Sự kiện hot
11 năm trước

Lào Cai khôi phục vốn di sản để thu hút du khách

Các dân tộc ở tỉnh Lào Cai có vốn di sản múa và âm nhạc, ẩm thực... rất phong phú và đặc sắc. Mỗi nhóm, ngành dân tộc ở từng địa phương đều có những điệu múa, khúc ca và nhạc cụ truyền thống; văn hóa đón tiếp khách, nhất là văn hóa ẩm thực mang đậm âm hưởng dân gian.

Các dân tộc ở tỉnh Lào Cai có vốn di sản múa và âm nhạc, ẩm thực... rất phong phú và đặc sắc. Mỗi nhóm, ngành dân tộc ở từng địa phương đều có những điệu múa, khúc ca và nhạc cụ truyền thống; văn hóa đón tiếp khách, nhất là văn hóa ẩm thực mang đậm âm hưởng dân gian.

Ruộng bậc thang ở Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Những di sản quý báu ấy một thời tưởng như bị mai một, nhưng hiện nay đang được khôi phục cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Múa và âm nhạc hấp dẫn du khách

Đến với Lào Cai, khách du lịch không thể bỏ qua các tour du lịch bản làng. Và thật may mắn nếu gặp dịp lễ hội, được chứng kiến các điệu múa và âm nhạc của đồng bào vùng cao.

Theo tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai, múa và âm nhạc là di sản văn hóa của các dân tộc tỉnh Lào Cai. Vì vậy, hiện nay Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai không chỉ khuyến khích phát triển mà còn có kế hoạch bảo tồn ngay trong chính cộng đồng những di sản này.

Trước đây, do đời sống khó khăn, du lịch chưa phát triển, các điệu múa đặc sắc của các dân tộc như Múa giã lanh, múa chiêng, múa sàng sảy, nhảy Pút tồng… gần như bị lãng quên. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, ngành Văn hóa đã tổ chức sưu tầm, phục dựng rất công phu và bài bản. Dựa trên kết quả của công tác sưu tầm nghiên cứu, các nghệ sỹ của ngành văn hóa đã truyền dạy các di sản múa, âm nhạc cho các thế hệ trẻ trong cộng đồng, để các di sản đó được kế thừa ngay trong chính tộc người của họ.

Hiện nay, bốn điểm du lịch bản làng của huyện Sa Pa gồm Bản Hồ, Tả Van, Cát Cát, và Tả Phìn đều có các đội văn nghệ thôn bản để phục vụ hoạt động du lịch. Các tiết mục múa, hát và âm nhạc đều được dàn dựng tập luyện khá công phu theo kịch bản của ngành văn hóa. Các đội văn nghệ cũng hoạt động dưới sự quản lý của Ban quản lý du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, các điệu múa, nhạc cụ, làn điệu dân tộc cũng được các nhạc sỹ, biên đạo nghiên cứu, cải biên trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm màu sắc dân gian, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Các đội văn nghệ được duy trì và biểu diễn thường xuyên tại các điểm du lịch cộng đồng phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức, tạo thêm nguồn thu cho các thành viên tham gia đội văn nghệ.

Hoạt động biểu diễn văn nghệ tạo nguồn thu bình quân từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/thành viên mỗi tháng. Việc ra đời các đội văn nghệ thôn, bản đã góp phần tạo ra phong trào tập luyện sâu rộng trong cộng đồng. Qua đó, người dân hiểu thêm về giá trị truyền thống của dân tộc mình, nâng cao lòng tự hào về văn hóa của tộc người.

Độc đáo mùa cốm

Lượng khách du lịch đến với các bản làng Lào Cai thường tăng mạnh vào tháng 9, 10 vừa qua vì đây là mùa các cánh đồng ruộng bậc thang đang vào thời kỳ đẹp nhất, khi mà các ruộng lúa đều có những bông đã vào độ chắc mẩy, chuyển sang màu hanh vàng là bà con gặt về chuẩn bị làm cốm. Không chỉ người Tày, Nùng mà các dân tộc thiểu số khác như Mông, Dao, Giáy... ở Lào Cai cũng đều có tục ăn mừng lúa mới (thường gọi là "Ăn cốm").

Theo anh Lê Mạnh Hảo, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sa Pa, mỗi năm một lần, khi những bông lúa nếp bắt đầu chắc mẩy, chuyển sang màu hanh vàng là bà con gặt về để chuẩn bị làm cốm. Trong làng ai có đi xa, ngày làm cốm cũng cố gắng trở về sum họp cùng gia đình thưởng thức hương vị cốm. Đây là nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao.

Theo các bậc cao niên, cốm được làm cầu kỳ, từ khâu chọn lúa phải là nếp hoa vàng đang thời kỳ ngậm sữa. Khi lúa đã vào độ chắc, người ta hái lúa bó thành cụm đem về nhà chia thành nắm nhỏ, tãi đều nướng trên bếp lò cho đến khô và chín. Bếp dùng nướng cốm là những hố đất được đào sâu chừng một mét, người ta đan tre thành hai phên lớn đặt lên trên làm giá, lúa nếp sẽ được rải đều lên để nướng.

Người nướng cốm phải lật qua lật lại thường xuyên để hạt lúa chín đều, không bị cháy, sau đó đem những hạt thóc giã thành cốm. Cối giã cốm thường là cối gỗ tròn hoặc cối gỗ độc mộc thật to, dài được đục theo hình lòng máng có thể giã tập thể 2-6 người, càng đông càng vui. Người dân thường làm cốm vào ngày rằm hoặc chờ già làng xem ngày tốt mới được phép làm và cả làng phải làm cùng một lúc.

Ông Nguyễn Xuân Mẫn, một khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Sa Pa lần đầu được chứng kiến cảnh làm cốm của bà con người Giáy Tả Van tự cho mình là may mắn; bày tỏ, đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng đến Lào Cai, vào mùa cốm thực sự như là ngày hội, tiếng chày giã cốm làng trên, xóm dưới tạo thành âm hưởng độc đáo mang đậm bản sắc núi rừng không lẫn vào đâu được.

Không có màu xanh non như cốm làng Vòng Hà Nội, nhưng cốm của đồng bào dân tộc vùng cao Lào Cai giữ được hương vị rất riêng. Đồng bào tổ chức làm cốm nhiều hay ít, lâu hay mau còn phản ánh thực tế gia đình, bản làng năm đó được mùa hay không. Vì vậy, khi làm cốm xong, gia đình nào cũng mổ thêm gà, vịt để làm mâm cơm cúng tổ tiên, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng năm tiếp theo tốt tươi, nhà nhà no ấm./.

Theo TTXVN

Từ khóa: