Sự kiện hot
12 năm trước

Mặt bằng cho thuê ế ẩm

Mặc dù treo biển thông báo tìm khách cả tháng, với ưu đãi như giảm giá, giãn tiến độ thu tiền, song chủ cửa hàng vẫn không tìm được khách thuê.

Mặc dù treo biển thông báo tìm khách cả tháng, với ưu đãi như giảm giá, giãn tiến độ thu tiền, song chủ cửa hàng vẫn không tìm được khách thuê.

Dọc trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, những tấm biển "Cho thuê cửa hàng", "Tìm người thuê lại mặt bằng"... xuất hiện khá nhiều. Chỉ riêng đoạn đường 100 m cuối phố Đê La Thành đã có tới 3 nhà mặt phố treo bảng tìm khách kèm số điện thoại liên hệ. Đếm sơ qua, cả con phố trên có hơn chục mặt bằng đang tìm người mướn. Tình trạng tương tự diễn ra trên một số trục đường khác như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy, Tây Sơn...

Nhiều cửa hàng đóng cửa cho thuê lại mặt bằng. Ảnh: Xuân Ngọc

Treo biển "Cho thuê mặt bằng" suốt từ hôm 4 Tết song đến nay, anh Thành, chủ cửa hàng cuối đường Đê La Thành vẫn chưa tìm được khách. Anh kể, trong gần 2 tuần qua mới có hai khách liên hệ để xem vị trí, diện tích, hỏi giá cả song đều hẹn "sẽ gọi lại sau".

Cửa hàng được anh Thành cho thuê từ hồi cuối năm 2009. Đến gần Tết Nguyên Đán 2012, chủ kinh doanh đồ nội thất muốn trả mặt bằng vì buôn bán gặp nhiều khó khăn. Mặc dù anh cam kết không tăng tiền nhà trong năm tới song khách thuê vẫn không thể trụ lại.

Bác Nguyễn Văn Vương, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngay hồi tháng 11, chủ tiệm giày - khách thuê trước đây - thông báo sang năm 2012 sẽ không ký tiếp hợp đồng, bác đã treo biển tìm người mới. Song đến nay là gần 3 tháng mà vẫn chưa có ai mướn lại. "Để không như vậy hơn một tháng nay rồi, tính ra mất khoảng hơn chục triệu đồng", bác Vương nói.

Nhớ lại hồi bắt đầu cho thuê cửa hàng này cuối năm 2006, bác Vương cho hay, chỉ trong vòng một tuần đã có tới 5-6 người hỏi và sẵn sàng làm hợp đồng. Nay chờ mỏi mắt không thấy người thuê, bác Vương định bán đứt thì giá bị rớt mạnh. "Từ 11 tỷ đồng vào năm 2010, đến nay, căn nhà bán chỉ được định giá khoảng 7 tỷ đồng", bác than.

Giá thuê cửa hàng không tăng so với hồi cuối 2011. Tại một số tuyến phố nhỏ, giá giảm khoảng 5-10% song vẫn khó tìm được người mướn. Ảnh: Xuân Ngọc

Không những chủ nhà, bản thân khách thuê dài hạn cũng đang cố tìm người mướn mặt bằng. Kinh doanh chăn ga gối đệm trên phố Tây Sơn, anh Nam treo biển bán thanh lý. Ngay sát đó là tấm bảng "Cho thuê mặt bằng". Anh chia sẻ, sang tháng sau, vợ chồng anh sẽ chuyển vào TP HCM sinh sống. Nhưng lỡ trả tiền nhà theo hợp đồng đến hết tháng 6/2012 nên giờ phải tìm người chuyển nhượng lại. Theo đó, nếu may mắn gặp được khách buôn bán trùng mặt hàng, anh sẽ để lại toàn bộ sản phẩm với giá rẻ thậm chí giãn tiến độ đóng tiền.

Tuy nhiên, thông báo từ trước Tết, đến nay, anh Nam vẫn chưa cho thuê lại được. Khách đến hỏi, người chê giá cao, người xem qua loa rồi đi. "Nếu nhà của mình thì dễ ra giá hơn, nhưng đây tôi cũng là đi mướn. Cũng do đúng đợt Tết nên chắc ít người có nhu cầu, hi vọng tuần tới, ra hẳn Rằm chắc sẽ khá hơn", anh Nam hi vọng.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ hiện nay dao động từ khoảng 400.000 đến 2 triệu đồng cho mỗi m2, tùy theo vị trí, diện tích... Một cửa hàng rộng 25m2 trên phố Đê La Thành có giá mướn là 15 triệu đồng một tháng, shop 15m2 trên phố Nguyễn Chí Thanh chào thuê khoảng 10 triệu đồng... Trong khi đó, cửa hiệu rộng chưa đầy 20m2 trên khu vực quận Hoàn Kiếm, giá thuê không dưới 30 triệu đồng, còn tiệm nhỏ trên tuyến phố Lạc Trung, Mai Động, Quỳnh Lôi... khoảng 5-7 triệu đồng.

Theo nhiều chủ kinh doanh, mức trên không cao hơn hồi cuối năm 2011, thậm chí tại một số nơi, giá còn rẻ hơn khoảng 5-10%. Tuy nhiên, do nhu cầu giảm, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn nên lượng người trả mặt bằng tăng, khách thuê giảm, mặt bằng cho mướn theo đó cũng bị ế ẩm.

Cam kết không tăng giá so với hợp đồng năm 2011, bác Đỗ Thị Định, chủ cửa hàng trên phố Lạc Trung, Hà Nội vẫn bị khách từ chối thuê tiếp. Chờ hơn một tháng nay, chưa có người mới mướn lại, bác hạ giá từ 7 triệu đồng xuống còn 6,5 triệu đồng một tháng, thu tiền nửa năm một lần. "Có 2 bà cháu sống với nhau, dựa cả vào tiền thuê nhà. Tôi chẳng biết buôn gì, mà có bán cũng không lời được từng đó nên đành hạ giá, chờ khách hỏi", bác Định tâm sự.

Theo VNE


Từ khóa: