Sự kiện hot
12 năm trước

Liệu có tái diễn tình trạng “thượng đế” mất Tết vì ATM?

Mấy năm gần đây, việc trả tiền lương qua thẻ ATM đã trở nên phổ biến. Cứ đến thời điểm cuối năm, nhiều khách hàng lại như "ngồi trên đống lửa", lo lắng về tình trạng cây ATM... giở chứng.

Mấy năm gần đây, việc trả tiền lương qua thẻ ATM đã trở nên phổ biến. Cứ đến thời điểm cuối năm, nhiều khách hàng lại như "ngồi trên đống lửa", lo lắng về tình trạng cây ATM... giở chứng.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cứ đến thời gian cuối năm, khi mà các doanh nghiệp trả lương cho công nhân, người lao động, việc "rồng rắn" xếp hàng để nhận thành quả cuối năm của mình đã trở thành "chuyện bình thường ở huyện". Nhiều người khóc ròng, mất Tết vì "thần giữ của" ATM.

Tình trạng “ùn tắc” tại các điểm rút tiền ATM thường diễn ra vào những ngày cận Tết

Nhăn mặt vì điệp khúc ATM... giở chứng

Phải đến gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thời gian cao điểm của việc trả tiền lương thưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các máy ATM đã liên tục... giở chứng. Mấy ngày qua, Nguoiduatin.vn liên tục nhận được ý kiến phản ánh của những "thượng đế" sử dụng dịch vụ ATM.

Anh Nguyễn Đức Kế, biên tập viên của một tờ báo tại Hà Nội bực bội phản ánh với chúng tôi về việc không thể rút tiền tại các trạm ATM vì nhiều lý do khác nhau. "Sáng sớm, cả nhà tôi đi ăn sáng, trong ví lúc này chỉ còn hơn 100 nghìn đồng, định đi qua cây ATM của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) ở cổng chợ Thanh Xuân để rút tiền cho tiện mà lại không mất phí giao dịch. Tuy nhiên, khi tôi đưa thẻ vào, ngay lập tức hiện lên dòng chữ "Dịch vụ tạm thời ngừng giao dịch" trên màn hình.

Sau đó, loay hoay gần 30 phút tôi vẫn không tìm thấy cây ATM Agribank nào gần đó. Tôi phóng xe lên đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân), dùng thẻ Vietcombank (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam) để rút tiền từ trạm BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam), tuy nhiên, khi đưa thẻ vào thì màn hình của cây ATM này cũng báo không thể giao dịch được", anh Kế kể lại.

Bực bội, anh Kế phóng thẳng xe ra trạm ATM Agribank, chi nhánh Thanh Xuân (Nguyễn Trãi, gần siêu thị Pico Plaza) để rút tiền. Tuy nhiên, khi vừa đưa thẻ vào, lập tức nhận được tín hiệu thông báo với nội dung dạng: "Thẻ ATM của bạn không thể sử dụng dịch vụ của chúng tôi". Anh Kế bức xúc: "Lang thang cả buổi sáng với một đống thẻ mà chẳng rút được một xu nào. Chẳng lẽ ngân hàng này lại tự từ chối thẻ của chính mình? Nếu Tết đến mà cứ xảy ra tình trạng này thì chúng tôi biết lấy gì để lo Tết cho gia đình?".

Còn chị Đặng Phương Thuỷ, nhân viên tại Ngân hàng Mizuho Corporate Bank, Ltd Ha Noi Branch phản ánh, vừa rồi chị cũng bị "đánh cắp" hơn 19 triệu đồng trong tài khoản ATM của Vietcombank. Được biết, trước đó chị Thuỷ có rút tiền tại cây ATM của Vietcombank trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, gần Chùa Láng). Sau khi bị “mất trắng” số tiền trên, chị Thuỷ đã gọi điện đến số điện thoại in trên thẻ để khiếu nại. Ngân hàng này đã hẹn chị trả lời trong vòng 15 ngày.

Chị Thuỷ bức xúc: "19 ngày sau, ngân hàng mới thông báo cho tôi biết là giao dịch trong tài khoản của tôi là do hệ thống debit (thẻ ghi nợ) nhầm tài khoản. Tuy nhiên, về cá nhân tôi thì cho rằng, ở phương diện 1 ngân hàng, nếu khách hàng không thực hiện giao dịch mà hệ thống lại tự động trừ tiền nhầm thì thực sự quá nghiêm trọng và không thể chấp nhận được. Giả sử như số tiền trừ nhầm chỉ là vài trăm nghìn thì liệu tôi có thể phát hiện ra không? Tôi thì không cho rằng hệ thống lại có thể liên tục trừ nhầm quá nhiều món trong cùng 1 ngày như thế".

Được biết thời điểm giáp Tết những năm trước, các "thượng đế" sử dụng thẻ ATM phải khóc ròng vì những lỗi ATM đã được dự báo trước. Đầu tiên là máy hết tiền, lỗi giao dịch, cây nuốt thẻ... Nhiều người đã quá quen với tình cảnh phải "rồng rắn" xếp hàng từ sáng sớm ở các cây ATM để rút được những đồng tiền lương để có tiền về quê ăn Tết. Hiện nay, nhiều người cứ nhắc đến việc rút tiền giáp Tết lại tỏ ra lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Bình, 27 tuổi, quê Phú Thọ, một công nhân dệt may tại Vũng Tàu cho biết: "Công ty tôi trả tiền lương qua thẻ ATM của ngân hàng Vietcombank đã được gần 3 năm. Cứ đến dịp Tết, vợ chồng tôi lại lo ngay ngáy về việc lỗi giao dịch ở các cây ATM. Năm ngoái, được nghỉ Tết Nguyên đán từ 25/12 (âm lịch) nhưng phải đến chiều 29 vợ chồng tôi mới rút được tiền để mua vé máy bay về Bắc ăn Tết.

Chẳng là 24/12, Công ty mới trả lương, những ngày sau đó, hàng nghìn công nhân xếp hàng ở các cây ATM gần đó để chờ rút tiền. Xếp hàng từ sáng đến gần 12h trưa mới đến lượt mình rút tiền. Tuy nhiên, khi vừa nhét thẻ vào cây, bỗng nhiên trên màn hình hiện lên dòng chữ "Giao dịch không thành công". Thử đi thử lại mãi không được. Sau đó tôi mới biết là cây ATM hết tiền. Cuối cùng, tôi phải bắt xe khách lên TP. HCM mới rút được tiền lương để về quê".

Ngân hàng hứa... tiền sẽ "nhả đều"

Bà Nguyễn Thu Hà, chủ tịch Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, thời điểm cuối năm, lượng tiền đổ về các ngân hàng tương đối lớn nên nói chuyện các ngân hàng thiếu tiền dẫn đến khách hàng không rút được qua ATM là không đúng. Tuy nhiên, thực tế, vài năm trở lại đây, các công ty thường trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi Tết Nguyên đán qua thẻ ngân hàng do đó lượng giao dịch sẽ tăng hơn ngày thường gấp nhiều lần. Lượng tiền mặt sử dụng để giao dịch cũng tăng cao nên hiện tượng cây ATM "cháy tiền" là không tránh khỏi.

Tránh nước đến chân... mới nhảy

Cũng theo kinh nghiệm của vị cán bộ này, để hạn chế tình trạng cây ATM tắc nghẽn, các ngân hàng phải không ngừng nâng cấp hệ thống mạng, đường truyền, đảm bảo cho cây ATM vận hành tốt nhất. Bên cạnh đó, lượng tiền sử dụng cao gấp nhiều lần ngày thường nên phải thường xuyên tiếp quỹ để kịp thời bổ sung, tránh để tình trạng "nước đến chân mới nhảy", thấy tiền hết mới tiếp… Ngân hàng phải đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, không nên lấy thế "độc quyền" để "ép" người dân bắt buộc họ phải theo sự phục vụ kém cỏi của mình…

"Với bản thân Vietcombank, khi máy theo dõi tình hình hoạt động của các cây ATM thông báo gần hết tiền lập tức sẽ có nhân viên đến tiếp quỹ. Thời gian nhân viên tiếp quỹ đến cũng phải mất từ 2-3 tiếng. Thời gian này không ai đi xe máy đến tiếp quỹ mà cần cả một đội ngũ gồm người mở kho, mở khoá máy, công an đi kèm bảo vệ... nên khó tránh khỏi máy bị cháy tiền", bà Hà lý giải cho những than thở của người dân vì không rút được tiền tại cây ATM của Vietcombank trong những dịp Tết Nguyên đán.

Theo lý giải của cán bộ một ngân hàng thương mại (đề nghị được giấu tên) thì chuyện cây ATM bị tắc nghẽn không chịu "nhả tiền" vào dịp cận Tết không có gì là lạ. Năm nay, mặc dù các ngân hàng hứa hẹn Tết Nguyên đán Nhâm Thìn các cây ATM sẽ "nhả tiền" đều đặn, không xảy ra tình trạng tắc nghẽn nhưng đó chỉ là lời hứa. Ngay thời điểm này nhiều người dân đã gặp khó khăn khi rút tiền qua ATM tại ngân hàng, thậm chí tại các ngân hàng lớn. Huống hồ, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm nay kéo dài, người dân thường tập trung vào những ngày cận Tết mới rút tiền để sắm tết, về quê, nên lượng giao dịch tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Lượng giao dịch qua thẻ ATM cũng tăng từ 250-300% nên bị tắc nghẽn là điều không thể tránh khỏi. Bản thân các cây ATM cũng là thiết bị công nghệ nên đôi khi cũng xảy ra lỗi thiết bị, lỗi đường truyền (bị đứt hoặc gián đoạn)... hoặc lỗi do hệ thống cung cấp điện không đảm bảo, điện hay bị cắt...

Ông Nguyễn Công Hoàn, Giám đốc trung tâm thẻ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, do năm nay thời gian nghỉ Tết dài trong khi khoảng cách giữa Tết âm và Tết dương ngắn nên theo dự đoán, từ ngày 25-30 Tết âm lịch, lượng giao dịch sẽ tăng ít nhất 25-30%. Để đảm bảo các cây ATM được thông suốt, ngân hàng Techcombank sẽ bố trí các đội tiếp quỹ và trực dịch vụ 24/24. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nâng cấp, bảo trì thiết bị, hạn chế thấp nhất tình trạng tắc nghẽn.              

Anh Đức - Văn Chương
Theo Nguoi dua tin


Từ khóa: