Sự kiện hot
3 năm trước

Lọt top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất, Nam Long có kế hoạch gì cho tương lai?

Là một trong những doanh nghiệp lọt Top 50 công ty niêm yết tốt nhất thị trường chứng khoán năm 2021 của Forbes Việt Nam được công bố vào đầu tháng 6/2021. Theo định hướng từ Nam Long, ít nhất trong 3 năm tới, 2 mảng kinh doanh mũi nhọn của Nam Long là phát triển quỹ đất và kinh doanh nhà ở dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85%/năm và tăng trưởng doanh thu trung bình 72%/năm.

Một góc khu đô thị quy mô 26 ha do Công ty Nam Long triển khai tại TP HCM. Ảnh: Namlonggroup

Một góc khu đô thị quy mô 26 ha do Công ty Nam Long triển khai tại TP HCM. Ảnh: Namlonggroup

Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) là đơn vị giàu truyền thống trong lĩnh vực bất động sản. Tiền thân của Nam Long là Công ty TNHH Nam Long được thành lập năm 1992. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện tại, vốn điều lệ của Nam Long lên đến 2.853 tỷ đồng và trở thành một trong những thế lực đáng gờm của bất động sản TP.HCM.

Vào năm 2013, Cổ phiếu Công ty Nam Long đã được chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Với kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng ổn định ít nhất 20% - 30%/năm, Nam Long luôn tập trung hiện thực hóa giá trị cổ phiếu NLG nhằm chia sẻ lợi ích đến các cổ đông chiến lược và cổ đông thân hữu đã đồng hành cùng sự phát triển của tập đoàn.

Mở rộng ra Hà Nội, phát triển BĐS văn phòng, bán lẻ, khu công nghiệp

Với 29 năm kinh nghiệm phát triển Bất động sản tại thị trường Việt Nam, Nam Long tập trung tích lũy các quỹ đất tại các tỉnh thành trọng điểm có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, hạ tầng kết nối liên vùng, nhu cầu thị trường tiềm năng với tốc độ tăng dân số cơ học cao. Thông qua hệ thống phát triển dự án sẵn có từ R&D, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết kế, xây dựng, Nam Long cộng thêm giá trị cho các quỹ đất của mình từ đó tiến hành chuyển nhượng, hợp tác với các chủ đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh và nhu cầu về quỹ đất sạch.

Hiện nay cổ đông chính của Nam Long là Keppel Land. Các dự án mới nhất có sự tham gia của tập đoàn Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad là hai tập đoàn Bất động sản hàng đầu của Nhật.

Công ty Nam Long hiện tại có đội ngũ nhân sự đông đảo cũng như hơn 20 công ty con, Công ty hiện đang sở hữu 650 hecta đất sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ; Hải Phòng; đứng thứ 2 tại thị trường Việt Nam về quỹ đất dành cho phát triển khu đô thị và nhà ở.

Quy hoạch tổng thể dự kiến của Khu đô thị Nam Long - Hải Phòng.

Quy hoạch tổng thể dự kiến của Khu đô thị Nam Long - Hải Phòng.

Thông tin từ Nam Long được biết, phát triển quỹ đất và kinh doanh nhà ở được xác định là 2 mảng kinh doanh mũi nhọn của Nam Long. Theo định hướng từ Nam Long, ít nhất trong 3 năm tới, 2 mảng này dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85%/năm và tăng trưởng doanh thu trung bình 72%/năm.

Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển các khu đô thị tích hợp như Southgate (Waterpoint giai đoạn 1 - 165 ha); Mizuki (26 ha); Izumi City (Waterfront - 170 ha); Akari; Nam Long - Cần Thơ (43 ha),... nhằm chuyển đổi dần thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp.

Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường nhà ở, Nam Long sẽ tăng thị phần thông qua việc phát triển thêm các phân khúc mới tại các quận ưu tiên của TP HCM, bên cạnh các dòng sản phẩm quen thuộc như EHome, Flora, Valora.

Thông tin từ VietnamBiz được biết, Nam Long có kế hoạch mở rộng địa bàn ra thị trường Hà Nội và các đô thị cấp 2 có tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút lực lượng lao động có nhu cầu an cư lớn và sau đó là thị trường quốc tế.

Bên cạnh những mảng lõi, trong năm 2021, Nam Long sẽ bắt đầu chuẩn bị kế hoạch phát triển hệ sinh thái (giáo dục, y tế); bất động sản thương mại (văn phòng, bán lẻ) và khu công nghiệp để đa dạng sản phẩm và tạo sự ổn định cho dòng tiền.

Các dự án đầu tiên sẽ được Nam Long triển khai tại các khu đô thị tích hợp mà doanh nghiệp đang đầu tư, phát triển. Sau đó doanh nghiệp sẽ mở rộng sang các thành phố chính như TP HCM, Hà Nội. 

Trong lĩnh vực đầu tư, Nam Long cho biết sẽ xây dựng chiến lược huy động vốn chủ sở hữu thông qua các hoạt động kêu gọi vốn ngoại, M&A... Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm nguồn tài chính trong và ngoài nước ở cấp độ dự án.

Ngoài ra, Nam Long sẽ tái cấu trúc công ty theo hình thức đơn vị kinh doanh (business unit), trong đó mỗi đơn vị kinh doanh là mỗi trung tâm lợi nhuận vận hành và cam kết lợi nhuận tăng trưởng cho tập đoàn. 

Theo dự báo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2021, lãi ròng của NLG có thể đạt 1.000 - 1.100 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 20 - 30% so với năm 2020.

Trong đó, việc thoái 50% cổ phần tại dự án Paragon Đại Phước được kỳ vọng sẽ đóng góp 300 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính theo ước tính của ban lãnh đạo công ty. 

Tại dự án Waterfront Đồng Nai, Nam Long dự kiến thu về khoản lãi 400 tỷ đồng từ thương vụ với Keppel Land. 

Bên cạnh đó, thông tin từ ban lãnh đạo NLG cho biết, doanh thu năm 2021 sẽ được thúc đẩy nhờ bàn giao 1.200 căn hộ tại dự án Akari, 180 lô đất nền Cần Thơ và 600 căn hộ Southgate (Waterpoint giai đoạn 1).

Năm 2021, Nam Long dự kiến bàn giao 1.200 căn hộ tại Akari - Ảnh: Hoàng Huy (Nguồn: Kinh tế & Tiêu dùng)

Năm 2021, Nam Long dự kiến bàn giao 1.200 căn hộ tại Akari - Ảnh: Hoàng Huy (Nguồn: Kinh tế & Tiêu dùng)

Đối với dự án Mizuki Park giai đoạn 2, Nam Long đã xin được giấy chấp thuận đầu tư và dự kiến có giấy phép xây dựng vào cuối quý I/2021. Doanh nghiệp kỳ vọng có thể mở bán 1.200 căn hộ dự án này trong năm nay.

Thời gian qua, CTCP Đầu tư Nam Long có sự thay đổi về nhân sự cấp cao. Ông Nguyễn Thanh Sơn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc mảng phát triển quỹ đất và kinh doanh nhà ở (Nam Long Land). Trước khi lên chức, ông Sơn là Giám đốc điều hành của Nam Long từ năm 2019, từng làm Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Vincom - Tập đoàn Vingroup, Phó Tổng giám đốc MIK Group.

Chia sẻ với báo chí về kế hoạch mới để đẩy mạnh hơn nữa mảng kinh doanh khu đô thị và nhà ở của Nam Long, ông Nguyễn Thanh Sơn Tổng giám đốc mảng phát triển quỹ đất và kinh doanh nhà ở (Nam Long Land) cho biết: “Trong năm nay, Nam Long Land đang trình duyệt HĐQT doanh thu bán hàng 2021 của mảng phát triển khu đô thị và nhà ở vượt mốc 500 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng) và gần 4.000 sản phẩm với việc triển khai cùng lúc 6 dự án và khu đô thị trọng điểm. Điều này đòi hỏi rất lớn ở năng lực phát triển dự án không chỉ ở chiều rộng mà còn ở chiều sâu. Tôi cho rằng, nền tảng kinh doanh của một bất động sản nhà ở phải quan tâm đầu tiên là “chất lượng” đối với khách hàng: dịch vụ, nơi đáng sống, giá trị gia tăng và liên kết cộng đồng”.

“Từ trước đến nay, các sản phẩm của Nam Long đều hướng đến nhu cầu của người ở thật từ mức giá cho đến các tiện ích đi kèm. Các dự án của Nam Long có thể không phải là những dự án sang trọng nhất nhưng phải là những dự án có giá trị và dịch vụ phù hợp với nhu cầu sống của người Việt Nam. Có như vậy, chúng tôi mới có thể tạo nên các khu đô thị đích thực, là trung tâm sống, làm việc, giáo dục, vui chơi, giải trí của từng khu vực nơi chúng tôi phát triển dự án”.

“Về mảng nhà ở, quỹ đất sạch là một thách thức không chỉ của Nam Long mà còn của rất nhiều chủ đầu tư khác. Tuy nhiên với nhu cầu thị trường còn rất lớn, cần phải tăng đến 70 triệu m2 nhà ở đô thị mỗi năm từ đây đến năm 2030, tôi cho rằng bất động sản nhà ở vẫn là một mảnh đất màu mỡ dành cho sự phát triển. Quan trọng là chúng ta làm sao để thị trường phát triển một cách bền vững, để nhà xây lên đủ chất lượng, đủ tiện ích phục vụ người ở chứ không biến thành những khu đô thị hoang hóa. Đây là một bài toán chung của tất cả chúng ta, từ các nhà phát triển đến các cơ quan quản lý nhà nước”. Ông Sơn cho biết thêm.

Nam Long sắp chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá chào bán thấp nhất dự kiến là 30.800 đồng/cổ phiếu, giá chào bán cao nhất dự kiến là 37.600 đồng/cổ phiếu.

9 nhà đầu tư được Nam Long chào bán cổ phiếu riêng lẻ. (Nguồn: Nam Long).

9 nhà đầu tư được Nam Long chào bán cổ phiếu riêng lẻ. (Nguồn: Nam Long).

Với các mức giá này, Nam Long dự kiến có thể thu về ít nhất là 1.848 tỷ đồng và nhiều nhất là 2.256 tỷ đồng từ đợt chào bán này.

60 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày kết thúc đợt chào bán theo quy định của pháp luật.

Theo kế hoạch, Nam Long sẽ dành 200 tỷ đồng trong số tiền huy động được góp vốn vào công ty con để đơn vị này nhận chuyện nhượng dự án PG Hải Phòng, 1.800 tỷ đồng được dùng để tài trợ một phần vốn đầu tư dự án Akari – Lô F theo chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 31/12/2020.

Theo danh sách nhà đầu tư dự kiến tham gia phát hành, ngoài GEX, còn nhiều tổ chức khác, trong đó, CTCP Đầu tư Thái Bình được phân phối lớn nhất là 15,6 triệu cổ phiếu và hiện tổ chức này đã nắm giữ gần 17,3 triệu cổ phiếu NLG. Nếu mua thành công, Đầu tư Thái Bình sẽ nắm giữ 9,5% vốn NLG sau phát hành.

Một số nhà đầu tư ngoại khác có tên trong danh sách gồm Norges Bank, KIM Vietnam Growth Equity Fund, PYN Elite Fund, Vietnam Capital Partners Ltd, Ibeworth Pte.Ltd…

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Các nhà đầu tư và số lượng nhận phân phối cụ thể, sau cùng của đợt phát hành riêng lẻ có thể khác so với danh sách này.

Nam Long mang loạt dự án thế chấp ngân hàng

Trước đó, theo thông tin từ VnBusiness được biết, báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán của Nam Long ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 giảm nhẹ so với năm 2019, đạt 2.260 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng mạnh 178%, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng, trong khi khoản thu nhập khác chỉ còn 30 tỷ đồng (năm ngoái là 405 tỷ đồng), sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, lợi nhuận sau thuế của Nam Long đạt 850 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019.

Tổng tài sản tính đến 31/12/2020 là 13.642 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với con số đầu năm, tuy nhiên, chất lượng tài sản đi xuống khi phần tăng này tập trung chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn 2.227 tỷ đồng (tăng 43,8%), hàng tồn kho 6.069 tỷ đồng (tăng 41,2%); còn tiền và tương đương tiền lại giảm từ 1.900 tỷ đồng đầu năm xuống còn 1.073 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng và tăng các khoản phải thu đã đẩy dòng tiền kinh doanh của Nam Long vào thế âm 1.110 tỷ đồng, trong khi năm ngoái dương 325 tỷ đồng. 

Nợ phải trả 6.922 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 4.704 tỷ đồng hồi đầu năm, trong đó vay nợ 2.456 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa. Các khoản vay nợ của Nam Long chủ yếu là phát hành trái phiếu với 1.125 tỷ đồng; vay nợ ngân hàng 1.241 tỷ đồng. Để vay được ngân hàng, Nam Long đã phải mang hàng loạt quyền sử dụng đất tại các dự án thế chấp như Dự án Hoàng Nam (Akari), Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Dự án Novia. Dự án Vàm Cỏ Đông Waterpoint, Dự án Ehome 4… Một phần tiền gửi ngân hàng (591 tỷ đồng) cũng được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay ngân hàng của Nam Long. Lãi suất vay ngân hàng dao động từ 4,5% - 10,2%.

Đáng lưu ý, dù phải mang dự án và tiền gửi ngân hàng thế chấp vay vốn với lãi suất lên đến 10,2%/năm thì Nam Long lại cho vay 145 tỷ đồng, trong khi năm ngoái không có khoản này. Bên vay là ông Nguyễn Thành Đồng, bà Vũ Bích Lan, ông Trần Thanh Phong (Phó chủ tịch thường trực), ông Cao Tấn Thạch (Thành viên HĐQT) với lãi suất chỉ 6%/năm. 

Từ đầu tháng 8/2020, cổ phiếu NLG của Nam Long đã tăng tương đối mạnh. Tới giữa tháng 2/2021, NLG đạt đỉnh. Sau hơn nửa năm, NLG đã tăng khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 61%. Chứng kiến NLG đạt “đỉnh”, nội bộ Nam Long đã thực hiện… nhiều đợt bán ra.

Cuối tháng 2, Nam Long công bố đưa 10 triệu cổ phiếu quỹ ra bán để tài trợ vốn lưu động và mở rộng quỹ đất. Đây là toàn bộ số cổ phiếu quỹ hiện Nam Long đang sở hữu. Nếu thương vụ thành công, Nam Long sẽ thu về hơn 300 tỷ đồng.

Trước đó, bà Ngô Thị Ngọc Liễu, mẹ ông Cao Tấn Thạch, thành viên HĐQT đã bán 522.600 cổ phiếu NLG. Thương vụ này có thể mang về cho bà Liễu khoảng 17 tỷ đồng. Trước đó, bà Liễu đã bán 617.700 cổ phiếu NLG.

Ông Chu Chee Kwang, nguyên Tổng giám đốc Nam Long bán 1 triệu cổ phiếu. Ông Chu Chee Kwang có thể thu về 36 tỷ đồng.

Anh trai ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT bán ra 5.000 cổ phiếu NLG. Bản thân ông Nguyễn Xuân Quang đã bán 2.000.000 cổ phiếu.

Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng - Phát triển Nam Khang bán ra hơn 11,3 triệu cổ phiếu NLG. Ông Nguyễn Lưu Tuyền - Thành viên Tiểu ban Kiểm toán đã bán 22.500 cổ phiếu. Mẹ ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó TGĐ đã bán 44.920 cp. Ông Châu Quang Phúc - GĐ Tài chính đã bán 200.000 cổ phiếu. Ông Phạm Đình Huy - Giám đốc Đầu tư đã bán 54.700 cổ phiếu. Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp đã bán 1.500.000 cổ phiếu.

Có thể thấy, đầu năm 2021, Nam Long chứng kiến những lãnh đạo cấp cao nhất tại Nam Long ồ ạt bán ra cổ phiếu NLG.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, cổ phiếu NLG đang giao dịch ở mức 39.400 đồng/cổ phiếu.

Ánh Tuyết

Theo KTDU

Từ khóa: