Sự kiện hot
10 năm trước

Năm 2015 phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp

Không thể chậm hơn được nữa. Đó là lý do Chính phủ chỉ đạo năm 2014 - 2015 phải cổ phần hóa (CPH) được 432 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). 6 tháng đầu năm nay mới có 31 DN tổ chức bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).


Tổng Cty Hàng hải Việt Nam là một trong những "ông lớn" cùng với Tổng Cty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam... phải CPH trong số 432 DN mà Chính phủ chỉ đạo. Ảnh: Thế Lữ

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm nay có 31 DN tổ chức IPO thành công trong tổng số 38 DN được phê duyệt phương án CPH. Các DN thực hiện IPO thành công như: Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 4, Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 1, Tổng Cty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải, Cty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên, Tổng Cty Xây dựng Thăng Long...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “ông lớn” như: Tổng Cty Xây dựng Hà Nội, Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 5, Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 6 và 4 Cty TNHH MTV: Cảng Quảng Ninh, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Nha Trang... không thành công trong việc chào bán IPO trong quý I và quý II năm nay. Nguyên nhân là do cùng một lúc nhiều DN chào bán cổ phiếu, trong khi tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư lại phụ thuộc vào “sức khỏe” và tương lai của mỗi DN. Đối với các DN có bức tranh tài chính không lấy gì làm sáng sủa thì nhà đầu tư ngay từ đầu đã tỏ thái độ thờ ơ.

Đối với DN đã thực hiện IPO chưa thành công phải chuyển sang Cty Cổ phần (nghĩa là, bước 1, chuyển DNNN sang Cty cổ phần; bước 2, cơ cấu lại DN trong đó có sự tham gia cơ bản của các cổ đông của Nhà nước và các cổ đông khác là người lao động - PV), như Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Thực ra, giải pháp này nhằm tạo ra cho DN một pháp nhân mới, là hình thức cổ phần đa sở hữu.

Qua tìm hiểu, các nhà đầu tư chứng khoán hiện đang tập trung vào các cổ phiếu trên sàn là chính, ít người mặn mà với IPO của DNNN. Trong bối cảnh nhiều DN đang bên bờ vực phá sản, nguồn tài chính trong nước cũng như huy động nước ngoài càng trở nên khó khăn hơn, ngay cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tài chính của họ cũng không dư dả như 3 năm về trước. Bởi vậy, việc chào bán cổ phiếu có tổ chức “trống dong cờ mở”, nhà đầu tư vẫn thận trọng xem xét.

Liệu phát hành cổ phần đợt tiếp theo có thành công, trong khi họ đang chịu một sức ép rất lớn từ phía cơ quản quản lý Nhà nước? Nhiều ban cố vấn trong các DN nhận thấy rằng: DN nào được SCIC chọn mua cổ phần, sau khi CPH “khỏe lên” trông thấy. Điều này đúng với thực tế, bởi SCIC là tổ chức tài chính có sức mạnh đưa lại giá trị cho DN, là đối tác cung cấp tài chính, kết nối kinh doanh thúc đẩy DN bứt phá khỏe hơn.

Chỉ còn 17 tháng với số lượng 400 DN cần thực hiện CPH. Đây là thử thách lớn đối với cộng đồng DN. Nhưng không thể khó mà không làm. Quan điểm của Ban Chỉ đạo đổi mới DN T.Ư là: Quá trình thực hiện CPH trải qua lộ trình có nhiều công đoạn mà DN tốn nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc như xác định giá trị DN, lập phương án CPH... Nếu thực hiện IPO không thành công, thì không thể xin lùi lộ trình mà phải chấp nhận một giải pháp có hai bước tiến.

Thế Lữ
theo Thanh tra

Từ khóa: