Sự kiện hot
5 năm trước

Nam Trung Bộ, “miền đất hứa” của các nhà đầu tư

Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của việc thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, địa phương các tỉnh Nam Trung Bộ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng, cơ chế cởi mở để thúc đẩy hoạt động thu hút các nhà đầu tư.

Tiềm năng và thế mạnh của “miền đất hứa”

Nam Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông bộ, sắt, hàng không và biển, là cửa ngõ của Tây Nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Toàn vùng có 7 sân bay (trong đó có 3 cảng hàng không quốc tế), 13 cảng biển trong đó có 7 cảng biển loại I, 6 khu kinh tế ven biển (cả nước có 15 khu kinh tế ven biển), 1 khu công nghệ cao (cả nước có 3 khu công nghệ cao), 14 tuyến đường quốc lộ, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, phân bổ đều khắp ở các địa phương, nối liền các đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng. 

Về đường biển, vùng có nhiều cảng biển quan trọng như cảng Đà Nẵng, Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), cảng nước sâu Cam Ranh (Khánh Hòa)… tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ cho phát triển kinh tế vùng và tạo thành con đường huyết mạch trên biển thông thương với khu vực và thế giới. Do vậy, Nam Trung Bộ sẽ là ‘miền đất hứa’ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

cang-lien-chieu-1527846713
Cảng Liên Chiểu TP. Đà Nẵng sắp tới sẽ là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), có khả năng đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung.

Đặc trưng Nam Trung Bộ là các khu kinh tế cảng biển tổng hợp. Có các khu kinh tế như: khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Chân Mây, và khu kinh tế Nhơn Hội.... với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. So với hai vùng kinh tế trọng điểm lớn là Bắc Bộ và Nam Bộ, vùng kinh tế này có yếu kém hơn về mặt hạ tầng và nhân lực nhưng đổi lại, ở đây có tiềm năng lớn về cảng biển trung chuyển lớn và phát triển du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án khu nghỉ mát biển của cả nước).

Khu vực này cũng có tiềm năng về phát triển công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải. Hạ tầng gồm có: sân bay quốc tế Đà Nẵng, trong tương lai sẽ có sân bay trung chuyển hàng hóa Chu Lai; cảng Đà Nẵng và đặc biệt là dự án cảng trung chuyển Vân Phong có tổng vốn lên đến 15 tỷ USD do Tập đoàn Sumimoto đầu tư; Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh. Đà Nẵng là điểm cuối trong Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Đông Bắc Thái Lan, Trung Lào và Trung Trung Bộ Việt Nam.

Đặc biệt, khu vực này là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), dài 1.450 km nối từ Myanmar qua Thái Lan và Lào, cửa ngỏ quan trọng ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Do vậy, Nam Trung Bộ có lợi thế so sánh để phát triển một số ngành kinh tế biển có thể tạo động lực cho sự phát triển của khu vực như dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, dịch vụ logistics (gồm cả trung chuyển tại sân bay và cảng biển), đầu tư kinh doanh các resort, khu du lịch - dịch vụ cao cấp ven biển…

Bên cạnh đó, với dân số đông, nguồn lao động dồi dào, trình độ dân trí cao, một bộ phận lao động có kinh nghiệm về sản xuất công nghiệp, đánh bắt hải sản, thương mại và dịch vụ, bước đầu tiếp cận được với sản xuất hàng hoá, giá nhân công rẻ. Nguồn lao động của địa bàn sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu tại chỗ và hoàn toàn đủ khả năng tham gia các chương trình về hợp tác quốc tế về lao động.

Nhà đầu tư mạnh tay “rót vốn”

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường quốc tế thuận lợi là cơ hội để phát huy vị trí và vai trò của các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ trong quá trình CNH, HĐH đất nước; đặc biệt các quốc gia có tiềm năng kinh tế biển đang là lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng đang được các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường quan tâm, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào miền Trung ngày càng lớn.

Trong mấy năm trở lại đây, Khu vực Nam Trung Bộ được rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước mạnh tay “rót vốn’ vào đầu tư tại đây. Một số công trình đầu tư lớn, công trình trọng điểm được đầu tư vào Nam Trung Bộ và bắt đầu đi vào khai thác, hoạt động. Kinh tế tri thức đang phát triển, Nam Trung Bộ có thể tăng tốc phát triển trên cơ sở đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh khoa học công nghệ…

IMG_9395
Cảng Liên Chiểu TP. Đà Nẵng sắp tới sẽ là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), có khả năng đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần khẳng định để phát triển kinh tế một địa phương, một khu vực cần thu hút được những doanh nghiệp là “sếu đầu đàn” đến đầu tư để tạo động lực. Và tại các tỉnh Nam Trung Bộ hiện nay, hàng loạt “sếu đầu đàn” của Việt Nam như VinGroup, Thaco Trường Hải, SunGroup, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, FLC, FPT, Anphanam… đang “hạ cánh” đầu tư trong các lĩnh vực như du lịch, sản xuất ô tô, công nghiệp nặng như sản xuất thép, lọc dầu, nông nghiệp công nghệ cao… Những nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu đặt những bước chân vững chắc xuống khu vực này để xây dựng nhà máy sản xuất kỹ thuật cao như chế tạo linh kiện máy bay của tập đoàn UAC, chip máy tính, khách sạn và resort cao cấp… Điều này hứa hẹn sẽ góp phần giúp các tỉnh Nam Trung Bộ sớm cất cánh phát triển, tạo vị thế trên bản đồ kinh tế Việt Nam.

Thành phố Đà Nẵng đang hoàn thiện thủ tục để xây dựng nhà ga T3 ở cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng nhằm nâng công suất phục vụ lên 30 triệu khách/năm. Dự án cảng Liên Chiểu (nằm ở chân đèo Hải Vân, thuộc quận Liên Chiểu) với quy mô 220 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn cũng dự kiến sẽ khởi công vào năm 2019. Ngoài ra, Đà Nẵng đã xác định công nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp thành phố này giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ đất và du lịch. Bằng chứng cho hướng đi này là việc khánh thành khu công nghệ cao có vốn đầu tư 121 triệu USD do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư và dự án sản xuất linh kiện máy bay do Công ty Universal Alloy Corporation Asia Pte.LTD (viết tắt là UAC đến từ Mỹ) được đầu tư với số vốn 170 triệu USD...

Quảng Nam cũng không kém cạnh người anh em Đà Nẵng khi tập đoàn VinGroup sẽ rót 9.000 tỉ đồng để mở rộng sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế. Một dự án khủng khác tại Quảng Nam do 2 ông lớn là Thaco Trường Hải và Hoàng Anh Gia Lai hợp tác phát triển cũng vừa được bấm nút khởi công vào ngày 24/3 vừa qua. Theo đó, loạt dự án tại Khu kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành) gồm có khu công nghiệp Nông - Lâm nghiệp; khu công nghiệp Cơ khí - ô tô Thaco Chu lai mở rộng, dự án Đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn và Khu nhà ở công nhân, tái định cư trong Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tận dụng lợi thế ở cảng nước sâu Dung Quất cùng cơ sở hạ tầng tại đây để đẩy mạnh thu hút công nghiệp nặng. Tập đoàn Hòa Phát sẽ chính thức đưa vào hoạt động nhà máy thép Hòa Phát trong năm 2019 đồng thời tiến hành nạo vét nâng cấp cảng Dung Quất. Tập đoàn Exxon Mobil đã khảo sát địa chất, môi trường tuyến ống dẫn khí và địa kỹ thuật trên bờ, kế hoạch bồi thường... phục vụ triển khai dự án điện khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh. Quy mô dự án Cá Voi Xanh chưa được tiết lộ nhưng những nguồn tin tiết lộ đây sẽ là dự án có vốn đầu tư lớn nhất miền Trung từ trước đến nay...

Trúc Oanh
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: