Sự kiện hot
10 năm trước

Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt: Rào cản giao thông

Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên-Đà Lạt đã đi qua hơn nửa chặng đường. Đó cũng là thời gian mà các tỉnh Tây Nguyên nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông để triển khai các hoạt động một cách hiệu quả trên tinh thần tiết kiệm. Mặc dù đã rất cố gắng song kết quả, mục tiêu tăng trưởng khách, nhất là du lịch quốc tế vẫn chưa đạt được như mong đợi.


Một góc Đà Lạt. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Từ nay đến hết năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tổ chức các hoạt động theo kế hoạch, trong đó đặc biệt chú trọng đến xúc tiến, quảng bá để thu hút khách, đạt mục tiêu đề ra.

Giao thông làm khó du lịch

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Năm du lịch quốc gia 2014, Tây Nguyên- Đà Lạt diễn ra gần đây, các địa phương khu vực Tây Nguyên như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và một số địa phương khác liên kết với Tây Nguyên đều khẳng định khó khăn nhất trong quá trình liên kết du lịch với các tỉnh Tây Nguyên là hệ thống giao thông.

Nhiều đoạn đường tiếp nối giữa các địa phương còn đang trong giai đoạn thi công, gây ảnh hưởng đến thời gian tổ chức tour. Thêm vào đó, địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên cách xa nhau, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ xuống cấp nghiêm trọng, sửa chữa nhiều nơi nên chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch, dẫn đến sự phối hợp, gắn kết giữa các tỉnh trong quá trình triển khai hoạt động Năm du lịch Quốc gia 2014 còn nhiều hạn chế.

Lãnh đạo các địa phương kiến nghị với Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia 2014 cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khắc phục giải quyết tình trạng này.

Tình trạng giao thông khó khăn là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến mục tiêu đón khách của khu vực Tây Nguyên trong nửa đầu năm 2014 chưa đạt được như mong đợi.

Theo thống kê, khách du lịch đến với Lâm Đồng trong 6 tháng đầu năm đạt 2,3 triệu lượt, tăng gần 8% so với cùng kỳ 2013 trong khi mục tiêu đề ra là tăng 12%. Trong đó, khách quốc tế đạt 130.000 lượt, khách nội địa là hơn 2,1 triệu lượt.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch thì tỷ lệ tăng trưởng khách của Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2014 không cao hơn mức bình quân của cả nước ở cả thị trường khách nội địa lẫn quốc tế.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các tỉnh Tây Nguyên rất chủ động kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức các hoạt trong Năm du lịch quốc gia và quảng bá, thu hút khách.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trọng điểm của du lịch Việt Nam, là thị trường du lịch nội địa lớn của cả nước với khoảng 10 triệu khách có thu nhập cao, cũng là điểm đến được nhiều du khách quốc tế lựa chọn.

Với lợi thế này, các doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh rất tích cực hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên để thúc đẩy lượng khách quốc tế, nội địa đến với địa bàn này. Tuy nhiên, giao thông không thuận lợi, đường quốc lộ đến với các tỉnh, thành ở khu vực này xuống cấp nghiêm trọng, quá trình sửa chữa nâng cấp kéo dài khiến việc đưa khách, nhất là khách quốc tế lên Tây Nguyên bằng đường bộ rất khó khăn.

Thời gian đưa khách từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên kéo dài hơn bình thường từ 3-4 giờ khiến du khách rất mệt mỏi. Các doanh nghiệp du lịch hiện chỉ có thể đưa khách quốc tế đến bằng đường hàng không thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá, máy bay lên khu vực này lại nhỏ nên số lượng khách không nhiều.

Ngoài khó khăn về giao thông, Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt 2014 cũng gặp khó khăn về kinh phí do điều kiện kinh tế xã hội nói chung gặp khó khăn, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế nên một số chương trình tổ chức chưa đạt kết quả cao.

Một khó khăn nữa ảnh hưởng tới kết quả thực hiện của Năm du lịch quốc gia 2014 là trong 5 tỉnh cùng tổ chức các hoạt động hưởng ứng năm du lịch thì chỉ có Đà Lạt (Lâm Đồng) là tỉnh có kinh nghiệm, điều kiện cơ sở vật chất, tiềm lực làm du lịch. Các tỉnh còn lại như Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai đều là những địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm, nguồn lực làm du lịch.

Tăng cường quảng bá du lịch Tây Nguyên


Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Lâm Đồng và các địa phương trong khu vực Tây Nguyên cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch tăng trưởng khách du lịch. Các địa phương cần tiếp tục chủ động tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch trong nước, quốc tế để tăng cường quảng bá cho du lịch Tây Nguyên nói chung và Đà Lạt nói riêng.

Đặc biệt, các tỉnh cần tích cực phối hợp liên kết tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, các sự kiện để kết nối tour, tuyến nhằm nâng cao hiệu quả của Năm du lịch quốc gia. Đồng thời chủ động xây dựng dự án, chương trình du lịch, phối hợp với doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các sản phẩm tour, tuyến, đưa ra các gói kích cầu du lịch để thu hút thêm khách du lịch đến với Tây Nguyên.

Ngoài liên kết vùng trong khu vực, các tỉnh Tây Nguyên cần chủ động kết nối với các thị trường du lịch lớn trong nước như Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang để thu hút khách nội địa, khách quốc tế.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên trước mắt cần huy động nhiều nguồn vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cụ thể là giao thông đường bộ kết nối các tỉnh, các điểm đến trong khu vực Tây Nguyên...

Đánh giá từ phía Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia 2014, Tây Nguyên-Đà Lạt cho thấy Năm du lịch quốc gia 2014 đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới, đặc biệt là đưa vào khai thức 6 tour du lịch đặc trưng tại Lâm Đồng, và các tour mới tại Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, góp phần giới thiệu các sản phẩm du lịch đa dạng của Tây Nguyên, đẩy mạnh tính liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên với các vùng du lịch khác.

Lâm Đồng là nơi đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2014 đã chủ động liên kết với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Thuận, Khánh Hòa...thu hút một lượng lớn khách du lịch đến Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên thông qua kết nối tour, tuyến giữa các đơn vị du lịch.

Sự liên kết vùng Tây Nguyên với vùng Nam Trung Bộ đã được hình thành, sự kết hợp này đã có hiệu quả thiết thực, kéo được khách Nga - một thị trường khách thường ưa chuộng điểm đến Nha Trang, Phan Thiết lên với Tây Nguyên đại ngàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Tây Nguyên đã thu hút khoảng 15.000 lượt du khách Nga đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt. Đây là mô hình được nhiều doanh nghiệp du lịch ủng hộ, cần tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy trong thời gian tới.

Từ nay đến hết năm 2014, trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên-Đà Lạt sẽ tiếp tục diễn ra các hoạt động theo kế hoạch, đồng thời bổ sung thêm nhiều hoạt động khác nhằm thu hút du khách.

Trong đó, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực này tiếp tục triển khai các tour du lịch đặc trưng trong Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên-Đà Lạt, đặc biệt là phối hợp với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức tour du lịch đại ngàn xanh "Trồng cây lưu dấu, góp xanh đại ngàn"; thực hiện nhiều chương trình ưu đãi về giá, dịch vụ cho du khách, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn.

Nhiều chương trình khung về liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và một số thị trường trọng điểm nước ngoài như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản.. sẽ được ký kết. Đặc biệt, lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2014 sẽ được gắn với Lễ hội trà Bảo Lộc, hội thảo quốc tế về Du lịch, chuyển giao Năm Du lịch Quốc gia 2015 cho tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Giang
theo Vietnam+

Từ khóa: