Sự kiện hot
12 năm trước

Lương cần phản ánh đúng công sức của người lao động

Bộ Nội vụ đang đưa ra ba phương án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 với các mức lương tối thiểu là 1,68 triệu, 2 triệu và 3,15 triệu đồng/tháng. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lương của công chức không đủ sống, nhưng nhiều người vẫn sống khoẻ nhờ phụ cấp cao hơn rất nhiều lần lương.

Bộ Nội vụ đang đưa ra ba phương án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 với các mức lương tối thiểu là 1,68 triệu, 2 triệu và 3,15 triệu đồng/tháng. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lương của công chức không đủ sống, nhưng nhiều người vẫn sống khoẻ nhờ phụ cấp cao hơn rất nhiều lần lương.

Vấn đề đặt ra là cải cách tiền lương như thế nào để ngân sách chịu đựng được và người lao động thực sự được trả lương xứng đáng. Cải cách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, loại bỏ những công chức chỉ ngồi chơi... chờ lương cuối tháng.

Một cơ chế tốt được phản ánh ở khía cạnh công việc hiệu quả, lương cao. Ảnh minh họa

Rụt rè với mức lương tối thiểu 3,15 triệu đồng/tháng

Bộ Nội vụ mới đây đã đưa ra 3 phương án cải cách tiền lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020 để xin ý kiến đóng góp của từng tỉnh thành trước khi trình Chính phủ.

Phương án đầu tiên sẽ dựa trên cơ sở tính toán mức tăng lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng 1 của khu vực doanh nghiệp là 2 triệu đồng/tháng. Phương án hai quy định lương tối thiểu bằng mức bình quân mức lương tối thiểu cả 4 vùng của khu vực doanh nghiệp khoảng 1,68 triệu đồng/tháng. Phương án cuối cùng là xác định nhu cầu của người lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước tương ứng khoảng 3,15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi được hỏi và đóng góp ý kiến này, một số đại diện của các tỉnh đều chọn phương án tăng mức lương tối thiểu lên 1,68 triệu đồng/tháng vì cho rằng dễ triển khai trong thực tế, đồng thời cũng đảm bảo tính cạnh tranh của tiền lương công chức nhằm thu hút người tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Ru - phó trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng phương án đầu tiên là thỏa đáng nhất. Phương án này sẽ thu hút được người có năng lực về khu vực nông thôn làm việc chứ không phải tạo nên sự chênh lệch giữa cán bộ, công chức với thu nhập của người dân vùng khó khăn.

Rõ ràng những người đã được đóng góp ý kiến với ba phương án tăng lương đều không chọn phương án tăng lương tối thiểu lên 3,15 triệu đồng/tháng. Thực tế, có chuyên gia đã chỉ ra rằng, với mức lương tối thiểu hiện nay, công chức không đủ sống. Lương của một cán bộ xã có thâm niên 20-25 năm không bằng lương của người thợ điện. Như thế thì không hợp lý, không thể thu hút nhân tài vào làm việc cho bộ máy Nhà nước.

Nhìn nhận thực tế này, TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả) cho rằng: "Nếu với mức lương tối thiểu 3,15 triệu đồng/tháng thì người công chức gần đến tuổi nghỉ hưu mới có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng như thế mới tạm gọi là đủ sống. Và điều kiện gọi đủ sống là lạm phát những năm tiếp theo phải kỳ vọng ở một chữ số".

Lương công chức đảm bảo cuộc sống trung lưu?

Từ 1/5/2012, mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng lên từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng mỗi tháng. Dù vậy, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra rằng, mức lương này vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng 4 là 1,4 triệu đồng) và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng 1 là 2 triệu đồng). Hiện nay, mức lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011 là quá thấp và không đủ đáp ứng các nhu cầu hạn chế.

Nhìn nhận thực tế này, TS. Vũ Đình Ánh nói: "Lương công chức không đủ sống nhưng họ vẫn sống mà không cần lương. Vì vậy vấn đề điều chỉnh tăng lương khiến tôi đặt câu hỏi: Liệu có giải quyết được vấn đề để công chức sống được bằng lương hay không? Và giải quyết câu chuyện họ không sống bằng lương bằng cách nào? Nhưng vấn đề lớn hơn đặt ra là bộ máy khổng lồ đang tồn tại trong các cơ quan Nhà nước mà điều chỉnh tăng lương cho đủ sống, điều này sẽ vượt qua sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước, và của cả nền kinh tế. Do đó, ngân sách khó mà chịu đựng được, tôi nghĩ phải gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính".

Phải ưu tiên ngân sách để giải quyết vấn đề này

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu Kinh tế- xã hội Hà Nội) cho rằng: "Cả nước cùng có mức lương như vậy nên ai chẳng phải làm thêm. Muốn cải cách tiền lương, công chức được hưởng lương đúng với công sức thì phải chờ lớp biên chế mới teo đi, lớp biên chế cũ về hưu thì việc cải cách tiền lương mới hiệu quả. Chứ công chức người làm việc, người không làm việc đang là một khối khổng lồ cùng "đồng ca" tăng lương thì... thủng ngân sách".

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, trong bộ máy Nhà nước còn những công chức ngồi chơi cuối tháng lĩnh lương thì việc cải cách tiền lương vẫn chưa đạt được mục tiêu. Từ việc cải cách hành chính sẽ tính được số lượng công chức, viên chức hưởng lương ngân sách là bao nhiêu. Và từ đó, tính được hiệu quả, hiệu suất hoạt động của bộ máy tương ứng với mức lương mà họ được hưởng. "Làm được như vậy, chúng ta phải giải quyết được hai bài toán, thứ nhất là phải phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, thứ hai là người hưởng lương phải tương xứng với năng lực trình độ cũng như công sức cống hiến cho bộ máy hành chính", TS Ánh khẳng định.

Lương công chức vẫn phải giữ ngạch, bậc và không thể trả theo vị trí quản lý được nhằm đảm bảo đánh giá chung sự cống hiến của công chức. TS. Lê Đăng Doanh khẳng định: "Trong hoạt động công chức, phân theo ngạch bậc là đúng. Công chức không thể đứng trong tốp đầu thu nhập trong xã hội được mà chỉ ở mức trung bình hoặc khá thì được xem là đủ sống. Còn đủ sống thế nào lại phụ thuộc vào địa bàn, phụ thuộc vào khu vực".

Có ý kiến cho rằng, lương công chức phải đủ nuôi bản thân và nuôi được ít nhất hai người phụ thuộc (giống tiêu chuẩn của công chức nước ngoài- một người đi làm nuôi cả nhà) cải cách tiền lương lần này phải làm được như vậy. Không đồng tình với quan điểm này, ông Ánh nói: "Chúng ta cũng không thể làm theo kiểu làm việc ở Việt Nam mà hưởng mức lương giống như nước ngoài. Chúng ta cũng không thể so sánh lương ở Việt Nam so với thế giới được".
Tuy nhiên, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, cách tính lương bây giờ chưa phản ánh đúng công sức của người lao động. "Lương của tôi 5-6 triệu đồng/tháng không phản ánh đúng sự cống hiến của tôi. Nếu nhìn nhận đúng những người không nhiều như chúng tôi thì trả lương 20 triệu đồng/tháng cũng chưa tương xứng. Nhưng tôi cũng "đành quen" với tình hình chung của đất nước".

Khi PV đặt câu hỏi: "Nếu cải cách tiền lương tối thiểu lên đến 3,15 triệu đồng mà nhân với hệ số lương của ông đang hưởng, liệu ông có đủ sống hay không?", TS Vũ Đình Ánh phản biện: "Nói chung vấn đề này khó nói, ăn thì vợ nuôi rồi, một tháng hết 600.000 đồng tiền thuốc, ăn trưa thì có khi lại có người mời, nên với tôi chỉ tiêu dùng cho cá nhân tôi là đủ sống, tối đa là 2 triệu, nhiều hơn là thừa. Vậy thì nói đủ sống hay không thì vô cùng. Theo tôi, cải cách tiền lương phải tính đến cải cách hành chính, tinh giảm biên chế như thế nào để trả lương xứng đáng với sức lao động của họ, đây mới là gốc của vấn đề".

Xung quanh đề án cải cách tiền lương, nhiều ý kiến cho rằng không nên xếp theo ngạch bậc mà tất cả xếp theo lương, theo vị trí quản lý. Vị trí của người quản lý lượng hóa được vị trí đó khối lượng công việc như thế nào, chất lượng ra sao thì gắn với đó tiền lương như thế nào. Điều này thì không hề đơn giản đối với bất cứ quốc gia nào. Nếu họ kiêm nhiệm thêm chức vụ thì có chế độ trả riêng giống như bây giờ gọi là phụ cấp chức vụ nhưng cũng phải gắn với trách nhiệm.

GS-TS Nguyễn Thị Cành (trưởng bộ môn Tài chính, Trường ĐH Kinh tế -Luật TP.HCM) cho rằng, cần phải quy định để hệ số lương lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên phải cao chứ như hiện nay còn rất thấp. Lãnh đạo không có lương tốt thì làm sao trong sạch được. Lương lãnh đạo phải tương xứng với chức vụ của họ vì nếu lương không tốt thì họ không thể toàn tâm phục vụ đất nước.

Vương Hà
Theo Người đưa tin

Từ khóa: