Sự kiện hot
11 năm trước

Liệt sỹ trở về sau 40 năm: Niềm vui đoàn tụ và nơi gặp gỡ của những tấm lòng

Suốt 40 năm nay ngôi mộ của “liệt sỹ” Phan Hữu Được (thôn Tự Tiên, xã Tiên Minh huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) được vẫn được hương khói thường xuyên. Hằng năm, người cháu của ông vẫn làm giỗ cho chú mình.

Suốt 40 năm nay ngôi mộ của “liệt sỹ” Phan Hữu Được (thôn Tự Tiên, xã Tiên Minh huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) được vẫn được hương khói thường xuyên. Hằng năm, người cháu của ông vẫn làm giỗ cho chú mình. Nay người “liệt sỹ” ấy trở về xương bằng thịt mang theo bao nhiêu cay đắng lẫn ngọt bùi làm xúc động tới hàng triệu, hàng triệu người trên khắp mọi miền tổ quốc…


Cả gia đình anh Phan Hữu Lợi đang họp bàn chuyện ngày mai đưa ông Được lên nhập viện Việt Đức. Ảnh: Minh Lý

Lang thang vô định từ năm 26 tuổi

Phan Hữu Được là con út trong một gia đình có hai anh em trai, bố là liệt sĩ chống Pháp; anh trai đang tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền Nam. Chàng thanh niên Được nằm trong diện miễn nghĩa vụ quân sự đặc biệt của địa phương.

Mặc dù làm lễ ăn hỏi với người con gái xinh đẹp nhưng vì muốn cống hiến sức trẻ cho cuộc chiến của dân tộc nên chàng thanh niên đã mang lễ tạ tội với gia đình nhà gái rồi lên đường nhập ngũ. Đơn của Được không được lãnh đạo huyện đội Tiên Lãng chấp nhận nên anh đành đổi tên họ, năm sinh từ Phan Hữu Được (1949) thành Phạm Văn Được (1952) để tráo hồ sơ. Sau nhiều lần thuyết phục đơn của anh đã được chấp thuận.

Năm 1967 ông đi thanh niên xung phong, tháng 12/1970 nhập ngũ vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 5, Sư đoàn 350 đóng quân ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Sau đó ông tham gia đường dây 559 (vận chuyển lương thực, vũ khí vào miền Nam theo đường Hồ Chí Minh). Năm 1972, ông chuyển sang một đơn vị có phiên hiệu 360 với nhiệm vụ lái tàu chở vũ khí từ phía Campuchia vào Nam theo đường sông Mê Kông.

Năm 1973, ông Được chuyển sang điều khiển tàu số 047 chạy qua tỉnh Công Pông Chàm của Campuchia thì bị địch dội bom. Tàu chìm, ông cùng 3 người chúng bị hất xuống sông sâu. Sau đó ông trôi dạt vào bờ, được một Việt kiều tên Hiệu cứu sống. Nhưng với hàng chục vết thương từ đầu tới chân, ông bắt đầu một cuộc sống khác, cuộc sống lang thang trong vô thức.

Sau giải phóng, ông Hiệu đã gửi ông Được về lại miền nam Việt Nam để hy vọng có người giúp ông tìm lại gia đình. Nhưng oái ăm thay ông chẳng nhớ gì ngoài những ngày tháng sống ở nhà ông Hiệu bên nước bạn. Từ đó ông Được thành kẻ lang thang khắp ngõ chợ với cơ thể không còn lành lặn, bước đi cao ở tuổi 26. Bất cứ ai có việc ông đều xin làm, làm không lấy tiền, chỉ để xin một bữa cơm no. Ông cứ đi trong vô định rồi dạt mãi xuống tận nông trường cao su Samat thuộc tỉnh Tây Ninh.

Sau đó ông làm công việc quét rác hàng ngày tại chợ Tân Biên. Đây là quãng thời gian ông thường xuyên được ăn. Nhưng sau đó vết thương ở chân tái phát, không thể lê đi nổi nữa, ông Được lại phải trở về với những ngày đói khổ, lang thang, lay lắt.

Khi ông Được đang co ro nơi vệ đường, ông Đào, một công nhân của nông trường cao su Samat nhân từ đã đón về nhà thuốc thang và nhận làm em kết nghĩa. Đó là năm 2000, ông Được bước sang tuổi 51.

Cứ đến mùa lấy mủ cao su, ông Được theo Tài - con trai ông Đào - sang Campuchia làm công nhân. Công việc của một công nhân thời vụ trên đất người đã vắt cạn sức lực người lính già. Trong cơn mê ông lặp đi lặp lại câu : “Tôi là em ông Cầu ở Tiên Lãng, Hải Phòng”. Từ câu nói ấy, anh Tài đã thông qua nhiều người quen liên lạc được với anh Phan Xuân Biên ở Bộ Tư lệnh Hải quân, quê Tiên Lãng, nhờ tìm kiếm người thân của ông chú kết nghĩa bất hạnh.

Đắng cay quên hết, ngọt bùi gửi trao

Ngày 9/3/2013 khi chỉ còn 23 ngày nữa là tới ngày giỗ thứ 40 của chú ruột mình, anh Phan Hữu Lợi nhận được điện thoại từ bố anh Biên rằng người chú “liệt sỹ” của mình vẫn còn sống. Vui mừng khôn xiết ngay lúc đó anh Lợi đã liên lạc với anh Biên và anh Tài để vào Nam đón chú về. Sau 40 năm lang bạt, bỏ lại sau lưng tất cả những ký ức đau buồn, “liệt sỹ” Phan Hữu Được theo những đứa cháu về lại quê nhà với chiếc quần bò rách, cái áo ba lỗ nhàu nát và đôi dép nhựa cũ không còn rõ màu. “Liệt sỹ” được không có gia đình, không vợ con và các chế độ chính sách…

Từ ngày trở về các vị cao tuổi trong làng thay nhau tới nhà chơi nói chuyện với ông Được. Những người bạn thiếu thời cũng tìm tới. Qua những cuộc trò chuyện ngày xưa thật kỳ diệu trí nhớ của “liệt sỹ” Được cũng dần hồi phục. Ông Được đã bắt đầu kể lại với mọi người những câu chuyện ngày trước; mặc dù có lúc đang kể, ông tự nhiên im bặt rồi ôm đầu nói linh tinh.

Mặc dù không thể kể hết những khúc tráng ca trận mạc, những nỗi khổ tủi buồn khi lang thang xứ người. Nhưng được trở về là một kỳ tích một niềm vui đối với bản thân “liệt sỹ” cũng như họ hàng ông và nhiều người khác. Mặc dù có những nỗi đắng cay nhưng cái kết có hậu đang dần hoàn thiện.  Tấm lòng của bạn đọc và người dân trên khắp cả nước đang hướng về ông.

Chiều ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trích 10 triệu đồng từ lương cá nhân của mình để gửi tặng ông Phan Hữu Được.

“Liệt sỹ” được đã được người thân đưa đi khám bệnh và đã được các bác sỹ từ BV Hải Phòng cũng như BV Việt-Đức nhiệt tình thăm khám, chẩn đoán bệnh. Theo các bác sĩ BV Việt - Đức, ông Được bị ung thư gan, có khối u ở gan cần phải cắt bỏ.

Ngày 29/6 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi Công văn biểu dương tinh thần làm việc, khẩn trương, có trách nhiệm và hết lòng vì người bệnh của tập thể cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Việt - Đức khi mới đây gia đình đưa ông Được đến khám, điều trị tại đây.

Công văn nêu rõ: "Ông Phan Hữu Được là trường hợp đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Bệnh viện tiếp tục chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn, tập trung các thiết bị hiện đại nhất trong khả năng có thể, tổ chức thăm khám, điều trị và miễn phí toàn bộ đối với trường hợp đặc biệt này". 

Tri Thường
theo GĐ&XH

Từ khóa: