Sự kiện hot
3 năm trước

Lãi suất huy động thấp nhất nhiều năm, lãi vay chưa giảm tương ứng

Tiếp nối đà giảm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng thương mại từ đầu tháng 10 đến nay tiếp tục được điều chỉnh, đặc biệt với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6%/năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy vậy, lãi suất cho vay tại các ngân hàng vẫn chưa giảm tương ứng.

Chú thích ảnh

Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch Ninh Kiều thuộc Vietcombank Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Lãi suất huy động liên tục điều chỉnh

Biểu lãi suất mới nhất tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại đây chỉ còn được hưởng lãi suất 5,8%/năm, giảm 0,2%/năm so với đầu tháng 9/2020. Cũng với bước giảm tương tự, mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank nay chỉ còn 5,9%/năm dành cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Đặc biệt, với kỳ hạn 6 và 9 tháng, thay vì mức lãi suất từ 4,4 - 4,5%/năm thì nay giảm còn 4 - 4,1%/năm, bằng mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Nhìn lại những tháng đầu năm 2020, lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng tại Vietcombank dao động từ 5,3 - 6,8%/năm.

Xu hướng giảm cũng ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với bước giảm từ 0,2 - 0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất gửi tiền từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5,8%/năm, cũng là mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này, thay vì mức 6%/năm trước đó.
 
Không chỉ ngân hàng TMCP có vốn nhà nước mà ngay cả các ngân hàng tư nhân, lãi suất cũng tiếp tục cắt giảm mạnh. Đơn cử như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) niêm yết lãi suất huy động 12 tháng giảm từ 6,5%/năm xuống còn 6%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dao động từ 5,3 - 5,7%/năm cho kỳ hạn tương tự thay vì mức 5,7 - 6,2%/năm trước đó.

Nhìn vào biểu lãi suất niêm yết tại một số ngân hàng, đâu đó vẫn thấy mức cao nhất trên 8%/năm đối với kỳ hạn dài nhưng không phải không có điều kiện. Theo đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) áp dụng lãi suất lên tới 8,6%/năm cho khoản gửi 24 tháng nhưng số tiền gửi phải trên 500 tỷ đồng. Điều kiện tương tự cũng được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho kỳ hạn 13 tháng với lãi suất 8,5%/năm.

Theo tính toán của Bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), lãi suất tiền gửi VND đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2 - 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất về mức rất thấp. SSI nhận định yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng và kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm từ 0,1 - 0,3%/năm trong quý IV/2020.

Lãi suất cho vay khó giảm tương ứng

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng. Tuy nhiên, "hiện nay lãi suất cho vay giảm chủ yếu đối với các lĩnh vực ưu tiên, còn lại những lĩnh vực khác vẫn ở mức khá cao", ông Văn Trí, Chủ cơ sở sản xuất thiết bị điện tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.

Theo ông Trí, với mức lãi suất huy động hiện nay, lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ nên dao động quanh mức từ 6 - 6,5%/năm. Nhưng thực tế, các ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi từ 8,5 - 11%/năm và phải có tài sản đảm bảo mới được hưởng mức lãi suất này.

"Một số ngân hàng chào gói vay mới lãi suất thấp từ 7,9 - 8,5%/năm nhưng chỉ áp dụng cho 3 - 6 tháng đầu, sau đó lãi suất thả nổi, tính ra cũng phải 10 - 12%/năm, doanh nghiệp rất khó để đảm bảo dòng tiền trong điều kiện khó khăn hiện nay", chủ cơ sở sản xuất này nói thêm.

Chia sẻ trước mong muốn hạ lãi vay của doanh nghiệp, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng không còn nhiều, nếu không tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động mà chỉ giảm lãi cho vay, ngân hàng sẽ bị thua lỗ vì còn trang trải các chi phí vận hành, chi phí nhân viên, trích lập dự phòng rủi ro...

Mặt khác, ông Tuệ cũng cho biết, năng lực tài chính của mỗi ngân hàng khác nhau, nên việc giảm lãi suất cho vay với khách hàng cũng không thể đánh đồng.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, dù nguồn vốn dồi dào nhưng ngân hàng chỉ có thể giảm lãi suất đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn…; không thể miễn, giảm lãi, cho vay khách hàng mà ngân hàng nhìn thấy rõ nguy cơ mất an toàn vốn.

"Thêm nữa, muốn giãn nợ, gia hạn nợ thì cũng phải phù hợp với quy định của luật pháp, tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Tùng cho hay.

Theo giới chuyên gia, dù lãi suất huy động đã giảm nhiều so với đầu năm, nhưng nguồn vốn huy động với lãi suất cao từ năm trước vẫn còn, ảnh hưởng đến chi phí vốn đầu vào. Thêm vào đó, các chi phí hoạt động như chi lương nhân viên, dự phòng rủi ro... của ngân hàng vẫn ở mức cao. Do vậy, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tại nhiều ngân hàng vẫn phải giữ ở mức 3% như trước đó. Đây là chỉ số được sử dụng để xác định chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng. Điều này cho thấy hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, lãi suất ưu đãi cho vay mới đã giảm từ 0,5 - 2,5%/năm so với thời trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, doanh số từ ngày 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310.000 khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từ đó tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Lê Phương

Theo Báo tin tức/TTXVN

Từ khóa: