Sự kiện hot
10 tháng trước

Nắm trong tay dự án tỷ USD: 'Ông lớn' Đại An ôm nợ dày, thu lãi mỏng

(VNF) - Dù ghi nhận doanh thu hàng năm tới hàng trăm tỷ đồng song bức tranh tài chính của của Công ty cổ phần Đại An đang thể hiện nhiều gam màu kém tươi sáng với lợi nhuận mỏng, nợ dày.

Nắm trong tay dự án tỷ USD: 'Ông lớn' Đại An ôm nợ dày, thu lãi mỏng
CTCP Đại An của doanh nhân Trương Tú Phương: Doanh thu khủng, lãi mỏng dẹt, nợ dày
 

Doanh nghiệp nghìn tỷ của doanh nhân Trương Tú Phương

Công ty cổ phần Đại An được thành lập vào tháng 12/2001 với số vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng và cấp thay đổi lần thứ 9 (tháng 8/2020) với vốn điều lệ 678 tỷ đồng. Còn theo giới thiệu trên website của Công ty cổ phần Đại An, hiện công ty có vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng.

Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch của Công ty cổ phần Đại An là bà Trương Tú Phương. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác: Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư. Đóng góp chính cho doanh thu của doanh nghiệp là cho thuê đất trong khu công nghiệp.

Doanh nghiệp nghìn tỷ của doanh nhân Trương Tú Phương gắn liền với Khu công nghiệp Đại An, một trong những Khu công nghiệp đầu tiên tại Hải Dương.

Công ty cổ phần Đại An được biết đến là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Đại An, một trong những Khu công nghiệp đầu tiên tại Hải Dương. Khu công nghiệp Đại An được thành lập từ năm 2003 với tổng mức đầu tư công bố là hơn 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, công ty cũng sở hữu Khu công nghiệp Lai Cách (134,55 ha) tại Hải Dương và Khu công nghiệp Minh Đức (198 ha) tại Hưng Yên. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lấn sân đầu tư vào mảng bất động sản dân dụng, với Khu dân cư Đại An I (18,22 ha) và Đại An II (37,76 ha), Cao ốc Đại An (TP. HCM), Iris Hotel (TP. HCM).

Đáng chú ý, hồi cuối năm 2021, công ty con của Đại An là Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An đã ký biên bản thỏa thuận với Công ty Sri Avantika Contractors Ltd., (Ấn Độ) để hợp tác triển khai hạ tầng dự án Công viên dược phẩm tại Việt Nam (bao gồm dự án Khu công nghiệp công nghệ cao) tại Hải Dương, với số vốn đầu tư vào khoảng 12 tỷ USD.

Bức tranh tài chính của CTCP Đại An thế nào?

Theo tài liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 3 năm từ 2020 – 2022, tổng tài sản của Công ty cổ phần Đại An biến động quanh mức 1.800 đến 1.945 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2020 tổng tài sản của công ty là 1.801 tỷ đồng; năm 2021 tăng lên 1.945 tỷ đồng và đến năm 2022 tụt xuống 1.880 tỷ đồng.

Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp này là tài sản dài hạn, chủ yếu nằm ở tài sản dở dang dài hạn. Cụ thể, năm 2020 công ty có tài sản dở dang dài hạn là 1.095 tỷ đồng. Năm 2021, tài sản dở dang dài hạn tăng trưởng 3,8% so với năm trước đó lên 1.132 tỷ đồng; và tiếp tục tăng trưởng 1,41% vào năm 2022 lên mức 1.148 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2020 – 2022, tổng nguồn vốn của Công ty cổ phần Đại An biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2020, nguồn vốn của công ty là 1.801 tỷ đồng; sang năm 2021 tăng gần 8% lên mức 1.945 tỷ đồng và đến năm 2022, sụt giảm xuống còn 1.880 tỷ đồng, giảm 3,3% so với năm trước đó.

Giai đoạn 2020 – 2022, chiếm phần lớn tổng nguồn vốn của công ty là nợ phải trả. Cụ thể: năm 2020 nợ phải trả của công ty là 1.104 tỷ đồng; năm 2021 là 1.247 tỷ đồng; và sang năm 2022 là 1.172 tỷ đồng.

 Dự án Khu dân cư Đại An II do Công ty Cổ phần Đại An làm chủ đầu tư vừa bị Thanh tra Chính phủ điểm vi phạm

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy, chiếm phần lớn nợ phải trả của Công ty cổ phần Đại An trong 3 năm qua (2020-2022) là nợ ngắn hạn.

Cụ thể, năm 2020, nợ ngắn hạn của công ty là 534,8 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là chi phí phải trả ngắn hạn (hơn 344 tỷ đồng), người mua trả tiền trước ngắn hạn (gần 91 tỷ đồng) và phải trả ngắn hạn khác (gần 86 tỷ đồng).

Năm 2021, nợ ngắn hạn của Công ty cổ phần Đại An vọt tăng từ mức 534,8 tỷ đồng lên hơn 1.219 tỷ đồng (tăng 128%), gấp 2,27 lần so với năm trước đó. Chiếm phần lớn nợ ngắn hạn của công ty trong năm 2021 là: doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (hơn 455 tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn (hơn 345 tỷ đồng), vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (hơn 196,3 tỷ đồng) và phải trả ngắn hạn khác (hơn 115,3 tỷ đồng).

Bước sang năm 2022, nợ ngắn hạn của công ty giảm 13,4%, từ mức 1.219 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 1.055 tỷ đồng. Trong năm này, chiếm phần lớn nợ ngắn hạn là: doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (hơn 370 tỷ đồng); chi phí phải trả ngắn hạn (hơn 345 tỷ đồng); vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (113,6 tỷ đồng) và phải trả ngắn hạn khác (114,9 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nợ dài hạn của Công ty Cổ phần Đại An trong năm 2021 và 2022 chủ yếu nằm ở phần phải trả nội bộ về vốn kinh doanh lần lượt là 27,9 tỷ đồng và 117,1 tỷ đồng.

Cũng theo tài liệu của VietnamFinance, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Đại An trong các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là: 696,4 tỷ đồng; 698,3 tỷ đồng và 707,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả của công ty năm 2020 là 1.104 tỷ đồng; năm 2021 là 1.247 tỷ đồng; năm 2022 là 1.172 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của Công ty Cổ phần Đại An trong giai đoạn 2020 - 2022 lần lượt là: 1,6; 1,8; 1,7 lần.

Như vậy, tỷ lệ D/E liên tục cao trong một thời gian dài cho thấy Công ty cổ phần Đại An gặp khó trong việc trả nợ và doanh nghiệp cũng đứng trước nhiều rủi ro khi các khoản nợ dồn dập từ bên ngoài hoặc lãi suất ngân hàng tăng cao hơn.

Lợi nhuận mỏng dù nắm loạt dự án "khủng"

Nắm trong tay hàng loạt Khu công nghiệp với số vốn đầu tư hàng tỷ USD và các dự án bất động sản có tiếng, thế nhưng tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Đại An lại không mấy khả quan.

Theo tài liệu VietnamFinance, năm 2020, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Cổ phần Đại An là 112,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 54,5 tỷ đồng. Công ty có lãi sau thuế là hơn 13,3 tỷ đồng.

Sang năm 2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 12,4% so với năm trước đó, từ mức 112,8 tỷ đồng xuống còn 98,8 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tương ứng giảm 21% so với năm trước đó xuống còn 43,1 tỷ đồng.

Doanh thu giảm mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Đại An chỉ đạt con số khiêm tốn hơn 1,5 tỷ đồng, sụt giảm tới 11,8 tỷ đồng, tương đương mức giảm 88,6% so với năm trước đó.

Năm 2022, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Đại An vọt tăng từ 98,8 tỷ đồng lên hơn 234 tỷ đồng, tăng trưởng 136,8%, tương đương mức tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này lại không mấy khả quan, chỉ tăng nhẹ từ 43,1 tỷ đồng lên 47,39 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, năm 2022 công ty ghi nhận lãi sau thuế là 9,14 tỷ đồng, tăng tới 507,6% và gấp hơn 6 lần lợi nhuận của năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Đại An năm 2022 giảm tới 31,3%.

Minh Đức
Theo Vietnamfinance

Từ khóa: