Sự kiện hot
11 năm trước

Mua nhà ở xã hội sẽ được vay vốn ưu đãi

Dantin - Theo Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, quan điểm của Chính phủ là sẽ sửa các quy định cần thiết để người dân được vay vốn mua nhà ở xã hội, chứ không chỉ là vay để đi thuê. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với những người có thu nhập thấp từ gói kích cầu bất động sản 1,4 tỷ USD (30.000 tỷ đồng) từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Dantin - Theo Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, quan điểm của Chính phủ là sẽ sửa các quy định cần thiết để người dân được vay vốn mua nhà ở xã hội, chứ không chỉ là vay để đi thuê. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với những người có thu nhập thấp từ gói kích cầu bất động sản 1,4 tỷ USD (30.000 tỷ đồng) từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Lợi cho người nghèo

Trước đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng dự thảo không cho các đối tượng được hỗ trợ vay vốn lãi suất 6%/năm mua nhà ở xã hội đang gặp nhiều phản ứng từ người dân, doanh nghiệp, cũng như sự phản đối từ chính đơn vị phối hợp là Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, dự thảo thông tư của NHNN đưa ra như vậy là chưa hỗ trợ đúng đối tượng, cũng không kích đúng đầu cầu cần tháo gỡ nhất. “Trong bối cảnh hàng tồn kho còn nhiều như hiện nay, ngoài việc phải cơ cấu lại sản phẩm cho hợp lý thì tiền cần rót phần lớn vào nguồn cầu, người dân phải được vay mua nhà ở xã hội. Người dân có mua được nhà thì DN mới bán được hàng, công nhân sẽ có việc làm, vật liệu xây dựng tiêu thụ được cũng thúc đẩy nhiều ngành nghề liên quan sản xuất, nhà nước sẽ thu được thuế. Chúng tôi đã góp ý trực tiếp với NH Nhà nước và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ trong phiên họp vừa rồi cũng đã thống nhất phải cho vay để mua chứ không phải cho vay để thuê”, ông Nam cho biết thêm.

Sắp tới, người mua nhà ở XH cũng được vay vốn.

Theo Luật Nhà ở 2005, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ không được phép bán. Nếu đầu tư bằng nguồn vốn thương mại thì được phép mua bán nhưng phải khống chế đối tượng. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng nên để 30.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp xây nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội và người mua nhà thu nhập thấp. “2/3 số vốn đó nên hỗ trợ cho người mua, còn lại hỗ trợ doanh nghiệp để tạo ra hàng hóa bất động sản giao dịch”, ông Nam nói.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định: “Quan điểm của Chính phủ là sửa các quy định cần thiết để người dân được vay vốn mua nhà, chứ không phải người dân chỉ vay vốn để thuê nhà”. Chính phủ đang yêu cầu NH Nhà nước có phương án cụ thể để bảo đảm thời hạn vay với lãi suất tối đa là 6%, có thể sẽ xuống mức thấp hơn để tạo điều kiện cho người dân.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, những quy định như trên của NHNN là đúng về mặt pháp luật, nhưng lại có phần cứng nhắc, máy móc. “Vì vậy khi Chính phủ điều chỉnh các quy định để người dân có thu nhập chưa cao vay tiền mua nhà là cần thiết và chính sách này sẽ có lợi cho người nghèo. Nó vừa mang tính kích cầu BĐS vừa mang tính an sinh xã hội”, ông Kiêm nói.

Đảm bảo lãi suất thấp

Còn theo ông Nam, nhà ở xã hội được làm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì không được bán, còn nhà ở xã hội làm bằng nguồn vốn khác có quyền bán. Trên thực tế, ngân sách không bỏ nhiều vốn để làm mà chủ yếu được xây bằng vốn DN đi vay, nhà nước có hỗ trợ qua chính sách. Do vậy, từ trước đến nay, đa số nhà thu nhập thấp đều được bán cho người dân. “Bộ cũng có văn bản kiến nghị NHNN dành 65% vốn cho người dân vay, 35% cho DN vay để phát triển nhà ở xã hội”, ông Nam nói.

Liên quan đến mức LS hỗ trợ 6% trong 3 năm (15/4/2013 – 15/4/2016), theo ông Nam chưa khiến người dân an tâm vay tiền vì không ai biết, sau khi hết hạn, NHNN sẽ điều chỉnh LS như thế nào nên ít người dám đặt bút ký hợp đồng thiếu rõ ràng như vậy. Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị thời hạn hỗ trợ LS ở mức 6% thời hạn 10 năm để người dân có thể tính toán được chủ động nguồn tiền. Hoặc sau thời hạn 3 năm, NHNN phải đảm bảo duy trì ưu tiên mức LS bằng 50% LS vay thương mại cho đến khi trả hết gốc. Có như vậy người dân mới yên tâm vay tiền mua nhà, nguồn cầu mới tăng mạnh.

Mới đây nhất, theo dự thảo nghị định phát triển và quản lý nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.

Theo thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TP Hà Nội hiện toàn TP hiện có 5.789 căn hộ tồn đọng tại các dự án phát triển nhà ở với số tiền vốn xây dựng hàng nghìn tỷ đồng.

Trước tình hình trên, TP Hà Nội tuyên bố tạm dừng không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại từ nay đến 31/12/2014 trên địa bàn. Cùng với đó, Hà Nội sẽ rà soát quy hoạch, cho phép chuyển một số nhà ở sang nhà ở xã hội và nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Hiện TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 3 dự án sang xây dựng nhà ở xã hội và có 6 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà ở xã hội tại 7 điểm trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mua căn hộ thương mại cho mục đích tái định cư, TP đã rà soát tổng số 24 dự án có quỹ nhà 30%, 50% có thể đặt hàng mua làm quỹ nhà tái định cư với 3.862 căn hộ. Trong đó, có 6 dự án đang đầu tư xây dựng với 849 căn hộ. Hà Nội sẽ dành 2/3 số lượng căn hộ để phục vụ quỹ nhà ở tái định cư, 1/3 làm nhà ở cho cán bộ công chức thành phố.

Thùy Dung

Từ khóa: