Sự kiện hot
12 năm trước

Ngân hàng thắc thỏm chờ phân hạng

Các ngân hàng lại thêm một lần thắc thỏm chờ đợi xem mình được tăng trưởng tín dụng bao nhiêu trong năm 2012.

Các ngân hàng lại thêm một lần thắc thỏm chờ đợi xem mình được tăng trưởng tín dụng bao nhiêu trong năm 2012.

Ngày 13/2/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và giải pháp điều hành tín dụng năm 2012. Một trong những vấn đề được thị trường chờ đợi nhất thời gian qua là việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho 4 nhóm TCTD đã được công bố, nhưng vẫn chưa có danh sách cụ thể các ngân hàng được phân nhóm. Vậy là các ngân hàng lại thêm một lần thắc thỏm.

Tích cực…

Theo Chỉ thị 01, nhóm 1 được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 17%, nhóm 2 tối đa 15%, nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng. Sau 6 tháng thực hiện, NHNN sẽ xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng.

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho rằng, việc phân nhóm ngân hàng để ấn định hạn mức tín dụng trong bối cảnh hiện nay là một việc làm cần thiết. Điều này giúp cho những ngân hàng có năng lực tài chính, huy động vốn và quản trị DN tốt, sẽ có hạn mức tăng trưởng tín dụng tương xứng, từ đó giúp đảm bảo lưu thông nguồn vốn trong nền kinh tế, đưa vốn một cách hợp lý đến các DN. Còn những tổ chức không được tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ tập trung thu hồi nợ và tái cơ cấu, nếu không thực hiện tái cơ cấu thì trong thời hạn nhất định, phải thực hiện việc sáp nhập với các tổ chức khác.

“NHNN nên sớm có thông tin chính thức về 4 nhóm ngân hàng này để các đơn vị chủ động trong triển khai hoạt động kinh doanh cũng như tái cơ cấu, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động”, ông Thọ nói.

Nên sớm có thông tin về 4 nhóm ngân hàng để các đơn vị chủ động trong hoạt động kinh doanh

Chủ tịch HĐQT một NHTM nhận định, mức tăng trưởng tín dụng được xác định bằng năm 2011 nghĩa là NHNN tiếp tục thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, đó là điều hợp lý trong thời điểm hiện nay. Đồng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho biết thêm, phân nhóm để khống chế mức tăng trưởng là một biện pháp hay, bởi cũng đã đến lúc để các ngân hàng quá yếu bị đào thải ra khỏi thị trường. Ngay cả trong trường hợp không bị đào thải, đó cũng là biện pháp buộc các ngân hàng yếu kém phải tái tổ chức hoạt động, quản lý rủi ro…

“Đó là mặt tích cực, có thể nói là một mắt xích trong việc tái cấu trúc hệ thống một cách lâu dài”, vị chuyên gia trên nói.

… nhưng vẫn còn quan ngại

Ông Thọ cho rằng, ấn định hạn mức tăng trưởng tín dụng là một công cụ hành chính, nhưng hiện tại là giai đoạn cần có những công cụ kết hợp cả kinh tế lẫn hành chính. Tuy nhiên, biện pháp này không thể áp dụng liên tục. Về lâu dài, NHNN chỉ cần đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm cho toàn hệ thống là bao nhiêu, đồng thời điều hành qua các công cụ gián tiếp.

Bên cạnh đó, chủ tịch HĐQT một NHTM nêu quan điểm, thời gian 6 tháng là quá ngắn để thấy được tác động thực sự của việc phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nếu xảy ra biến động, chẳng hạn như biến động lớn nhất là khả năng thanh khoản của các ngân hàng yếu kém bị xếp trong nhóm 4 sớm muộn cũng phải chịu phản ứng cực đoan của thị trường, thì NHNN phải đưa ra quyết định ngay mà không cần phải đợi đúng 6 tháng.

  

Chiều ngày 14/2, NHNN đã tổ chức họp báo công bố những hành động, giải pháp chính sách tiền tệ của cơ quan này để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/2/2012 của Chính phủ. Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NHNN cho biết, khoảng “mươi” ngân hàng trong nhóm 4 không được tăng trưởng sẽ là bí mật giữa NHNN và những ngân hàng đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tại kỳ ĐHCĐ sắp tới, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải công bố thông tin này với cổ đông của mình. Như vậy, thông tin này sẽ rất khó giữ kín, mà NHNN nên sẵn sàng chuẩn bị các giải pháp chủ động xử lý các tình huống phát sinh nếu có.

Trong một tương quan khác, một chuyên gia kinh tế phân tích, cái lợi của Chỉ thị 01 là bắt buộc các ngân hàng yếu phải tập trung vào vấn đề tái cấu trúc, tái tổ chức và vấn đề thanh khoản hơn là vấn đề tăng trưởng. Thế nhưng, liệu rằng những ngân hàng bị “áp” xuống mức 8% hoặc không tăng trưởng thì cổ đông, khách hàng của ngân hàng sẽ như thế nào? “Một ngân hàng không được tăng trưởng là mối nguy hiểm rất lớn”, vị chuyên gia này nói.

Tổng giám đốc một NHTM cho rằng, ở Mỹ, con số tăng trưởng tín dụng 5%, 8% là chấp nhận được, nhưng ở Việt Nam, những ngân hàng tăng trưởng tín dụng 8% là mức quá thấp. Nguyên do bởi Việt Nam là một nền kinh tế trẻ và dự địa tăng trưởng còn rất lớn. Lượng lưu thông vốn qua các ngân hàng cũng phải lớn tương ứng, nếu ngân hàng không được tăng trưởng tín dụng thì đó là “ngân hàng chết”. Điều này có thể sẽ gây ra sự hoang mang trong người gửi tiền cũng như tại các TCTD thuộc loại yếu kém và qua đó tác động lớn tới an toàn hệ thống.

“Với biện pháp như hiện nay sẽ tạo ra những biến động rất lớn đối với cả hệ thống. Qua quá trình thanh tra, cơ quan quản lý nên mạnh tay xử lý các ngân hàng yếu và có kế hoạch cụ thể, thu xếp khách hàng của các ngân hàng bị yếu kém chuyển sang những ngân hàng khỏe mạnh. Thời gian là vấn đề quan trọng trong câu chuyện tài chính, không thể chờ đợi, NHNN cần quyết liệt và thật nhanh”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Nhuệ Mẫn
Theo Dau tu chung khoan


Từ khóa: