Sự kiện hot
12 năm trước

Lỗ lớn, nợ nhiều, lương vẫn cao

Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 tại Tập đoàn Điện lực VN (EVN) do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện, EVN rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, nguyên nhân chính không hẳn là do tình hình sản xuất không thuận lợi, chi phí sản xuất tăng, mà còn do tình trạng quản lý yếu kém.

Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 tại Tập đoàn Điện lực VN (EVN) do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện, EVN rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, nguyên nhân chính không hẳn là do tình hình sản xuất không thuận lợi, chi phí sản xuất tăng, mà còn do tình trạng quản lý yếu kém.

Thua lỗ lớn

Theo kết quả kiểm toán, năm 2010 EVN lỗ 8.416 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là âm 14,8%; tỉ suất lợi nhuận/tổng tài sản là âm 2,78%. Kết quả SXKD của EVN giảm so với năm 2009 là 11.907 tỉ đồng. Trong đó, số lỗ trong SXKD điện của EVN là 10.541 tỉ đồng.

Theo KTNN, nguyên nhân chính dẫn đến SXKD điện lỗ là do năm 2010 các nhà máy thủy điện thiếu nước nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán bình quân, làm chi phí tăng rất lớn so với kế hoạch chi phí xây dựng trong phương án giá điện được duyệt. Một số nhà máy xây dựng vận hành chậm tiến độ gây hiện tượng thiếu điện, phải dùng nhiệt điện dầu có giá thành cao.

Giá điện sẽ tăng thêm 5% từ hôm nay (20.12). Ảnh: Giang Huy

Ngoài ra, EVN còn tiềm ẩn lỗ trong SXKD những khoản sau: Chênh lệch tỉ giá đến 31.12.2010 chưa phân bổ là 15.463 tỉ đồng. Chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối của EVN Tel chưa phân bổ là 1.026 tỉ đồng. Nếu tính giá nhiên liệu than, khí theo thị trường thì lỗ thêm 12.063 tỉ đồng.

Theo EVN, 6 tháng đầu năm 2011 tập đoàn lỗ 3.453 tỉ đồng, ước cả năm 2011 lỗ 16.879 tỉ đồng và lỗ lũy kế tới 31.12.2011 là 40.400 tỉ đồng.

Nợ chồng chất

Theo KTNN, nợ phải trả đến 31.12.2010 của EVN là 239.761 tỉ đồng (nợ ngắn hạn là 65.493 tỉ đồng, chiếm 27,31%; nợ dài hạn là 174.268 tỉ đồng, chiếm 72,69%). Tỉ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 79,3%; tỉ lệ nợ phải trả/nguồn vốn chủ sở hữu là 4,22 lần. Qua các chỉ tiêu trên cho thấy, EVN hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng; vay nợ dài hạn là chủ yếu.

Cũng tính đến thời điểm kiểm toán 30.6.2011 EVN còn nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 8.861 tỉ đồng và nợ của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 1.211 tỉ đồng.

Đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp

Đầu tư tài chính dài hạn của toàn EVN lên tới con số 6.344 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn của Cty mẹ tại thời điểm 31.12.2010 là 49.996 tỉ đồng (không bao gồm đầu tư cho vay lại 54.717 tỉ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư này lại rất thấp, chỉ đạt 541,5 tỉ đồng (tỉ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư là 1,08%).

Lợi nhuận được chia từ bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính chỉ là 164 tỉ đồng, chiếm 30,46% so với tổng lợi nhuận được chia (đạt 7,83% so với giá trị đầu tư vốn vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính là 2.108,8 tỉ đồng - tương đương 3,27% vốn chủ sở hữu). Không dừng ở đó, EVN còn rót tới 2.442 tỉ đồng vào EVN Telecom nhưng kết quả kinh doanh của Cty này liên tục đi xuống từ năm 2008 - 2010 mà cao điểm là khoản thua lỗ trên 1.000 tỉ đồng năm 2010. Chưa hết, con số lỗ trên chưa kể toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006 - 2008 được điều chuyển cho các TCty điện lực phân bổ 1.026 tỉ đồng.    

Chênh lệch về lương quá lớn

Theo kết quả kiểm toán, lương ở một số bộ phận của EVN cao hơn nhiều so với mức bình quân 7,3 triệu đồng mà TGĐ Phạm Lê Thanh công bố trước đó. Cụ thể, thu nhập bình quân ở Cty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.

Lưu Thuỷ
Theo Lao dong

Từ khóa: