Sự kiện hot
12 năm trước

Lấp đầy những "khoảng trống" trong gia đình

Những bí kíp nho nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn luôn sống “đủ” trong một gia đình “khuyết”.

Những bí kíp nho nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn luôn sống “đủ” trong một gia đình “khuyết”.

Còn gì tuyệt hơn khi gia đình bạn lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Mọi người quây quần bên mâm cơm chẳng thiếu một ai. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến gia đình bạn rơi vào trạng thái “khuyết” đi một thành viên hoặc có những “khoảng trống vô hình” khác.  
    
Bố mẹ  lúc nào cũng bận bịu

Vì khối lượng công việc lớn nên nhiều phụ huynh chẳng còn thời gian đâu mà trò chuyện, tâm sự cùng con cái. Như muốn bù lại sự thiếu hụt đó, nhiều ông bố, bà mẹ không ngại quẳng một đống tiền  thay vì quan tâm đến chúng mình một cách thực sự. Đôi lúc, teen cũng muốn mở lời, hỏi han nhưng sợ bố mẹ “mặt nặng mày nhẹ”, nên đành thôi. Kết quả là teen dần cảm thấy trơ trọi, lạc lõng ngay  trong chính căn nhà của  mình.

Đừng vội buồn phiền khi bố mẹ không có nhiều thời gian quan tâm đến bạn
(Ảnh minh họa)

Gợi ý:

Thay vì cứ rầu rĩ, trách thầm bố mẹ, bạn nên chủ động tạo sự gần gũi giữa  mình và phụ huynh bằng chiêu “cả nhà ta đều yêu thương nhau”.  Tranh thủ những hôm đầy đủ tất cả các thành viên, hoặc khi mọi người đang rảnh rỗi, bạn có thể đưa ra những lời rủ rê như đi xem phim ở rạp, set up một chuyến du lịch ngắn ngày hoặc “đãi” bố mẹ một bữa karaoke thật vui. Nhân tiện, khéo léo chuyển tải nỗi lòng của bạn bấy lâu nay, bố mẹ sẽ “chột dạ” và hiểu mình nên làm gì để khoảng trống thực sự được lấp đầy.

Ngoài ra, bạn cũng rất nên tìm hiểu công việc của bố mẹ bằng cách đọc, tích lũy kiến thức về lĩnh vực mama, pa pa đang theo đuổi. Ví dụ nếu bố bạn là dân kinh doanh, thì việc bạn đọc những cuốn sách về tư duy làm giàu sẽ là một điểm cộng hay ho, giúp cả hai hiểu nhau và gần gũi hơn.

Chị gái “chống lầy”

Ngày chị hãy còn độc thân, từ chuyện trường lớp, cảm giác “thương thương, nhớ nhớ” ai kia cho đến những vấn đề tế nhị khó nói nhất, bạn đều chia sẻ, giãi bày cùng. Nhưng nay chị về nhà người ta rồi, bạn thật khó mà tránh khỏi cảm giác trống vắng, hụt hẫng. Chỉ muốn chị trẻ mãi, để ở bên mình dài dài.

Chị gái đi lấy chồng, tớ chẳng còn ai để tâm sự (Ảnh minh họa)

Gợi ý:

Chị gái chống lầy là điều tất yếu, cũng giống như bạn sau này mà thôi. Vì thế, bạn chỉ nên buồn một chút và thông cảm cho chị nếu như sự thay đổi này khiến bạn cảm thấy mình không còn được quan tâm như trước. Thay vì vậy, bạn hãy thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm chị cũng như gia đình anh rể. Hành động này sẽ khiến hình ảnh của bạn đẹp hơn trong mắt mọi người và chị bạn cũng được tiếng thơm lây.

Không chỉ mỗi bạn hụt hẫng mà nhị vị phụ huynh cũng buồn chả kém. Bởi thế, bạn không nên than thở rằng mình nhớ chị quá nhiều trước mặt mẹ, kẻo cả hai lại cùng nhau “lã chã rơi nước mắt”. Những việc trước đây chị vẫn thường hay giúp đỡ ông bà, bố mẹ, bạn cũng đừng quên “xắn tay áo” lên nhé.  Đây cũng là cơ hội tốt để bạn chứng tỏ mình đang ngày một trưởng thành hơn và chị bạn thì luôn cảm thấy yên lòng vì có một người em chăm chỉ, đảm đang.

Em trai đi học xa nhà

Bắt đầu cuộc sống tự lập, thoát khỏi vòng kim cô của phụ huynh, bạn không khỏi lo lắng trước những cạm dỗ mà “cậu em quỷ sứ” có thể mắc phải như bị những phần tử xấu lôi kéo, nói lời yêu quá sớm dẫn đến chểnh mảng học hành. Làm thế nào để tiện bề quản lý, chăm sóc khi bạn và bố mẹ không thể ở gần em như trước thật chẳng dễ tẹo nào.

Cả nhà đang quây quần thì em tớ lại phải đi học xa (Ảnh minh họa)

Gợi ý:

Đầu tiên, gia đình bạn hãy thường xuyên giữ liên lạc, gọi điện hỏi thăm em. Thứ nữa, là lưu lại số phone của những người mà em hay qua lại. Phòng khi xảy ra chuyện gì, bạn có thể tham thảo, thu thập thông tin từ nhiều kênh khác nhau trước khi chính thức đưa ra kết luận. Nếu như khoảng cách địa lý không xa lắm và thời gian cho phép, thì cứ 2-3 tháng một lần, gia đình bạn nên thay phiên nhau lên chơi cùng em. Mục đích là để nhắc khéo rằng mọi người rất quan tâm đến em. Vì thế, em cần sống tốt để không phụ lòng mọi người.

Bên cạnh đó, dù cho gia đình bạn rất khá giả, thì cũng nên gửi em một khoản tiền đủ tiêu hoặc thừa ra một chút thôi. Đơn giản là vì điều này sẽ giúp em hạn chế thói tiêu hoang, tránh bị bạn bè lợi dụng chỉ vì hầu bao luôn “no căng” và trân trọng hơn đồng tiền mà bố mẹ đã vất vả mới làm ra.

Ở hoàn cảnh nào cũng sẽ có cách giải quyết của nó, thế nên bạn đừng quá lo lắng hay buông xuôi mà hãy hành động để lấp đầy những khoảng trống trong gia đình nhé.

Xuân Hưng

Từ khóa: