Sự kiện hot
12 năm trước

Mùa lễ hội đầu xuân: Hút khách du lịch đến Hà Nội

Mùa xuân là mùa lễ hội. Tại Hà Nội - mảnh đất văn hiến ngàn năm lịch sử, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá sẽ diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khi xuân về. Đây cũng là thời điểm Hà Nội thu hút hàng triệu lượt khách du lịch.

Mùa xuân là mùa lễ hội. Tại Hà Nội - mảnh đất văn hiến ngàn năm lịch sử, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá sẽ diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khi xuân về. Đây cũng là thời điểm Hà Nội thu hút hàng triệu lượt khách du lịch.

Sôi động lễ hội đầu xuân

Theo thống kê của Sở VHTTDL Hà Nội, mỗi năm ở HN có 1.095 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức trong dịp xuân. Hàng loạt lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức để tưởng nhớ những nhân vật truyền thuyết, lịch sử như: Lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng giêng) được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Vua Quang Trung - người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử chống giặc Thanh của dân tộc, lễ hội đền Sóc (6-7 tháng giêng) thờ Thánh Gióng - vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân, hội đền Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng giêng) tưởng nhớ công lao, tài đức, khí phách của hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán, lễ hội Cổ Loa (6-8 tháng giêng) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi. Lễ hội gắn liền với truyền thuyết “nỏ thần” và chuyện tình Mị Châu - Trọng Thuỷ...

Sẽ hạn chế việc “rải tiền lẻ” vào mùa lễ hội năm nay.

Đặc biệt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của VN) là nơi luôn thu hút rất đông du khách đến du xuân, xin chữ cầu may trong những ngày đầu năm mới. Đây là một trong những nét đẹp truyền thống bao đời của người dân Việt.

Bên cạnh đó, hội chùa Hương (15 tháng giêng - 15 tháng ba - Mỹ Đức, Hà Nội) là lễ hội kéo dài thời gian nhất ở nước ta, mỗi năm thu hút hàng chục vạn người tham dự. Du khách đến đây cầu phúc, cầu may, đồng thời thăm thú cảnh đẹp chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hùng vĩ, sông suối nên thơ, hang động kỳ thú. Cùng với đó, nhiều lễ hội làng vùng ngoại thành Hà Nội cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách như lễ hội chùa Thầy, hội chùa Trăm Gian, Tây Phương, lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức), làng gốm (Bát Tràng), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)...

Quản lý chặt công tác tổ chức lễ hội

Sở VHTTDL thành phố cho biết, do số lượng lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân quá lớn, thu hút đông người dân từ khắp các địa phương đến tham quan, mặt khác lại diễn ra rộng khắp ở các quận, huyện, xã, phường của thành phố, nên công tác quản lý rất khó khăn. Năm 2012, ngành VHTTDL lên kế hoạch kiểm tra tại 21 lễ hội thu hút đông người dân và du khách tham gia như: Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh); đình + đền Cổ Loa (xã Cổ Loa, Đông Anh); chùa Đậu (Thường Tín); phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ); chùa Hương (Mỹ Đức), đền Đức Thánh Cả (huyện Ứng Hòa)...

Tại các địa danh trên, sở sẽ tập trung kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức lễ hội, phòng, chống cháy nổ, lưu hành văn hoá phẩm...; trong đó chú trọng kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra và xử lý nghiêm khắc khi phát hiện các hoạt động mê tín dị đoan, bày bán các ấn phẩm không được phép lưu hành; các hình thức cờ bạc núp bóng trò chơi. Đặc biệt, để hạn chế hình ảnh phản cảm “rải tiền lẻ” của người dân tại một số điểm lễ hội, các cơ quan chức năng sẽ cho “giăng lưới” để thu hồi những tờ tiền trên. Đồng thời, thành phố khuyến khích tổ chức những trò chơi dân gian; hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội...

Bích Hường
Theo Lao dong

Từ khóa: