Sự kiện hot
5 năm trước

Lý giải việc ‘nhét’ bệnh viện vào khu dân cư

Mới đây, hàng trăm cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tập trung, căng băng rôn phản đối việc quy hoạch chi tiết của 1/500 của dự án này được điều chỉnh. Các cư dân cũng yêu cầu chủ đầu tư - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp - CĐT) thực hiện việc cấp giấy đỏ, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng.

Theo bản quy hoạch chi tiết 1/500 kèm theo Quyết định 368/2010 của UBND TP Hà Nội, trong khu đô thị không có bệnh viện (BV) ung bướu và mật độ xây dựng khá thấp nhưng đến nay nhiều thứ đã thay đổi.

Thêm bệnh viện, tăng mật độ xây dựng

Khu đô thị Ngoại giao đoàn được thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm hành Quyết định 2905/QĐ-QHKT phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu Đoàn ngoại giao tại các lô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1.

Cụ thể, các lô đất trên được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng từ 20,5% đến 40%; các tòa nhà tăng số tầng và thêm cả tầng hầm. Đáng chú ý nhất là lô ĐMKT1 có diện tích 4.800 m2 ban đầu được quy hoạch là để xây dựng đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) nhưng sau đó được chuyển thành đất xây BV ung bướu với quy mô 12 tầng + hai tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.

Theo các cư dân, việc điều chỉnh quy hoạch này được diễn ra rất kín đáo, không có sự tham vấn ý kiến của cư dân. Đây chính là tâm điểm gây bức xúc lớn cho họ. Nhiều người lo ngại việc ở sát BV có thể không bảo đảm vệ sinh cho nguồn nước sau xử lý của toàn khu; có nguy cơ rò rỉ các chất từ phòng xạ trị của BV ra khu vực.

Người dân cũng cho rằng việc thay đổi quy hoạch dự án sau khi họ đã mua nhà, đất, dọn đến sinh sống ở đây khiến họ bị thiệt thòi.

Lý giải việc ‘nhét’ bệnh viện vào khu dân cư - ảnh 1
Người dân căng băng rôn phản đối việc xây bệnh viện trong khu đô thị Ngoại giao đoàn. Ảnh: CTV

Đất xây bệnh viện không còn thuộc về chủ đầu tư

Trước bức xúc của cư dân, ông Nguyễn Đỗ Quý, Phó Tổng Giám đốc Hancorp, cho biết theo quy hoạch mới, khu ĐMKT1 xây trạm biến áp đã được điều chỉnh thành BV ung bướu. UBND TP Hà Nội cũng đã có quyết định thu hồi khu đất này. Như vậy, hiện nay lô đất này không phải do Hancorp quản lý hay làm CĐT nữa.

Đứng ở góc độ một chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Phú Đông Group, chia sẻ: “Không thể vội vã kết luận việc làm của CĐT khu Ngoại giao đoàn là đúng hay sai. Nếu CĐT chuyển đổi từ đất quy hoạch dùng cho mục đích công cộng sang đất thương mại dịch vụ, xây dựng nhà ở thì sẽ là sai trái. Nhưng nếu đó là đất quy hoạch cho mục đích công cộng, nay chuyển đổi chức năng sang trường học, BV, công viên… thì không sai. Bởi đã là đất dịch vụ công cộng thì có thể chuyển đổi sao cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu chung của cộng đồng, xã hội”.

Theo ông Phúc, về quy trình thay đổi quy hoạch chi tiết thì CĐT được phép đề xuất thay đổi công năng, chức năng các khu vực trong quy hoạch 1/500. Ví dụ, quy hoạch 1/500 từ 10 năm trước đến nay không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi thì CĐT có quyền đề nghị cơ quan quản lý xem xét phương án điều chỉnh.

CĐT phải lập phương án đề xuất thay đổi trình cho UBND các cấp tại địa phương đó. Nếu địa phương chấp thuận chủ trương thì CĐT phải thực hiện tiếp bước tham vấn ý kiến của cộng đồng. Khi số lượng cộng đồng ủng hộ (trên 50%) thì CĐT và các cơ quan quản lý mới được thực hiện các bước tiếp theo là chuẩn y theo phương án thay đổi quy hoạch đã được phê duyệt và điều chỉnh.

Lãnh đạo một hiệp hội trong lĩnh vực bất động sản phân tích sâu hơn. Theo đó, cần hiểu rõ là CĐT Hancorp không có quyền tự ý thay đổi quy hoạch cũng như xây dựng BV. Bởi chỉ có UBND TP mới có quyền quyết định hoặc thay đổi quy hoạch. Việc xây dựng BV ung bướu là để phục vụ cho TP.

Cũng theo vị này, chính quyền địa phương có quyền quyết định mục đích sử dụng đất. Nghĩa là đất để xây nhà, làm công viên, BV, trường học, hồ điều hòa… đều phải nhận được sự chấp thuận và phê duyệt của TP dựa trên cơ sở những lợi ích chung của cộng đồng.

Theo một chuyên gia bất động sản, nỗi lo của người dân về việc gần BV sẽ không an toàn về môi trường, phóng xạ, nguồn nước là không chính xác. Bởi BV luôn phải theo quy chuẩn chung, đảm bảo an toàn chung. Cho dù CĐT muốn tự ý xây dựng BV trong khu dân cư cũng không được vì đây là loại công trình Nhà nước đầu tư, lập quy hoạch và quyết định. Nói cách khác, BV không phải của riêng khu dân cư đó mà là của cả TP, thậm chí cả nước. 

Thủy Linh
Theo Pháp luật

Từ khóa: