Sự kiện hot
12 năm trước

Lỗ hổng trong quản lý ô tô nhập khẩu: Trách nhiệm thuộc về ai ?

Dantin - Thông qua việc điều chỉnh công-tơ-mét, một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã “phù phép” xe ô tô mới thành xe cũ khi nhập vào Việt Nam để trốn thuế.

Dantin - Thông qua việc điều chỉnh công-tơ-mét, một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã “phù phép” xe ô tô mới thành xe cũ khi nhập vào Việt Nam để trốn thuế. Việc sử dụng thủ thuật cạnh tranh thiếu lành mạnh này đã khiến các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước điêu đứng.


Hiện nay, các sản phẩm xe ô tô của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) đang chiếm gần 24% thị phần ô tô ở trong nước.

“Chơi khó” doanh nghiệp sản xuất và lắp rắp ô tô trong nước

Mới đây, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) đã có văn bản gửi lên Chính phủ và các cơ quan chức năng kiến nghị cần thắt chặt công tác quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu ô tô từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo số liệu báo cáo của THACO, trong năm 2011, công ty đã tiêu thụ 32.474 xe, đóng ngân sách Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng. Năm 2012, số lượng xe tiêu thụ của Công ty chỉ đạt 101.000 xe, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2011, hàng tồn kho lên đến 30%.

Theo văn bản giải trình của THACO, sở dĩ xảy ra tình trạng trên ngoài những khó khăn chung như do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế, chính sách thuế - phí, thì còn do tác động trực tiếp từ sự cạnh trạnh không lành mạnh của những sản phẩm xe đã qua sử dụng, nhập khẩu cùng loại.

Cụ thể: Hiện nay, hơn 40% doanh số xe ô tô của THACO là sản phẩm từ dòng xe KIA Morning (còn có tên gọi khác là Picanto) được sản xuất và lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, dòng xe này lại đang phải chịu sự cạnh tranh “thiếu lành mạnh” bởi những sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác nhập khẩu về Việt Nam và các doanh nghiệp này đang tìm mọi cách để “lách” như: thay đổi số của công-tơ-mét, trốn thuế…

Việc làm trên của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong nước theo THACO là đã gây nên những khó khăn và thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô ở trong nước và gây thất thoát nguồn thuế cho Nhà nước.

THACO kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng trong thời gian tới cần thắt chặt hơn nữa việc quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu ô tô từ nước ngoài vào Việt Nam để tạo một “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ô tô.

Hành vi vi phạm pháp luật


Kỹ sư Lê Văn Tạch.

Là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc lắp ráp, sửa chữa ô tô, kỹ sư Lê Văn Tạch (nguyên kỹ sư của hãng Toyota) cho biết:  “Việc thay đổi số công-tơ-mét cho xe ô tô không quá phức tạp và cũng không cần nhiều thời gian. Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp khi nhập khẩu ô tô mới vào trong nước đã sử dụng cách này để tránh bị đánh thuế. Nếu nhập khẩu xe mới thì họ sẽ bị đánh mức thuế cao hơn rất nhiều so với xe cũ. Hiện nay, theo quy định thì xe cũ là xe đã chạy trên 10.000 km, khi nhập khẩu cũng bị đánh thuế thấp hơn rất nhiều so với xe nhập mới nguyên chiếc. Khi đã qua khâu làm thủ tục nhập khẩu, đưa về kho bãi thì họ sẽ điều chỉnh lại công-tơ-mét về mức ban đầu và bán ra đúng giá thị trường là sản phẩm xe mới”.

“Cách này đỡ tốn thời gian lẫn chi phí lại giúp doanh nghiệp lãi rất nhiều từ việc trốn thuế. Thực ra tình trạng này không phải bây giờ mới có, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng không ai lên tiếng cả. Phía các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thì vì “cùng hội cùng thuyền” nên không ai dại gì mà đi tố cáo nhau, còn phía người tiêu dùng thì không biết, hoặc biết nhưng không có đủ chứng cớ để kiện doanh nghiệp, vì thực chất thì xe họ bán ra trên thị trường vẫn đúng giá và là xe mới. Ở đây người tiêu dùng không được lợi gì, người được lợi là doanh nghiệp và người bị thiệt chính là Nhà nước vì mất thuế”.

Trao đổi với PV Đời sống & Tiêu dùng về vấn đề trên, ông Vương Ngọc Tuấn – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: “Dù trong vụ việc trên người tiêu dùng không được lợi và cũng coi như không bị hại vì sản phẩm xe ô tô bán ra là xe mới, đúng giá thì đó vẫn là hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây, xét theo một chừng mực nào đó, người tiêu dùng vẫn bị doanh nghiệp đánh lừa. Khi doanh nghiệp tự ý điều chỉnh công-tơ-mét trong quá trình nhập khẩu, biến sản phẩm từ xe mới thành xe cũ để trốn thuế thì rõ ràng là hành vi đánh lừa cả Nhà nước lẫn người tiêu dùng”.

“Theo tôi, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra xử lý và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, vì sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật, vì lợi ích chung của Nhà nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

H.s

Từ khóa: