Sự kiện hot
7 năm trước

Mẹ là giáo viên mầm non tự làm đồ chơi cho con chẳng tốn mấy đồng

Với kinh nghiệm là một giáo viên mầm non, chị Ngọc Hiếu (TP.HCM) đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tự tay làm đồ chơi cho con với nguyên liệu dễ kiếm tìm và có chi phí khá rẻ.

Nhiều bố mẹ cho rằng, muốn con phát triển toàn diện, rèn luyện sự thông minh, nhanh nhẹn bằng cách không tiếc tiền mua đồ chơi sang cho con. Tuy nhiên, với cô giáo mầm non Lê Thị Ngọc Hiếu lại có quan điểm khác, chị không chọn đồ chơi đắt tiền, chị chọn cách rủ con cùng làm đồ chơi, cùng chơi với con với những đồ chơi mình tự tạo ra từ nguyên liệu có chi phí thấp. Thời gian chơi cùng con, cả mẹ và con đều cảm thấy vui vẻ và học được nhiều điều bổ ích.

Cùng trò chuyện với chị Ngọc Hiếu để có thêm kinh nghiệm tự làm đồ chơi ở nhà cho con:

- Chào chị, được biết chị thường tự làm đồ chơi cho con, chị có lý do đặc biệt gì khi chọn cách tự làm thay vì đi mua như nhiều phụ huynh vẫn làm?

- Không có lý do gì đặc biệt ngoài việc mình là một người mẹ và cũng là một giáo viên mầm non. Là một giáo viên có thâm niên chục năm trong nghề đã giúp mình hiểu rằng đồ dùng đồ chơi có tác dụng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách cho một đứa trẻ.

Bên cạnh đó, những đồ chơi mình làm cho con giúp con được tự do thao tác, hoạt động, được tự do trải nghiệm, được tự do thể hiện những nhu cầu cá nhân, dần dần giúp con hoàn thiện các kĩ năng, giúp con phát triển toàn diện.

Và quan trọng là chị dành tất cả tình yêu của mẹ vào những món đồ chơi mình làm cho con. Thấy con chơi vui vẻ, thích thú thì mẹ thật sự rất hạnh phúc.

Chị Ngọc Hiếu bên hai thiên thần nhỏ.

- Khi làm đồ chơi cho con, chị có tham khảo nguồn tài liệu gì không?

- Khi làm đồ chơi cho con thì mình thường học hỏi các nguồn tài liệu: sách "Tâm lý học trẻ em", sách "Tổ chức hoạt động với đồ vật cho trẻ em dưới 3 tuổi" của cô giáo Phan Thị Minh Hà, các tài liệu liên quan đến sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và nhất là sự quan sát con mỗi ngày để có thể làm những món đồ chơi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con, biết được con đang cần phát triển kĩ năng gì, con mong muốn khám phá điều gì.

- Theo chị, ở lứa tuổi mầm non, các bé nên chơi những trò chơi gì? Những trò chơi ấy nhằm giúp phát triển kỹ năng gì?

- Ở lứa tuổi mầm non thì hoạt động chơi, đồ chơi hết sức cần thiết đối với trẻ. Bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có nhu cầu chơi và được chơi. Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em, đồ chơi quan trọng đối với trẻ như cày cuốc của người nông dân vậy. Mình ví dụ vậy để cha mẹ dễ hình dung.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có những trò chơi phù hợp. Ví dụ giai đoạn phát triển của trẻ 3 - 4 tháng thì bắt đầu vươn tới và cầm đồ chơi thì những món đồ chơi treo nôi nhiều màu sắc treo ở ngay tầm mắt của trẻ sẽ kích thích trẻ nhìn, quan sát và mong muốn được cầm đồ chơi.

Từ 6 tháng sẽ biết nắm giữ, cầm đồ chơi. Mình sẽ cho con được cầm, nắm các loại đồ chơi: mềm như thú bông, tròn của quả bóng...

7 - 8 tháng trẻ biết lắc, gõ, đập, ném, ngậm đồ chơi, trẻ sẽ chơi với những đồ dùng phát ra âm thanh.

9 - 10 tháng trẻ biết khám phá đồ chơi: bóp, mân mê... Con sẽ được cầm nắm các loại đồ chơi các chất liệu khác nhau.

Trẻ 1 tuổi hào hứng với những đồ chơi màu sắc, hình dáng hấp dẫn.

Trẻ 2 tuổi tích cực dùng tay, mắt, tai... để khám phá.

Trẻ 3 tuổi kĩ năng sử dụng đồ dùng, đồ chơi phát triển và trẻ có khả năng tự phục vụ bản thân.

- Theo chị, yếu tố quan trọng khi làm đồ chơi cho con là gì?

- Yếu tố quan trọng để làm đồ chơi là đảm bảo an toàn cho con, có mục đích phát triển rõ ràng và nhất là đẹp nữa.

- Để việc chơi cùng con được hiệu quả, bố mẹ cần làm gì?

- Để việc chơi cùng con hiệu quả thì bố mẹ dành thời gian tương tác cùng con, đừng ngăn cản con được tự do hoạt động, chơi và khám phá. Quan trọng là con chơi theo ý con chứ không phải chơi theo ý bố mẹ.

- Mỗi trò chơi chị tự làm cho con hết nhiều thời gian không? Chi phí bỏ ra khoảng bao nhiêu?

- Mỗi trò chơi mình làm cho con khá nhanh khoảng 30 phút - 1 tiếng, quan trọng là mình nảy sinh ý tưởng thì sẽ làm ngay và có những đồ chơi từ nguyên liệu mở thì sẽ mất thời gian tích lũy. Và đồ chơi mình làm khá rẻ, có khi không mất đồng nào vì chủ yếu từ nguyên liệu tái chế.

- Bé cảm thấy như thế nào khi được chơi trò chơi mẹ tự làm?

- Bé cảm thấy hào hứng và vui vẻ khi chơi, khám phá đồ chơi của mẹ và chơi hoài không chán. Con có thể ngồi mày mò chơi 5 - 10 phút, khoảng thời gian không nhỏ dù con chỉ 10 tháng. Và đồ chơi mẹ làm luôn kích thích để con được hoạt động.

- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích và tâm huyết với độc giả.

Tham khảo bộ sưu tập trò chơi chị Ngọc Hiếu đã tự làm cho con gái:

Mỹ Anh - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: