Sự kiện hot
7 năm trước

Lương tối thiểu tăng 8-12% nhưng năng suất lao động chỉ tăng 4-5%

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp các vấn đề khó về chi phí, lãi suất cao tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục...


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Duc Trung/MPI)

Trước Thủ tướng Chính phủ và 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp có mặt trực tiếp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 sáng nay (17/5) và các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bảo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 35 hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục. Lấy ví dụ thực tế, Bộ trưởng Dũng chỉ ra, hiện nay, chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Chi phi nộp thuế tại Việt Nam bằng 39% lợi nhuận làm ra, cao nhất trong nhóm ASEAN 4. Mức thuế này hiện gấp đôi tại Singapore.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận thực trạng chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5 - 2 lần so với trước đây, thời gian kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Ngoài ra các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra lãi suất bình quân của Việt Nam hiện cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7 - 9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%, Malaysia 4,6%, Hàn Quốc 2-3%, Nhật Bản 0,95%.

"Tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua từ 8 - 12%, đem lại lợi ích cho người lao động, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại chỉ đạt 4 - 5%", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ. Hiện tại, mức đóng bảo hiểm tại Việt Nam khoảng 22% lương tháng là cao, so với Malaysia chỉ là 13%, Philippines là 10%.

Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, thanh toán chậm và thủ tục phiền hà đối với các dự án và dịch vụ công do doanh nghiệp cung cấp chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng lớn đến chi phí và rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thời gian tới cần khắc phục ngay các bất cập trong quản lý dự án BOT, mức thu phí, vị trí thu phí. "Chuyển sang thu phí điện tử không dừng, áp dụng công nghệ phù hợp để giám sát thu phí; đấu thầu công khai trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT", Bộ đưa ra gợi ý.

Cùng với đó, cần có các giải pháp phù hợp để giảm lãi suất; đẩy nhanh xử lý vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản để trả nợ cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị nhằm tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả Nghị quyết 35.

“Yếu tố then chốt là người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả; cán bộ công chức phải thay đổi tư duy, thái độ, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ”, Bộ trưởng nói.

Nam Anh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: