Sự kiện hot
12 năm trước

Năm mới, áp lực nào cho tỷ giá?

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 15 đồng, lên 20.828 đồng/USD.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 15 đồng, lên 20.828 đồng/USD.

Với lần điều chỉnh này, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng 0,97% tính từ thời điểm NHNN đưa ra cam kết không tăng tỷ giá quá 1%. Bởi vậy, đây có thể là lần điều chỉnh tỷ giá cuối cùng trong năm. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá có thể xuất hiện ngay khi bước sang năm 2012, bởi nhu cầu ngoại tệ dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Theo khảo sát của ĐTCK, tỷ giá USD/VND mua vào - bán ra sáng 27/12/2011 tại Vietcombank tương ứng là 21.030 và 21.036; VietinBank là 21.033 và 21.036; BIDV là 21.010 và 21.034; Eximbank là 21.025 và 21.036. Theo một số chuyên gia kinh tế, chênh lệch giá mua vào - bán ra thấp có thể do cung - cầu ngoại tệ còn căng thẳng. Nguyên nhân bởi thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều nhà nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng có nhu cầu thu gom USD. Bên cạnh đó, do năm tài chính sắp kết thúc, nên DN và cả các tổ chức tín dụng cũng cần ngoại tệ để thanh toán các khoản vay...

Nhìn lại năm 2011, sau giai đoạn căng thẳng tỷ giá trong 2 tháng đầu năm khiến NHNN phải phá giá tới 9,3% vào tháng 2/2011, áp lực tỷ giá trong quý II, III đã giảm hẳn. Tỷ giá thị trường tự do sau khi lập đỉnh 22.500 VND/USD vào ngày 21/2 đã liên tục giảm và xoay quanh tỷ giá chính thức với mức chênh lệch rất nhỏ (0,5%). Thậm chí, có thời điểm, tỷ giá thị trường tự do thấp hơn so với thị trường chính thức.

Mặc dù vậy, ngay thời điểm đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vẫn nhận định, nguy cơ tỷ giá biến động vào cuối năm là khá lớn do thâm hụt cán cân vãng lai có dấu hiệu gia tăng, FDI cũng sụt giảm; lượng cung ngoại tệ ảo 6 tháng đầu năm khi các DN vay ngân hàng để né lãi suất nội tệ quá cao, có thể trở thành cầu thực dịp cuối năm khi các đơn vị này phải mua ngoại tệ trả nợ; tỷ lệ lạm phát 6 tháng cuối năm có xu hướng giảm dần kéo lãi suất VND giảm theo, người dân có thêm lý do để không bán ngoại tệ lại cho ngân hàng.

Ngày 5/10, NHNN lần đầu tiên tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 20.638VND/USD từ mức 20.628VND/USD được duy trì từ 24/8, mở đầu cho 8 lần tăng tỷ giá liên tiếp chỉ trong 2 tuần đầu tháng 10. Điều này đã thể hiện áp lực trên thị trường ngoại hối là khá rõ, việc NHNN cố giữ mức thay đổi tỷ giá không quá 1% đến cuối năm như vừa qua phần nhiều được thực hiện bởi các biện pháp hành chính.

Dự án "Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì vừa đưa ra nhận định, dù hiện nay thị trường ngoại hối đã ổn định hơn nhưng áp lực lên tỷ giá vẫn còn lớn và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do nhu cầu mua ngoại tệ của DN để trả các khoản vay từ hai quý đầu năm 2011, nhu cầu nhập khẩu thường tăng cao vào cuối năm cộng thêm nhu cầu nhập khẩu vàng nhằm kiếm lời từ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế… Thêm vào đó, cung ngoại tệ cũng giảm sút do nhiều DN không muốn bán ngoại tệ cho ngân hàng khi niềm tin về đồng nội tệ chưa cao.

Cũng với những lý do này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng dự báo: "Tỷ giá USD có khả năng sẽ có biến động ngay trong quý I/2012".

Về chính sách điều hành tỷ giá sắp tới, Nghiên cứu của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo, dù áp lực lên tỷ giá vẫn hiện hữu, nhưng NHNN cũng không nên sử dụng nhiều biện pháp hành chính để ghìm giữ. Nếu quá lạm dụng các biện pháp này, tỷ giá sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng.   


Nhuệ Mẫn
Theo Dau tu chung khoan


Từ khóa: