Sự kiện hot
11 năm trước

Lại chuyện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”

Cái chuyện “chạy” công chức, rồi công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hay “vắng 30% công chức” cũng không sao đã được dư luận bàn luận tơi tả từ năm cũ.

Cái chuyện “chạy” công chức, rồi công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hay “vắng 30% công chức” cũng không sao đã được dư luận bàn luận tơi tả từ năm cũ. 

Trong những ngày đầu năm mới này, câu chuyện đó lại được đặc biệt nhắc đến nhiều khi mà tình trạng “chùa thì đông, công sở vắng” đang diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. Một  câu hỏi cứ day dứt: Công chức là cái chức vị gì mà phải chạy, rồi cái việc chạy nó kéo dài bao nhiêu năm qua đã để lại những hậu quả thế nào cho đội ngũ đầy tớ của dân này? Bài viết này kể chuyện một bộ phận không nhỏ công chức “vắng cũng không sao”, chính họ đã làm cho hình ảnh cán bộ xấu đi trong mắt người dân.



Đầu năm linh thiêng ở các công sở

Sáng mồng chín tháng giêng, ngày đi làm đầu tiên ở các công sở trong cả nước, nền nếp đã có sẵn. Phần một, chúc Tết sếp và anh em trong sở. Liên hoan nhẹ một chút, thắp hương bàn thờ trong công sở, phân công vài người trực cơ quan lấy lệ và sau đó: Thẳng tiến đến các đền miếu chùa chiền đi lễ đầu năm. Chỉ mười giờ sáng, công sở đã vắng teo. Ở khắp các đền miếu chùa chiền bao nhiêu là nam thanh nữ tú bao nhiêu là trung niên, vãn niên sì sụp lễ lạy. Có người cam đoan với tôi là 90% người đi lễ hôm nay là công chức viên chức. Ngoài phòng tiếp dân cũng vắng teo, anh chàng công chức được phân công ở lại trực ngáp dài than phiền: Đã bảo ngày hôm nay không ai đến đâu. Thế mà cứ bắt trực. Điện thoại trong túi reo vang, toàn điện thoại nhậu. Tại các quán nhậu mở sớm, tại nhà một số công chức,  những tiếng hô dô…dô…dô vẫn rền vang. Cấp dưới bận đi chúc Tết  sếp trên. Các sếp lại bận chúc Tết sếp trên nữa. Cái chữ lễ phiền muộn này chắc còn làm mệt đến mấy hôm.

Vậy dân ở đâu trong mấy ngày này?

Thủ tướng Chính phủ và nhiều UBND các tỉnh đã ra lệnh cấm dùng xe công đi dự lễ hội. Nhưng những bức ảnh các báo chụp từ các lễ hội vẫn thấy đầy xe biển xanh ở các bãi gửi xe. Bao nhiêu chủ trương chống mê tín dị đoan đã được phổ biến đến từng công chức, viên chức vậy mà sáng mồng 9 khói lửa đốt vàng mã vẫn rực lên ở bao nhiêu công sở. Họ cầu ăn ra làm nên. Ăn ra đâu, làm nên cái gì thì chỉ họ biết.

Chúng tôi thử hỏi phỏng vần 20 công chức với câu hỏi: Anh chị phấn đấu vươn lên bằng cách nào? Câu trả lời thật buồn. Để vươn lên những vị trí cao hơn các công chức phải làm sao không vi phạm kỷ luật. Cách để không vi phạm, giữ được quan hệ là chọn việc dễ, tránh việc khó, tốt nhất là không làm gì. Không làm gì thì mắc khuyết điểm làm sao được. Thứ hai là phải xây dựng quan hệ tốt với các sếp, quan tâm, sẵn sàng phục vụ mọi ý muốn của các sếp, nếu các sếp không nói ra cũng cố đoán mà làm vừa lòng sếp, không chỉ các sếp trực tiếp mà cả các sếp gián tiếp, các sếp xa xa…Thứ ba là phải có tiềm lực tài chính. Không có cách nào xây dựng các mối quan hệ tốt hơn là bằng tiền, bằng các mối lợi vật chất. Câu nói nổi tiếng: Cái gì không mua được bằng tiền có thể mua được bằng…nhiều tiền hơn là câu nói nằm lòng với các công chức hiện nay. Thứ tư là tranh thủ mà học, hay mua cũng được mấy cái bằng cao học thạc sĩ, tiến sĩ…Không cần trình độ bởi việc lấy mấy cái bằng này cũng chẳng giúp gì cho việc nâng cao trình độ. Toàn nghiên cứu những đề tài vô vị không có tác dụng với đời sống cho nên cứ việc lên mạng chép rồi thuê người làm khác nguyên bản một chút là xong. Và thứ năm là trông cậy vào ơn trên, nghĩa là trông cậy vào thánh thần vào bà cô tổ, nghĩa là chăm đi lễ đền chùa… Không thấy bóng dáng của những lý tưởng cao đẹp, những khát vọng cống hiến trong kế hoạch của các công  chức trẻ này.

Dĩ nhiên 20 công chức trẻ mà chúng tôi phỏng vấn không thể đại diện cho toàn bộ hàng triệu công chức viên chức hiện nay nhưng không thể phủ nhận độ phổ biến của những quan niệm này trong đội ngũ công chức viên chức. Chính những toan tính của họ, dẫu có là hậu quả của nhiều sự buông lỏng quản lý, của sự băng hoại niềm tin, của những chính sách sai lầm cũng đã góp phần cho sự suy thoái lòng tin của nhân dân vào đội ngũ công chức viên chức nhà nước. Chúng ta hãy đi theo những toan tính này với hy vọng tìm thấy một phương thuốc, một cách thay đổi để giữ được cơ nghiệp cách mạng bền vững.

30% công chức không làm việc

“Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung, mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ. Cụ thể hơn chiều 29/1/2013, trả lời báo chí về con số này, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho hay, bộ máy hành chính có nhiều việc còn đáng bàn. Ngay trong mỗi cơ quan còn có người chưa phát huy hết khả năng của mình. “Tôi đã công tác qua nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Cơ quan nào cũng có người như vậy. Tôi đã nói chuyện với họ, nhưng họ đều rất khát khao được làm việc, được tạo điều kiện để làm việc, chứ không phải họ muốn ngồi không để ăn lương. Có trường hợp những người như vậy, trong lòng họ có khát khao cống hiến rất lớn”.Cũng theo ông Đam, ngay tại VPCP cũng có những chuyên viên làm cả thứ 7, chủ nhật mà không hết việc. Trong khi lại có những người rất nhàn rỗi. Có người lâu ngày không được làm việc nhiều thì kỹ năng bị hạn chế. “Ai cũng muốn cống hiến. Có người khát vọng cháy bỏng. Có người tỏ ra bức xúc, chán nản”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam bình luận.

Có lẽ về mặt hiện tượng thì Bộ trưởng đã đúng hoàn toàn, nhưng đánh giá cán bộ thì chưa chắc chắn đúng. Cơ hội để cống hiến không hề thiếu, chỉ có cơ hội thăng tiến thì ít ỏi và hầu như rơi vào tay những người có điều kiện và những kẻ cơ hội, chán nản cũng có phần đúng. Lớp nhà báo cũ như chúng tôi khi đi công tác về vùng sâu vùng xa, gặp những cán bộ địa phương có trình độ cực thấp, nhiều khi chữ quốc ngữ chưa thông nhưng vẫn quần quật lội rừng cắm bản để lo cho dân phát triển sản xuất, mỗi bữa có thêm bát cơm chống đói, khi về Hà Nội gặp những công chức sáng đến cơ quan một lúc rồi tụ tập đánh bài, trưa nhậu rồi lại tìm chỗ đánh bài nhưng luôn miệng than không được làm, muốn làm việc, chúng tôi không chịu được.

Còn một thực tế nữa, tại các đơn vị có đông người không muốn làm việc, chính các đối tượng này là lực lượng cản trở người muốn làm việc tốt, làm mất hưng phấn của những người muốn làm việc. Rất nhiều thủ trưởng muốn đưa họ ra khỏi biên chế cơ quan nhưng bất lưc. Một phần là thủ tục kỷ luật rất phức tạp, một lý do khác, nói như giám đốc một Bệnh viện ở Nam Định đã nói trong một cuộc họp trước đây: Tôi chưa đuổi nó ra được thì chú nó đã đuổi tôi rồi. Như một công dân mạng đã nói, hầu hết họ là những người có thế lực hoặc là con ông cháu cha. Chính việc khó khăn trong việc kỷ luật công chức, hoặc không khó bị kỷ luật nhưng lại liên tục được cho qua các lỗi đã mắc đi mắc lại nhiều lần đã làm cho nhiều công chức có thái độ lao động rất xấu, lười nhác, không tôn trọng kỷ luật, đi sớm về muộn…

Kiếm tiền bằng mọi cách

Lương công chức thấp, không đủ sống, nếu xem bảng lương ở các sở ban ngành, chúng ta càng ngạc nhiên tại sao người ta lại phải mất tiền, thậm chí mất nhiều tiền để chạy làm công chức. Nhưng gần gũi với giới công chức không ai ngạc nhiên về tài sản của họ thường lớn hơn so với người cùng trình độ khả năng với họ. Tại sao vậy? Câu trả lời đơn giản, làm công chức có nhiều cơ hội làm ra tiền, thậm chí làm ra tiền hợp pháp luật. Còn không hợp pháp thì cũng nhiều vô kể. Nhưng đa phần cách kiếm ăn hợp pháp của họ là phong bì tại các cuộc họp, phong bì cảm ơn, nhờ vả của người dân và doanh nghiệp, những ưu đãi do vị trí công tác của họ như mua nhà đất giá rẻ, ưu đãi với những doanh nghiệp đứng sau họ v.v…Tôi có cậu bạn học hành chẳng ra gì đành về làm công chức xã. Chẳng ai ngờ chỉ mới có một nhiệm kỳ, cậu ta đã mua xe, xây nhà lại còn mua được một miếng đất sát mặt đường liên xã…Tất cả là do một doanh nghiệp đến thuê đất lập cơ sở sản xuất ở xã. Để có thuận lợi trên địa bàn họ quan tâm đến các cán bộ địa phương…

Ngay ở những vùng xa vùng sâu, nơi công chức không có nguồn thu ngoài lương, mức sống của họ cũng cao hơn người dân khu vực. Xin nhắc, để làm lúa đơn thuần mỗi năm người lao động phía Bắc chỉ có thu nhập dưới 2 triệu đồng, thấp hơn lương tháng của một công chức.

Còn cách kiếm ăn vô đạo đức thì rất nhiều. Rất nhiều công chức bây giờ trở thành môi giới, môi giới đủ cả, từ chạy thủ tục hành chính, chạy dự án, chạy thầu đến chạy công chức, chạy án…miễn là có tiền. Hối lộ, tham nhũng là phổ biến ở nhiều quy mô khác nhau. Công chức thấp tham nhũng nhỏ, nhận hối lộ ít, công chức giữ chức vụ cao tham nhũng nhiều nhận hối lộ lớn. Đây chính là nguồn tạo ra những gia sản lớn của các công chức. Không thể biện minh cho những tài sản của các công chức trong khi lương công chức không đủ sống. Tuy nhiên để  tìm ra chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật sẽ rất khó khăn trong một nền kinh tế mà giao dịch chủ yếu là tiền mặt như ở nước ta. Ở các vụ việc tham nhũng hối lộ, những đường dây môi giới, những kẻ nhận tiền hộ cùng đường dây lo thủ tục làm kín về mặt thủ tục đã được hình thành, gây khó khăn cho công tác điều tra. Ngay trong sự sụp đổ của thị trường bất động sản năm vừa qua, tham nhũng cũng là một nguyên nhân, đóng góp một phần, thậm chí là phần lớn cho sự sụp đổ. Hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị được thông qua vượt xa quy hoạch và nhu cầu thực tế, những chi phí đen thường chiếm đến 10% giá trị dự án đã đẩy giá thành bất động sản cao chót vót. Đó chính là nguồn thu của các công chức.

Từ có tiền, các công chức hư hỏng bắt đầu tạo thế, xây dựng các mối quan hệ để trèo cao leo sâu chiếm những vị trí quan trọng hơn để kiếm nhiều tiền hơn. Lạ thay những tấm gương mờ này lại là tấm gương sáng của nhiều công chức trẻ, họ tập hợp được một lượng tay chân đông đảo để hoàn thành những phi vụ đen.
Chất lượng, thái độ lao động khó chấp nhận.

Những người hiểu biết không hề ngạc nhiên khi lực lượng công chức hiện nay có rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng trình độ hiểu biết cũng như vốn kiến thức của họ rất có hạn. Những người theo dõi những chương trình truyền hình thực tế như Ai là triệu phú, Đấu trường 100…sẽ thấy rất hài hước khi cac công chức không trả lời nổi những câu hỏi có trình độ kiến thức phổ thông cơ sở. Tại các trường đại học, các thầy biết rất rõ những sinh viên học giỏi, hiểu biết, năng động rất ít cơ hội để trở thành công chức vì gia đình họ không có lực. Thành phần trở thành công chức chủ yếu có học lực trung bình, kém năng động. Nhưng họ có cơ hội, có sự quen biết, có tiền. Khi trở thành công chức họ càng khó có cơ hội nâng cao sự hiểu biết. Bởi vì tất cả các công đoạn thực hiện công việc, hành xử của các công chức đã được quy trình hóa. Họ chỉ cần thực hiện theo đúng quy trình là đủ. Không cần kiến thức, không cần có trách nhiệm với công việc…Họ chỉ có trách nhiệm với quy trình mà họ được giao nhiệm vụ thực hiện. Những quy trình này bóp nghẹt tính năng động, khát khao tìm hiểu của công chức trẻ, biến họ thành vô cảm. Lâu dần khi đã trở thành vô cảm với đối tượng công việc, họ chỉ còn phải đối phó với đồng nghiệp và với thủ trưởng. Để thăng tiến họ chỉ có con đường đi học. Tuy nhiên những ngày là công chức cho họ thấy tấm bằng quan trọng hơn kiến thức. Vì vậy việc đi học, thi cử… thuê mướn cũng được, mua bán cũng được, miễn sao hoàn thành  khóa học và có tấm bằng. Đối với các học vị cần đến công trình nghiên cứu, họ sẽ chọn  những đề tài dễ nhất, vô vị nhất. Đã nhiều năm nay chưa thấy một công trình nghiên cứu nào của các vị được ứng dụng trong thục tế. Tóm lại cũng do chính quy trình và cơ cấu đào tạo, tuyển dụng, sử dụng công chức đã tạo ra đội ngũ công chức có chất lượng và thái độ lao động như hiện nay.

Tại hội thảo “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị” ngày 31-1-2013 nhiều đại biểu đã cho rằng chất lượng và thái độ lao động của công chức đang ở tình trạng báo động.

Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng Trần Khắc Việt cho rằng, để loại những công chức có chất lượng và thái độ lao động chưa tốt không dễ bởi liên quan đến nhiều vấn đề. Trong khi đó, để vận hành cho bộ máy đang cồng kềnh hiện nay phải tiêu tốn không ít ngân sách. Phó trưởng Ban Dân vận TƯ Nguyễn Thế Trung cũng bình luận: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đến nay vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ bao nhiêu người làm việc thực sự, có hiệu quả, bao nhiêu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Cũng theo ông Trung, có người lạc quan đánh giá tỷ lệ cán bộ làm việc thực sự khoảng 70-80% nhưng người bi quan hơn cho rằng chỉ ở mức 50-50.

Những giải pháp nâng cấp đội ngũ công chức

Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đã được Chính phủ thành lập và tiến hành kỳ họp đầu tiên chiều 25-1, tại trụ sở Chính phủ.

Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2015 có 70% các cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch; sửa đổi, bổ sung và xây dựng được 100% các chức danh và tiêu chuẩn công chức; nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức; thi nâng ngạch công chức.

100% các cơ quan ở Trung ương và 70% các cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển, thi nâng ngạch công chức; thực hiện thí điểm đổi mới việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương trở xuống; đổi mới công tác đánh giá công chức theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu và gắn với kết quả công vụ; xây dựng và thực hiện cơ chế đào thải, giải quyết cho thôi việc và miễn nhiệm công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật; quy định và thực hiện chính sách thu hút, tiến cử, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ...

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình - Trưởng ban Chỉ đạo - cho rằng cải cách chế độ công vụ, công chức là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và là việc làm tất yếu nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Vì vậy, việc cải cách phải được theo hướng năng động, hiệu quả, coi trọng thực tài. Phát biểu tại hội nghị, đại diện một số bộ đều cho rằng, chế độ công chức hiện nay của chúng ta bất hợp lý, ví dụ như có những chuyên viên mới được tuyển dụng từ lớp sinh viên mới ra trường làm việc hết sức hiệu quả, bằng nhiều lần các chuyên viên chính, nhưng chế độ của họ lại rất thấp, trong khi đó những chuyên viên chính chả làm được bao nhiêu nhưng lại vẫn hưởng chế độ cao, đã thế lại giữ khư khư cái chức làm cho lớp trẻ không phát triển được. Hơn thế nữa, chế độ công chức của chúng ta quá thấp, không khuyến khích được cán bộ giải quyết công việc kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho rằng, nên bỏ cơ chế biên chế mà thay bằng cơ chế khoán kinh phí, bởi biên chế nhiều chưa chắc đã làm việc tốt và nếu làm việc tốt thì được trả lương nhiều, như thế sẽ phát huy được tính sáng tạo của người lao động và rất tiết kiệm được kinh phí.

Sẽ còn nhiều kế hoạch, nhiều giải pháp đưa ra để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Nhưng theo chúng tôi, giải pháp quan trọng nhất chính là cần phải có những tác động để thay đổi quan niệm, thái độ làm việc của các công chức. Cần tăng cường quyền lực cũng như trách nhiệm thủ trưởng trong việc tuyển dụng cũng như sa thải công chức dưới quyền. Cuối cùng chúng tôi  đưa một ý kiến hoàn toàn cá nhân: Tại sao cứ phải là công chức cả đời? Tại sao không là công chức nhiệm kỳ, làm tốt và công việc cần thì bổ nhiệm tiếp, nếu không đi tìm việc khác. Có sao đâu !

Trần Việt
theo ANTĐ

Từ khóa: