Sự kiện hot
12 năm trước

Lãi suất hạ: DN “làm sạch” hồ sơ vay vốn mới

Lãi suất hạ, ngân hàng tìm mọi cách đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, để được vay vốn mới, các DN phải tìm mọi cách giải quyết nợ cũ, xây dựng các phương án kinh doanh mới để làm đẹp hồ sơ vay vốn.

Lãi suất hạ, ngân hàng tìm mọi cách đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, để được vay vốn mới, các DN phải tìm mọi cách giải quyết nợ cũ, xây dựng các phương án kinh doanh mới để làm đẹp hồ sơ vay vốn.

Ngân hàng chào vốn rẻ

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (SBV) ra quyết định hạ trần lãi suất với các khoản vay từ 1-12 tháng xuống 9%, không chờ độ trễ để điều chỉnh, các ngân hàng đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất cho vay.

TienPhong Bank (TPB) dành 3000 tỷ đồng cho vay lãi suất 12,5-14%. Để dễ dàng trong tiếp cận vốn, ngân hàng này cũng công khai các điều kiện cho vay. Ngoài các tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng tín dụng của ngân hàng thì còn cân nhắc những khó khăn tạm thời của nền kinh tế. Do đó, ngoài những khách hàng tốt thì những khách hàng đang có những rủi ro mang tính tạm thời vẫn vay vốn được bình thường.

Ông Megumu Motohisha, Phó tổng giám đốc TPB cho rằng, nhiều doanh nghiệp kêu không vay được nguồn vốn giá rẻ, nên chúng tôi chủ trương công khai minh bạch tất cả điều kiện vay vốn. DN có cơ hội tiếp cận vôn thì chúng tôi cũng có cơ hội mở rộng hệ thống cơ sở khách hàng của mình”.

Trong khi đó, ABbank đã tung ra gói dịch vụ Ngân hàng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ SME. Theo đó, khách hàng SME sẽ được tư vấn và cung cấp một gói sản phẩm phù hợp với mỗi DN. Bên cạnh đó, ABBANK dành gói 1000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 12%/năm đối với khách hàng XNK và kinh doanh nội địa mới. Gói 2000 tỷ đồng cho các khách hàng XNK hiện hữu với LS ưu đãi thấp hơn 2%.

HDBank cũng đang thực hiện ưu đãi lãi suất cho vay cho cả hai đối tượng khách hàng với chỉ từ 13%/năm đối với doanh nghiệp và 12%/năm đối với cá nhân. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, phát triển nông nghiệp nông thôn, phục vụ sản xuất kinh doanh của DNVVN, phục vụ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ) được ưu tiên cho vay.

Đặc biệt, các ngân hàng lớn cũng đã có động thái giảm lãi suất mạnh. Mới đây, Agribank đã tạo ra cú giảm lãi suất cho vay xuất khẩu với 11%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa bằng 13%/năm, lãi suất cho vay đối tượng khác 14 - 15,5%/năm. Còn lãi suất cho vay trung, dài hạn 14,5% - 16,0%/năm. Riêng cho vay phi sản xuất cũng chỉ 14,5%-17,5%...

Theo tính toán của Agribank, đợt điều chỉnh giảm 1,5% lãi suất cho vay trong tháng 2/2012 đã làm giảm lợi nhuận của Agribank khoảng 1.300 tỷ đồng. Tính cả các đợt điều chỉnh trước, lợi nhuận của Agribank đã giảm luỹ kế xấp xỉ 4 nghìn tỷ đồng.

Đi cùng với tăng tín dụng, Agribank cũng có những biện pháp để hỗ trợ DN vay vốn như: đối với khách hàng đang hoạt động kinh doanh nhưng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ đúng hạn sẽ xem xét cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ phù hợp với dòng tiền của dự án, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, giảm áp lực trả nợ...
Trước đó, BIDV cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các đối tượng ưu tiên 12%/năm. Đối với chương trình tín dụng 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mua nhà: Áp dụng lãi suất 12%/năm trong 6 tháng đầu tiên.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương – PTGĐ OceanBank: Từ đầu tháng 3 đến nay, khi NHNN có quyết định hạ trần lãi suất huy động tiền đồng giảm dần qua 4 lần điều chỉnh, từ 14% xuống 9%. Việc hạ hạ lãi suất sẽ là cơ sở để giảm tiếp lãi suất cho vay, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sự đi lên của nền kinh tế.

Tuy nhiên, từ phía DN, ngay khi tiếp nhận thông tin giảm lãi suất, nhiều DN DN vẫn hết sức bi quan về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, ngược lại các ngân hàng rằng họ rất khó tìm ra DN để cho vay. Vần đề để DN gặp được ngân hàng hiện nay rõ ràng không phải là vốn rẻ mà chính là điều kiện làm sao tiếp cận được vốn.

DN đừng để bị trễ

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng độ trễ của hạ lãi suất cho vay 3 tháng là bình thường. Tuy nhiên, đại diện Agrribank cho rằng, không cần đến 3 tháng mà việc hạ lãi suất đã được các ngân hàng thực hiện và sẽ sớm thiết lập mặt bằng lãi suất mới. Không ai dại gì cho vay lãi suất cao khi tất cả đều phải cạnh tranh.

Ông Nguyễn Thiện Long, Phó tổng giám HD Bank cho biết hiện nhiều ngân hàng đang trong tình trạng thừa vốn, muốn cho vay mà không thể. Nếu có DN làm ăn đàng hoàng, tài chính minh bạch, có phương án tốt thì các ngân hàng đang phải giành giật lẫn nhau. Với những khách hàng này chúng tôi huy động tiền gửi ở mức lãi suất nào thậm chí cho vay bằng mức đó như vậy vẫn còn hơn mua trái phiếu hay gửi trên thị trường liên ngân hàng có lãi suất thấp hơn.

“Các DN nói họ khó tiếp cận được vốn vay với lãi suất vay 15%, nếu gặp DN tốt chúng tôi còn năn nỉ họ là đằng khác, ông Long nói”.

Chính vì thế, đại diện Agribank cho rằng, vốn rẻ đi, điều kiện cho vay không nâng lên mà thậm chí còn nới ra như điều chỉnh lại thời hạn, cơ cấu lại nợ, ngân hàng có các chương trình hỗ trợ… Vì vậy, không vay được vốn thì DN cũng nên xem lại mình.

Đại diện VPbank cũng cho rằng, chúng tôi cũng muốn hỗ trợ, nhưng phải đặt an toàn lên hàng đầu, chứ không thể vì thừa vốn mà đẩy tín dụng ra ồ ạt, không kiểm soát được thì hậu quả phải trả giá là 6 tháng hay một năm nữa. Thà rằng cho vay những khách hàng tốt đó còn hơn gửi liên ngân hàng chỉ 6% - 7%/năm”.

Ngân hàng BIDV cũng cho thấy, với những khách hàng tốt thì chúng tôi thực hiện điều chỉnh lãi suất ngay trên hợp đồng; lãi suất cũ được đưa về lãi suất mới. Hiện có doanh nghiệp kêu lãi suất vẫn quá cao, tôi nghĩ có lẽ chủ yếu là những doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt, hoặc chưa thực sự minh bạch, khả năng phục hồi không cao.

Vì thế, Ông Long cho rằng: vấn đề là vừa qua nhiều DN quá yếu kém lại thiếu minh bạch về tài chính, vẫn đang nợ ngân hàng, không trung thực dẫn đến hậu quả ngân hàng cho vay phải gánh chịu nhiều rủi ro. Hiện nay cứ 10 người đến ngân hàng thì chỉ có 1 hoặc 2 người thực sự có thể vay được. Tài sản đảm bảo, tình hình tài chính có hiệu quả không là những trăn trở của Ngân hàng.

Thực tế, khi ngân hàng làm việc với DN, một số DN làm ăn đàng hoàng thì khó khăn ngân hàng chia sẻ, nhưng có DN khó khăn lại không liên lạc với ngân hàng, không chia sẻ với ngân hàng dẫn đến không có phương án giúp DN. Trong thời gian qua có nhiều DN khi khó khăn thì tìm đến ngân hàng, nhưng xong việc là trốn, ngân hàng gọi điện không nghe máy, tìm không thấy. Thời gian này còn nhiều DN trước đây làm ăn chân chính, rất có uy tín nhưng thời gian qua khó khăn, cùng đường cũng sinh ra làm bậy thế chấp hàng tồn kho chất lượng kém khiến ngân hàng rất đau lòng.

Việc xử lý nợ quá hạn của các ngân hàng hiện rất khó khăn, DN không bán được hàng, không có tiền trả nợ, phải trả chậm, nợ quá hạn rất nhiều.

Theo ông Long, để DN tiếp cận được vốn ngân hàng tốt hơn và ngân hàng cho vay được thì cả 2 cùng phải có sự thay đổi. DN cần chia sẻ những thông tin chính xác về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của mình cho ngân hàng từ đó ngân hàng mới có hướng giải quyết. Về phía ngân hàng thời gian tới như HD bank sẽ nới lỏng điều kiện cho vay, cụ thể là cho vay với những DN có hàng tồn kho có thể bán được. Chấp nhận cầm cố những khoản phải thu, tái tài trợ cho những khoản đó, với điều kiện DN phải có uy tín, đảm bảo tiến độ trả nợ.

Ông Lê Đăng Doanh, DN phải tự cứu mình trước, tự điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường, phải tự tái cấu trúc lại.

Chính vì thế, nói như các ngân hàng và nhiều chuyên gia, câu chuyện của DN lúc này không phải là thiếu vốn hay vốn quá đắt mà chính là cản trợ từ tình hình tài chính không sáng sảu, nợ xấu và hàng tồn kho cao. Chính vì vậy, các DN phải tìm cách làm đẹp bản hồ sơ vay vốn của mình bằng cách giải quyết các khoản nợ xấu, xử lý các vấn đề sản xuất kinh doanh còn tồn động và chứng minh một bản kế hoạch mới khả thi… thì vay vốn không còn khó.

Lê Thủy
Theo Vietnamnet

Từ khóa: