Sự kiện hot
11 năm trước

Năm 2013: Tập trung xử lý 100 - 140 nghìn tỷ đồng nợ bất động sản

Dantin - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ cung ứng từ 20 - 40 nghìn tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cho vay mua nhà trong 10 năm tới.

Dantin - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ cung ứng từ 20 - 40 nghìn tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cho vay mua nhà trong 10 năm tới.

Tuần qua, liên tiếp có các cuộc làm việc của Thủ tướng , các bộ ngành và các địa phương lớn về vấn đề giải cứu BĐS.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này vào Phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tháng 12 năm nay. “Trong phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có thị trường BĐS”, Thủ tướng khẳng định.

Nếu để BĐS “chết lâm sàng” thì hết đường cứu

Chủ tịch Ngân hàng BIVD Trần Bắc Hà cho rằng, bệnh của thị trường bất động sản hiện nay nặng lắm rồi, nếu để nó “chết lâm sàng” thì làm sao mà cứu nổi. Để hạn chế sự phát triển của thị trường này, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái “siết room tín dụng” cho bất động sản ở mức 16%. Sau khi bị siết tín dụng, gần 2 năm nay, thị trường bất động sản đã đóng băng cục bộ và được ví là “cục máu đông” gây tắc nghẽn sự tăng trưởng, phát triển cả nền kinh tế, nợ xấu trong lĩnh vực này hiện ở mức cao.

Vấn đề hiện nay để giải cứu thị trường bất động sản vẫn là dòng tiền. Theo phân tích của ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, Ngân hàng Nhà nước “bơm ra” 20.000 tỷ đồng cho người mua nhà vay với lãi suất 8%/năm trong vòng 10 - 15 năm.

Khi người dân bỏ tiền mua nhà, tức là dòng tiền trên thị trường đã có thêm 20.000 tỷ đồng nữa. Có dòng tiền mới, doanh nghiệp bán được hàng tồn kho sẽ có tiền trả cho nhà thầu. Nhà thầu cũng có tiền thanh toán cho nhà cung ứng vật tư. Có dòng tiền mới, doanh nghiệp sẽ có khả năng trả nợ gốc cho ngân hàng và như thế nợ xấu sẽ được xử lý. Hiện thị trường TP HCM đang tồn đọng khoảng 30.000 tỷ đồng hàng tồn kho và nợ xấu cho vay bất động sản là 4.145 tỷ đồng.

Hỗ trợ người dân hết mức

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Xây dựng thống kê và đánh giá chính xác về nợ đọng, dư nợ, nợ xấu trong bất động sản để có cơ sở cho Chính phủ ra nghị quyết.

Trước mắt, Bộ kiến nghị Chính phủ cho gia hạn, giãn tiền sử dụng đất 24 tháng cho chủ dự án; được nộp tiền theo tiến độ bán hàng. Các dự án đã gia hạn theo Nghị quyết 13 thì được gia hạn tiếp, cho giảm 50% tiền thuê đất phải nộp.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ kiến nghị cần giảm và miễn thuế đối doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể: giảm 10% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, áp dụng sớm 6 tháng so với luật (1/7/2013); gia hạn VAT tháng 1-3 cho các doanh nghiệp bất động sản và vật liệu xây dựng; kiến nghị Quốc hội giảm 50% VAT đối với kinh doanh nhà ở xã hội, giảm mức thấp hơn đối với đối tượng mua nhà ở 79 m2 và giá dưới 15 triệu/m2…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, chắc chắn sẽ có gói giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong thời gian tới, không phá được “băng” thì ít nhất cũng làm thị trường “ấm” lên dần.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, trong đó sẽ tạo điều kiện về các chính sách tiền tệ linh hoạt để có thể khơi thông thị trường.

Trong 2013 sẽ tập trung xử lý khoảng 100 đến 150 nghìn tỷ đồng nợ trong bất động sản. Ông Bình cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, cần tính đến các giải pháp dài hơi hơn, đặc biệt cần tính toán tới việc cấp phép bất động sản, cơ cấu vốn hợp lý; sàng lọc nhà đầu tư cũng như giá bán nhà.

TS.Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng: Giải quyết nợ xấu, cứu ngân hàngchứ chưa phải cứu bất động sản

Mặc dù mong muốn tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nhưng TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam e ngại Chính phủ có huy động nổi số tiền lớn như dự kiến không, vì thu ngân sách năm 2012 thấp, không được như kế hoạch. Năm 2013, có lẽ tình hình cũng chưa có tín hiệu cải thiện.

“Hơn nữa, giải pháp lần này thực chất để trả nợ xấu ngân hàng (NH), là cứu NH chứ không phải cứu thị trường BĐS. Việc tập trung tháo gỡ lần này chủ yếu là nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội nên làm, vì không cần nhiều tiền lắm, nhưng liệu có đóng góp được gì đáng kể cho việc cải thiện tình hình không?”, ông Liêm nói.

Cũng có ý kiến cho rằng tiền của NHNN cũng là tiền thuế của dân, lại được sử dụng vào việc giải quyết nợ xấu cho các NH?

- Quan trọng là Chính phủ có xuất tiền từ quỹ nào đó để các nhà kinh doanh BĐS có thể vay để trả NH không? Còn Quỹ của NH thì Chính phủ chỉ quy định lãi suất chứ không huy động vốn.

Nhiều người đã cảnh báo, nhiều năm qua, các doanh nghiệp BĐS, NH ảo tưởng về sự bền vững của thị trường nên góp sức thổi bong bóng ngày càng to và cũng đã có lúc thu lợi lớn. Bởi vậy giờ là lúc họ phải gánh chịu hậu quả? Theo ông, trong trường hợp này có thể giải quyết được vấn đề, hay chỉ là giải quyết nợ xấu?

- Tôi cho rằng nợ xấu của các NH không quá nghiêm trọng như bản thân các họ tuyên bố. Có thời kỳ lãi suất tăng rất cao (khoảng 22%), tại sao cao như vậy trong khi nền kinh tế không có dấu hiệu gì đáp ứng nổi mức lãi suất đó? Theo tôi, chỉ có một nguyên nhân khiến lãi suất tăng, đó là bản thân các NH dự phòng rủi ro. Mà rủi ro họ lo lắng nhất chính là nợ xấu. Đặc biệt, điều không kém phần quan trọng là rủi ro lạm phát và mất giá đồng tiền thì lãi suất mới cao như vậy. Với lãi suất đó, NH chỉ cho vay chừng 5 năm là thu hồi vốn. Nhưng thực tế, lạm phát cũng có nhưng không phải ghê gớm, không tương ứng với lãi suất cao như vậy.

Thứ nữa, giá trị tiền đồng ổn định nếu so với USD. Như vậy, NH “ăn không” khoản lãi ghê gớm. Nên lương NH vẫn cao và nợ xấu họ có nói gì đâu, ngành NH không thấy “hốt hoảng” ngoài những vụ bị lừa đảo trong nội bộ ngành chứ không phải do thị trường BĐS. Cho nên, nợ xấu nói thế nhưng chưa ảnh hưởng ghê gớm đến NH. Tất nhiên không phải là tốt, nhưng để làm lung lay thị trường BĐS như chuẩn của Mỹ thì không, các NH đã thu hồi phần lớn vốn, chứ không mất.

Có nơi đề nghị Nhà nước bỏ ra vài ngàn tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho người mua nhà, trong khi ngân sách đang cạn. Đề xuất đó phải chăng là phi lý?

- Quan trọng trong thị trường BĐS là mất cân đối quan hệ cung cầu, cung nhiều, cầu ít. Vậy thì phải một mặt tăng cầu lên, một mặt cung thích ứng với cầu.

Cung thích ứng với cầu, phải có những căn hộ vừa giá, đáp ứng nhu cầu, phải sửa đổi, nơi nào làm được thì làm trước, DN nào nhận làm việc đó, ngân hàng xét thấy khả thi thì cho vay tiền để hoàn thành. Nếu DN hoàn thành công trình cả nội và ngoại thất thì bán được hàng. Cho nên, ngân hàng vẫn phải bỏ tiền ra , nếu không hạ được lãi suất thì Chính phủ có thể trợ giúp lãi suất. Chính phủ có thể bỏ ra một ít tiền hỗ trợ lãi suất, nhưng thu lợi rất lớn vì hàng hóa tiêu thụ được, Nhà nước thu lại từ thuế BĐS, thuế ngành vật liệu xây dựng, nội thất… Cho nên, việc ứng vài % lãi suất thì không nhiều, nhưng cái lợi đem lại khá lớn. Do vậy, tôi nghĩ như thế có giúp nhưng không phải bao cấp, không làm thay, khuyến khích đôi bên, cả bên vay và bên cho vay. Như vậy, Nhà nước làm đúng vai trò điều tiết thị trường của mình thông qua công cụ chính sách, không ai làm thay ai, và Nhà nước cũng không làm ngơ trước tình trạng khó khăn của thị trường BĐS.

Hoài Hương

Từ khóa: