Sự kiện hot
7 tháng trước

Mục tiêu đến năm 2025 thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%

Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch tại Việt Nam ngày càng chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đặc biệt là thanh toán điện tử thông qua các trung gian thanh toán hoặc các ứng dụng thanh toán còn thấp.

Cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đạt gấp 25 lần GDP -  Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Theo đó, thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã, đang và sẽ triển khai nhiều các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành. Chẳng hạn như hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay, nghiên cứu triển khai hệ thống thanh toán đảm bảo trong thương mại điện tử theo phương án trọng tài thương mại (ESCROW) hướng đến mục đích bảo vệ cả người tiêu dùng và người bán hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt trong một giao dịch thương mại điện tử.

Thông qua phương thức thanh toán này, mỗi giao dịch sẽ cần các bên tham gia giao kết hợp đồng điện tử được xác nhận bởi Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (hợp đồng điện tử có tích xanh). Việc này nhằm ràng buộc vai trò, trách nhiệm của các bên khi thực hiện hoàn tất giao dịch/đơn hàng trên môi trường trực tuyến qua đó bảo vệ quyền lợi, lợi ích các bên.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tạo ra sự bùng nổ về giao dịch đa kênh, giúp người bán hàng, nhà cung cấp, nhà sản xuất, người tiêu dùng gắn kết với nhau nhanh chóng trong một mạng lưới dữ liệu hiệu quả.

Đồng thời, qua đó giúp minh bạch hóa thị trường, nền kinh tế, tránh thất thu thuế khi mọi giao dịch đều có tính minh bạch, có khả năng xử lý, giải quyết khiếu nại kịp thời, đảm bảo các yếu tố về bằng chứng, chứng cứ để giúp nâng cao hiệu quả của lực lượng trọng tài, các cơ quan giải quyết tranh chấp, tòa án…

Hiện nay, ngoài các mô hình thương mại điện tử như doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), người tiêu dùng - người tiêu dùng (C2C), thị trường thương mại điện tử còn xuất hiện nhiều mô hình mới như: Online - Offline (O2O), Chính phủ - người dân, Chính phủ - doanh nghiệp (hay còn được gọi là G2C, G2B - dịch vụ hành chính công trực tuyến).

Chính vì vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch tại Việt Nam ngày càng chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đặc biệt là thanh toán điện tử thông qua các trung gian thanh toán hoặc các ứng dụng thanh toán còn thấp.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

Trên thực tế, các giao dịch thanh toán không qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như giao dịch thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, gửi tiền mặt qua các quầy giao dịch, gửi tiền qua bưu điện... chiếm tỉ lệ cao trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc này tiềm ẩn những rủi ro cho người tiêu dùng trong quá trình giao dịch như: khi hàng hóa/dịch vụ không đạt yêu cầu có thể không được người bán tiếp nhận chuyển hoàn, người tiêu dùng cũng không thể khiếu nại hoặc được bảo vệ trong các giao dịch như trên.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, nguyên nhân chính của việc này là thói quen mua sắm của người tiêu dùng còn sử dụng tiền mặt; niềm tin của người tiêu dùng vào các hạ tầng thanh toán điện tử hỗ trợ cho thương mại điện tử chưa cao; các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và người bán hàng trong giao dịch sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa có tính đồng bộ, nhất quán.

Hiện tại, tại Việt Nam chỉ mới xuất hiện hình thức thanh toán đảm bảo (thanh toán tạm giữ) thông qua tài khoản ví điện tử của người dùng hoặc được tạm giữ bởi chính các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về bản chất số tiền giao dịch này được chung chuyển trong tài khoản ngân hàng thuộc công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử hoặc công ty sàn thương mại điện tử. Điều này còn tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng và doanh nghiệp thương mại điện tử do dòng tiền trong ví điện tử không được đảm bảo bởi một ngân hàng thương mại hoặc một tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: