuốc. Anh vừa bò đi được chục thước thì bỗng nghe cái rầm. Quay lại đã thấy căn hầm của mình và anh em dính trọng pháo, nát bươm. Và anh cũng là người hy hữu sống sót.

Chuông chùa tự lớn trước tà ý

Làng Nùng có ngôi chùa lạ là chùa Sùng Khánh. Bởi văn hóa người Tày không theo đạo, nên việc xuất hiện một ngôi chùa ở đây là một sự lạ.

Ngôi chùa này được người dân ở đây coi là chùa thiêng để bảo vệ tính mạng dân làng và chứa đầy huyền tích. Một số người già ở đây bảo sở dĩ có ngôi chùa như vậy là vào năm Bính Thân (1356) có một quan tướng nhà Trần đi thị sát biên giới có qua nơi đây.


Chuông chùa Sùng Khánh được cho là sẽ tự "lớn lên" nếu kẻ có tà ý định xâm hại

Gặp vùng đất có một không hai theo thế lưng dựa núi, phía trái có núi hình Rồng Chầu, phía phải có núi hình Hổ Phục, hướng đông có cánh đồng rộng và dòng suối trong “Thích Bích” chảy qua nên ông quan rất thích thú. Khi đi qua làng, gặp cây đa (chỗ xây chùa bây giờ) thì tự dưng các dễ đa đã quấn chặt chân ngựa của tướng quân nhà Trần này. Gỡ ra không được nên vị tướng quân ấy đành nghỉ lại. Đêm mộng thấy thần làng phán phải xây ở đây một ngôi chùa mới được bình an. Người tướng quân đã này đã dừng chân, lên duyên với một thục nữ có tên Nguyễn Ả và huy động dân chúng xây chùa, đúc chuông đồng và đặt tên là Sùng Khánh Nghiêm Tự.

Sau đó, trải qua thịnh suy thời cuộc, chùa Sùng Khánh bị hoang hóa, đổ nát, chỉ còn nền và chiếc chuông.

Chiếc chuông của chùa còn đến ngày nay cũng có nhiều chuyện kì bí. Chùa Sùng Khánh đổ nát, không ai chú ý, chiếc chuông này đã được nhiều người đưa vào tầm ngắm trong đó có những người buôn bán phế liệu. Người dân nơi đây bảo, chiếc chuông không nặng lắm (cao 0,9m, rộng 0,64m) ngày thường trẻ con của làng lên chơi vẫn vần được. Nhưng không hiểu sao, bất cứ một ai có mưu đồ đen tối như muốn lấy trộm, lấy cắp là chiếc chuông tự dưng to và nặng ra không thể vần và khuân được.

Ngày chùa chưa được xây dựng lại, người làng đã tận mắt chứng kiến cả chục tay thanh niên đạo chích to khỏe tìm lên chùa buộc thừng, xỏ đòn gánh định mang chuông đi nhưng không hề mang nổi. Lúc đó chiếc chuông tự nhiên to ra và nặng lên. Tiếc nhưng trước tình trạng đấy chúng đã đành bỏ lại.

Vào năm 1986, nghe ngôi chùa có chiếc chuông đồng, nên mấy tay buôn sắt thép phế thải miền dưới cũng mò lên. Vì khiêng không được, những tay hám của này định dùng cưa sắt để cưa chuông thành những mảnh nhỏ. Máy nổ uỳnh uỵch cả ngày nhưng không thể cưa được một vảy đồng của chiếc chuông. Dùng búa tạ đập cũng không vỡ.

Bất lực, toán đạo trích trên lên xe về và đã gặp một tai nạn thảm khốc khi vừa đi khỏi chùa khoảng 30km. Chính vì những lý do nửa thực nửa hư này nên hiện nay chùa Sùng Khánh có hai bảo vật là chiếc chuông, tấm văn bia vẫn còn mãi với thời gian và đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

H. Châu
theo Giadinh.net.vn

Từ khóa: